Top

3 nguy cơ trong phát triển đô thị ở TPHCM

Cập nhật 06/01/2009 01:03

Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM đã chỉ ra 3 nguy cơ trong phát triển đô thị ở TPHCM. Đó là:

(1) Tràn lan, không có quy hoạch, không có hạ tầng chung

(2) Lan tỏa, theo các trục đường giao thông, tạo áp lực cho các trục đường này, gây ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông, trái với quy hoạch;

(3) Tự phát, tức là xây nhà trái phép và hậu quả là sẽ tạo nên các khu đô thị lụp xụp, ổ chuột.

Điều đó quả là chẳng sai, cứ dạo một vòng quanh các quận, huyện ngoại thành là nhìn thấy ngay 3 nguy cơ vừa nêu. Nhận biết được thực trạng này, TPHCM cũng đã có nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình hình, nhưng kết quả mang lại vẫn chưa được như mong muốn. Điều này cũng dễ hiểu, bởi chúng là kết quả của hàng loạt những bất cập do chính con người tạo nên.

Chính quyền địa phương thiếu trầm trọng nhân sự để quản lý công tác xây dựng ở địa phương mình. Trong khi đó, nhu cầu xây dựng nhà cửa của người dân thành phố lại rất lớn. Đã vậy, trung bình hàng năm còn có hàng ngàn người dân từ các tỉnh, thành khác di cư vào thành phố. Họ cũng có nhu cầu xây nhà, sửa nhà cửa. Tất nhiên, không loại trừ có tiêu cực trong công tác quản lý xây dựng, vì xây một ngôi nhà không phải như may một cái áo, có thể giấu chính quyền địa phương.

Hệ thống luật pháp về xây dựng cũng chưa phải đã hoàn thiện. Quy định các chủ đầu tư khu đô thị mới hoặc chí ít là khu dân cư mới, phải hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật song hành với việc hoàn thành hệ thống nhà ở. Tuy nhiên, ai sẽ kiểm tra việc thực hiện quy định này thì lại chưa được quy định rõ ràng. Kết quả là có không ít khu dân cư mới nhà cửa rất đẹp, nhưng cứ mưa hoặc triều cường dâng cao là… ngập. Hầu như chưa thấy có chủ đầu tư nào bị xử lý hoặc bị phạt vì hành vi “quên” hay “chưa kịp làm” hệ thống hạ tầng kỹ thuật…

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà tất cả 3 nguy cơ như Tiến sĩ Võ Kim Cương cảnh báo cứ hiển hiện, song chưa thấy có dấu hiệu được cải thiện căn cơ.

TPHCM đang nỗ lực xây dựng một thành phố văn minh hiện đại thì không thể phát triển với 3 nguy cơ nêu trên. Hãy bắt đầu với việc lập lại kỷ cương phép nước trong quy hoạch, xây dựng. Với những địa bàn “nóng” về xây dựng, không nên “hà tiện” nhân sự, bởi chi phí trả cho đội ngũ này sẽ rẻ hơn rất nhiều so với chi phí để giải quyết hậu quả. Và với những chủ đầu tư cố tình không làm đầy đủ, đúng chất lượng hệ thống hạ tầng kỹ thuật như quy định, nên chăng truy cứu trách nhiệm hình sự?…

Một sự nghiêm minh của pháp luật sẽ giúp lập lại trật tự trong xây dựng và quy hoạch.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng