Top

Chỉnh trang vỉa hè ở TPHCM: Ào ạt, “đóng đô” quá lâu!

Cập nhật 26/03/2009 12:50

Nhiều vỉa hè ở các quận trung tâm tiếp tục bị đào xới từ nay đến cuối năm - Các quan chức có trách nhiệm khẳng định không có tình trạng “chạy đua” làm vỉa hè để giải ngân vốn.

Trước Tết Kỷ Sửu, người dân TPHCM đã một phen lao đao với tình trạng vỉa hè bị đào xới. Những tưởng ăn Tết xong sẽ thoát khỏi cảnh khổ, nào ngờ sau Tết, vỉa hè trên nhiều tuyến đường vẫn tiếp tục bị lật tung. Phản ánh với Báo NLĐ, nhiều người dân cho biết họ ủng hộ chủ trương làm lại vỉa hè để chỉnh trang đô thị, nhưng thời gian “đóng đô” của đơn vị thi công quá lâu khiến chuyện kinh doanh buôn bán, sinh hoạt bị ảnh hưởng nặng nề.

Thi nhau đào xới

Theo UBND quận 3, hiện tại trên địa bàn quận đang triển khai làm lại vỉa hè ở 8 tuyến đường: Ngô Thời Nhiệm, Cách Mạng Tháng Tám, Tú Xương, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Hiền, Võ Văn Tần, Trần Quốc Thảo và Huỳnh Tịnh Của.

Ông Lê Thành Quốc, Phó Phòng Quản lý đô thị quận 3, cho biết trong tháng 4 sẽ có thêm 4 tuyến đường nữa là Lý Thái Tổ, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Quý Đôn, Cách Mạng Tháng Tám (phường 10) tiếp tục được đào xới để làm lại vỉa hè.

Thời gian làm một dự án vỉa hè tùy thuộc vào độ dài tuyến đường và tốc độ thi công của nhà thầu, thông thường kéo dài ít nhất một tháng. Theo ông Quốc, từ nay đến cuối năm 2009, quận 3 sẽ tiếp tục làm các tuyến đường khác để hoàn thành mục tiêu chỉnh trang vỉa hè trên toàn quận trong năm nay, nếu có chậm, cũng chỉ kéo sang đầu năm 2010.

Vào đầu tháng 3-2009, UBND quận 1 đã thống kê những tuyến đường có quyết định đầu tư và đang được triển khai thi công vỉa hè. Theo đó, quận 1 có 25 tuyến đường phải làm lại vỉa hè.

Hiện tại, vỉa hè một số tuyến vẫn đang còn ngổn ngang gạch đá như Hai Bà Trưng, Pasteur, Tôn Đức Thắng, Lý Tự Trọng, Nguyễn Du. Sắp tới là các tuyến đường: Võ Thị Sáu, Lê Lợi, Lê Duẩn, Mạc Đĩnh Chi, Huyền Trân Công Chúa, Hồ Tùng Mậu, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trung Ngạn, Nguyễn Thị Nghĩa sẽ tiếp tục bị đào xới.

Không rầm rộ như 2 quận trung tâm, theo ông Võ Đào Hà, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 10, trên địa bàn quận hiện chỉ có tuyến đường Lý Thái Tổ đang được làm lại vỉa hè. Còn bà Huỳnh Thị Thảo, Phó Chủ tịch UBND quận 5, cho biết: “Phần vỉa hè của quận 5 đã xong được 80% - 90%, bây giờ chỉ còn một ít vỉa hè bị dân lấn chiếm, vướng các công trình hạ tầng hoặc chờ giải tỏa để làm nốt phần còn lại”.

Vì sao lại làm đồng loạt?

Lý giải nguyên nhân tại sao các quận, huyện đồng loạt làm lại vỉa hè, ông Nguyễn Thế Mỹ, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 6, trần tình: “Vốn làm vỉa hè là vốn do UBND TP phân cấp, thông thường đến quý II hằng năm tiền mới về. Lập dự án phải mất thêm khoảng 6 tháng nữa nên việc làm lại vỉa hè thường rơi vào cuối năm”.

Còn phía UBND quận 3 thì cho rằng làm vỉa hè trong thời điểm cuối năm sẽ ảnh hưởng đến chuyện buôn bán, sinh hoạt của người dân trong mùa tết. Vì vậy, UBND quận 3 dời thời gian thi công vỉa hè sang đầu năm sau, đồng thời lợi dụng mùa khô dễ thi công.

Bên cạnh đó, do năm 2008 giá cả vật tư biến động mạnh, UBND quận 3 phải tiến hành điều chỉnh giá cho nhà thầu. Vì thế, nhiều dự án vỉa hè phải “nằm” chờ sang năm 2009 mới được triển khai.

Người dân phản ánh một số đoạn vỉa hè vẫn còn sử dụng được nhưng vẫn bị cày xới để làm lại. Như thế có lãng phí? Ông Quốc cho hay các quận huyện phải làm lại vỉa hè dựa trên mẫu vỉa hè đã được Sở GTVT TPHCM ban hành.

Vì vậy, những vỉa hè cũ tuy còn sử dụng được nhưng không đạt chuẩn, thường có chỗ cao chỗ thấp... Ví dụ như vỉa hè ở một số cao ốc tuy rất đẹp, còn mới nhưng không đạt chuẩn nên vẫn phải làm lại. Như vậy vỉa hè sẽ có cùng một cao độ, đồng nhất về gạch lát, triền lề, đạt chất lượng về mặt thẩm mỹ.

Ông Hà cũng có cùng suy nghĩ: “Làm vỉa hè thì phải làm lại toàn bộ để tránh tình trạng da beo, không đồng nhất”. Ông Hà cũng cho rằng không có tình trạng “chạy đua” làm vỉa hè để giải ngân vốn vì vỉa hè ở quận 10 thường được làm theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Chính vì thế có dự án phải kéo dài 2 – 3 năm do không đạt sự đồng thuận của tất cả các hộ dân.



Nhân viên một nhà trẻ trên đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3
san lấp tạm vỉa hè để có đường cho trẻ vào. Ảnh: T.Thạnh.


DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động