Hôm qua 6.4, tại buổi đối thoại trực tuyến với người dân thông qua Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, trả lời về tình trạng cơ quan hữu trách để mất phôi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) gây hoang mang cho người dân trong việc mua bán bất động sản.
Người đứng đầu Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) nói: “Chúng tôi xin nhận khuyết điểm trong vấn đề mất phôi GCN. Phôi có số sê ri mà lọt ra ngoài là liên quan tới việc quản lý của các sở TN-MT, hoặc các phôi đó là giả. Hà Nội vừa qua có nơi làm mất phôi sổ đỏ, có nơi làm mất 483 chiếc có sê ri. Dư luận lo ngại người ta sẽ sử dụng cái này để làm thế chấp hoặc lừa đảo, có trường hợp nhà 5 tầng có 5 GCN khác nhau”.
Bộ TN-MT sẽ kiểm tra, giải quyết tình trạng người dân mua nhà ở nhiều DA nhà ở chưa được cấp GCN sở hữu - Ảnh: Diệp Đức Minh
|
Bộ trưởng Quang cho rằng, quy định về vấn đề này khá chặt chẽ, nhưng thực tế vẫn diễn ra các trường hợp như đã nói. Bộ đã có công văn nhắc nhở, đồng thời thông báo về số phôi bị mất để người dân cảnh giác. Người dân nếu mua nhà đất có thể kiểm tra tại cơ quan đăng ký GCNQSDĐ. Ngoài ra, theo Bộ trưởng Quang, các văn phòng công chứng có thể xác nhận thật giả của các sổ đỏ nếu liên lạc với các cơ quan đăng ký sổ đỏ. Việc xử lý những người có trách nhiệm phải thực hiện theo luật.
Liên quan đến hiện trạng cấp GCN quyền sở hữu nhà ở và đất ở cho người dân tại các dự án (DA) phát triển nhà ở còn rất chậm, theo ông Trần Hồng Phi, Cục trưởng Cục Đăng ký thống kê, Tổng cục Quản lý đất đai, là do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân từ chủ đầu tư là lớn nhất. Nhiều DA vi phạm pháp luật đất đai, pháp luật xây dựng như xây dựng không đúng quy hoạch, chưa xây xong đã bán hết căn hộ... Về phía cơ quan nhà nước, việc quản lý giám sát trong quá trình thực hiện các DA đầu tư chưa chặt chẽ, để xảy ra nhiều sai phạm, không phát hiện và xử lý kịp thời, hoặc có kiểm tra, phát hiện nhưng xử lý chậm, chưa cương quyết, chủ động... Về phía người mua nhà, nhiều DA có mức độ chuyển nhượng mua đi bán lại với tỷ lệ lớn, trên dưới 70%, thông thường các trường hợp này chưa muốn làm thủ tục, trong đó có lý do ngại làm thủ tục sẽ phải chịu thuế, phí, đặc biệt là phí trước bạ.
“Trước mắt, cần tập trung thanh - kiểm tra các DA có vướng mắc, theo nguyên tắc nếu ai sót về phía chủ đầu tư thì chủ đầu tư sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn sai phạm nếu không từ phía người mua nhà thì phải tìm cách cấp GCN cho họ. Về lâu dài, sẽ chỉ đạo địa phương chấn chỉnh ngay các DA phát triển nhà ngay trong quá trình thực hiện, xử lý sớm các DA có sai phạm”, ông Phi nêu giải pháp khắc phục.
Gia đình ông Đoàn Văn Vươn được thuê đất
Tại buổi đối thoại trực tuyến liên quan đến việc xử lý đối với diện tích đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn (H.Tiên Lãng, Hải Phòng), Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, UBND H.Tiên Lãng và Sở TN-MT Hải Phòng đã đề xuất phương án và đề nghị Bộ hướng dẫn. Theo đó, sẽ cho gia đình ông Vươn thuê hằng năm đối với một phần diện tích đất và một phần khác được thuê đến năm 2020.
Bộ trưởng Quang cũng khẳng định sẽ không cấp giấy phép mới cho DA khai thác vàng sa khoáng. Đối với các DA đã được cấp, cơ quan hữu trách sẽ tiến hành kiểm tra, những DA nào thực sự không ảnh hưởng lớn đến môi trường, không tác động tiêu cực về mặt xã hội thì cũng có thể được xem xét cho tiếp tục khai thác nhưng phải kiểm tra chặt chẽ.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: