Riêng các dự án phát triển đô thị ở Hà Nội "mới" hiện nay đã vượt xa định hướng sử dụng đất của cả Vùng Thủ đô (gồm 7 tỉnh, thành) đến vài thập kỷ nữa?! ...
Thế mới có chuyện trước, sau khi mở rộng Hà Nội và cho đến tận lúc này, hàng trăm dự án, đồ án qui hoạch thuộc Hà Nội "mới" đã bị "đặt lên bàn soi" của từ Trung ương đến địa phương, nhằm suy xét xem dự án nào bất khả thi, dự án nào có thể tiến hành...
Ngày 23/3/2009, UBND TP Hà Nội báo cáo Chính phủ đầu tháng 4/2009 sẽ công bố kết quả việc rà soát, sắp xếp lại các dự án đầu tư sau khi mở rộng địa giới hành chính. Các chủ đầu tư cũng như chính quyền địa phương không khỏi thấp thỏm,... Đơn cử như Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn mới đây cho hay hơn 100 dự án đầu tư tại huyện này đang phải tạm dừng chờ... rà soát!
Bao nhiêu trong 772 dự án sẽ phải "buông" đất vàng?
Tìm hiểu được biết, 772 dự án phát triển đô thị đang "manh nha" tại Thủ đô có tổng diện tích theo qui hoạch chung được duyệt và qui hoạch chi tiết là 145.770ha. Trong đó, khu vực Hà Tây cũ các dự án "chiếm" 102.761ha; khu vực Mê Linh tổng cộng 14.000ha; 4 xã Hòa Bình là 3.383ha và tại Hà Nội cũ cả dự án đang được hoạch định lẫn đang triển khai trải ra trên tổng diện tích xấp xỉ 25.000ha đất.
Theo Hội Qui hoạch phát triển đô thị Hà Nội, một điều dễ nhận thấy từ con số này là sự không phù hợp với Qui hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Rõ nhất là qui mô đất đai: Qui hoạch Vùng Thủ đô qui hoạch sử dụng đất đến 2010 là 55.110ha; đến 2020 là 111.500ha; đến 2050 là 172.800ha.
Vậy là, riêng các dự án phát triển đô thị ở Hà Nội "mới" hiện nay đã vượt xa định hướng sử dụng đất của cả Vùng Thủ đô (gồm 7 tỉnh, thành) đến vài thập kỷ nữa?! Hoặc có thể hiểu: Dự kiến trong vòng 40 năm nữa, đất đô thị của cả Hà Nội mở rộng mới đạt được mức như vậy, trong khi ngay thời điểm này riêng các dự án phát triển đô thị của Hà Nội đã "nuốt" luôn cả quỹ đất cho tương lai!!!
Câu hỏi nhiều người trong ngoài cuộc đặt ra: Đó có thật là các "dự án phát triển" hay "dự án đặt gạch"? Sự thật là, rất nhiều trong số đó việc nhanh chóng nhất mới là xác định chủ đầu tư mà chưa hề tính đến tiến độ thực hiện cũng như các điều kiện, diễn biến của nửa thế kỷ nữa...
Còn nhớ, trước khi Hà Tây nhập vào Hà Nội, khá nhiều doanh nghiệp đã có các cuộc ký kết hợp tác toàn diện với UBND tỉnh Hà Tây. Thế rồi, có doanh nghiệp được giao một lúc 5, 6 "miếng vàng" để mà... nghiên cứu dự án; còn dạng "anh hùng nhất khoảnh" thì vô số kể!!!
Chỉ trong vòng vài tháng của năm 2008, hàng trăm dự án bất động sản thuộc tỉnh Hà Tây cũ đã được phê duyệt, giao đất cấp tập. Có thông tin cho rằng, toàn địa bàn Hà Nội trước khi mở rộng chỉ vỏn vẹn 38 khu đô thị thì chỉ riêng huyện Đan Phượng đã có 15 dự án, Hoài Đức ở mức 80, Quốc Oai và Thạch Thất đều hơn 100 đồ án, dự án đầu tư...
Nếu trước khi hợp nhất, Hà Nội ít có dự án khu đô thị nào rộng hơn 100ha, cá biệt cũng chưa đến 500ha - thì tại phía Tây, dự án nhỏ cũng vài trăm hecta, vừa vừa xấp xỉ 1.000ha, đáng chú ý có dự án gần 3.000ha!
"Rà soát để lựa chọn các dự án thích hợp hay kế thừa một cách đơn giản và xin điều chỉnh qui hoạch Vùng để công nhận tất cả?" - chuyên gia thuộc Hội Qui hoạch phát triển đô thị Hà Nội đánh dấu hỏi. Tuy nhiên, theo nhà chuyên môn này - "việc rõ ràng cần làm ngay, song quan trọng hơn cả là rà soát bằng cách nào và do ai rà soát"!?
Tiêu chí chưa rõ ràng, thành phần chưa đầy đủ...
Chuyên gia thuộc Hội này cho biết, nếu nói việc rà soát đang diễn ra căn cứ Qui hoạch Vùng đã quyệt thì cần hiểu đây chỉ là qui hoạch khung. Qui hoạch chung Hà Nội cũ được phê duyệt từ 1998 và các lần điều chỉnh cục bộ dù đã duyệt nhưng khi Thủ đô mở rộng thì qui hoạch này cũng cần điều chỉnh, không thể xem như bất biến trong qui hoạch mới!
Thêm nữa, nếu lấy tiêu chí các dự án có phục vụ cấp bách hay không, hoặc đã tuân thủ đúng trình tự chưa... để làm tiêu chí rà soát thì e không ổn - bởi đây không thể là yếu tố quyết định.
Ôm đất, ai mất, ai còn? (Chỉ mang tính minh họa - Ảnh: T.A.N)
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: