Top

Giá căn hộ tăng cao vì... móng

Cập nhật 27/11/2007 11:00

Sau một thời gian chựng lại để nghe ngóng, gần đây các doanh nghiệp tại TP.HCM bắt đầu công bố dự án trở lại. Nhiều khả năng giá căn hộ sẽ tăng.

Khoảng một tuần nay, các dự án bắt đầu công bố ra khách hàng. Do qui định chủ đầu tư không được huy động vốn của khách hàng khi công trình chưa làm xong phần móng, nên các dự án này vẫn tổ chức bốc thăm nhưng không nhận tiền đặt cọc, tiền giữ chỗ... Khách hàng trúng thăm sẽ có tên trong danh sách mua căn hộ khi chủ đầu tư công bố bán.

Công bố để thăm dò khách hàng

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Ngọc Tiên, trưởng phòng nghiên cứu thị trường Công ty TNHH địa ốc Phúc Đức, trước đây chủ đầu tư và khách hàng bị ràng buộc bởi khoản tiền đặt cọc. Nhưng nay hình thức bốc thăm giữ chỗ này chẳng khác nào cam kết miệng với nhau, cả người mua và người bán đều không bị ràng buộc với nhau nên khách hàng có thể không mua, còn chủ đầu tư có thể tăng giá bán. Ông nói việc đăng ký là "chiến thuật" của các công ty, chủ yếu để thăm dò mức độ quan tâm của khách hàng và quyết định giá bán khi dự án hoàn thành phần móng.

Trong khi đó một số dự án khác hoàn tất các thủ tục theo qui định đã nhanh chóng chào hàng ra thị trường. Một công ty môi giới cho biết vừa tung ra bán hàng chục nền đất tại quận 2 và kế hoạch là tiếp tục đưa thêm hàng nữa trong thời gian tới. Mong muốn của doanh nghiệp này là "hút" hết tiền từ khách hàng từ ba dự án phải hoàn trả vốn huy động gần đây.

Cùng "chiêu" này, một chung cư khác hoàn thành phần móng công trình cũng vừa công bố bán căn hộ. Nhưng giá bán ra sao vẫn chưa được chủ đầu tư này công bố rõ ràng. Thông tin nội bộ cho biết ban đầu dự kiến bán giá từ 2.200 - 2.800 USD/m2, nhưng gần đây thị trường hiếm hàng nên chủ đầu tư này quyết định tăng giá thêm khoảng 200 USD/m2.

Hầu hết các dự án đã lên kế hoạch công bố trong tháng 11, 12 - 2007 đang phải hoãn lại, chờ đến khi hoàn tất phần móng công trình. Chủ đầu tư một dự án tại quận 7 cho biết vốn đầu tư cho dự án khoảng 7.000 tỉ đồng, nếu phải xây xong phần móng thì công trình cần khoảng 2.000 tỉ. Không huy động vốn chỉ còn cách vay ngân hàng và có thể năm sau mới bán ra.

Cũng không ít chủ đầu tư đang tính đến phương án khác để "chạy" qui định của Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản hoặc sang nhượng lại dự án, liên kết với các đơn vị có năng lực khác làm dự án.

Giá cao vì áp lực tiền vay

Chủ đầu tư một dự án lo lắng hình thức bán căn hộ sau khi xây dựng xong phần móng chứa đựng nhiều rủi ro. Trước đây, việc huy động vốn vừa để có tiền làm dự án, vừa thăm dò nhu cầu của khách hàng. Nếu khách hàng ít quan tâm thì dự án cũng chưa làm gì, lúc đó có thể điều chỉnh. Nhưng nay bỏ tiền ra xây dựng phần móng mà khách hàng không mua coi như chủ đầu tư ôm trọn, không thể điều chỉnh được nữa.

Lãnh đạo Công ty cổ phần kinh doanh nhà Nova Homes khẳng định nếu áp dụng hình thức huy động vốn khi công trình hoàn tất phần móng chắc chắn giá bán căn hộ sẽ tăng. Ông phân tích trước đây khi dự án chưa khởi công thì chủ đầu tư có thể huy động vốn khách hàng, có dự án lúc khởi công đã huy động đến 30% giá trị căn hộ. Nguồn vốn này dư sức cho chủ đầu tư làm móng.

Nhưng nay các chủ đầu tư phải vay vốn ngân hàng để xây móng nên giá bán phải cộng thêm phần lãi suất vay ngân hàng. Đó là chưa kể thời gian rao bán hàng rút ngắn hơn so với trước đây (6-12 tháng vì chờ xây móng xong). Để bán hàng nhanh, chủ đầu tư phải bỏ ra chi phí quảng bá, tiếp thị dự án...Tất cả chi phí này đều cộng vào giá căn hộ.

Có thể khan hiếm hàng vì chờ... móng

Ông Võ Đình Quốc, phó giám đốc Công ty cổ phần địa ốc ACB, dự báo trong thời gian chờ các dự án hoàn tất phần móng, thị trường có nguy cơ khan hiếm hàng mới. Do vậy các dự án đã hoàn chỉnh hạ tầng, xong phần móng có thể "làm giá” với thị trường để đẩy giá lên cao hơn. Nhưng liệu họ có thể thao túng thị trường trong lúc này? Ông Quốc cho rằng nếu đẩy giá quá cao người mua sẽ khó chấp nhận. Nhưng việc này chỉ là giao thời, sau một thời gian các dự án sẽ hoàn tất phần móng, thị trường có thêm nhiều hàng mới. Lúc đó thị trường sẽ bình ổn trở lại.



Theo Tuổi Trẻ