Top

Đường phố "kính vạn hoa"

Cập nhật 11/09/2007 10:00

Mỗi ngày, đi qua những con phố mới, điều đập ngay vào mắt mọi người là hình ảnh những dãy nhà ống, một tập hợp hầu như đủ mô-típ kiến trúc trên thế giới: một chút Tây, một chút Tàu, một chút Mỹ, rồi Hàn Quốc, Nhật Bản... với một bảng màu xanh, đỏ, tím, vàng... của ô kính vạn hoa.

KTS Võ Thành Lân trò chuyện:

* Để tả diện mạo kiến trúc của những phố thị mới, hiện đại hôm nay, nhiều người đã phải dùng tới cụm từ “ lẩu thập cẩm”- còn ông, một kiến trúc sư, ông sẽ nói thế nào?

- Kiến trúc sư Võ Thành Lân: Bây giờ, ai cũng muốn có kiến trúc hiện đại. Từ nhà dân thường đến các cơ quan cấp quận huyện, tỉnh thành đến cả trung ương đều đòi công trình phải được thiết kế cho thật hiện đại. Nhưng khi hỏi thế nào là hiện đại thì thường nhận được câu trả lời là:  “Tùy các anh, miễn sao cứ hiện đại cho tôi là được...!?”. Thế là, khi nhìn tổng quan một khu phố, với mỗi cách hiểu hiện đại khác nhau, chuyện “lẩu thập cẩm” ra đời không có gì lạ..

Hiện đại: Không giống ai?!

* Ông có hiểu được các thượng đế của mình đang nghĩ gì, muốn gì cho ngôi nhà của họ?

- Tựu trung, các thượng đế đều thường quan niệm kiến trúc hiện đại là loại kiến trúc chưa từng có tại VN, hoặc là những khuôn mẫu mà họ đã nhìn thấy đâu đó qua những chuyến ra nước ngoài hoặc trong sách báo; đó là loại kiến trúc sử dụng nhiều nhôm, kính và các vật liệu hoàn thiện ngoại nhập; loại kiến trúc nhất thiết phải có điều hòa không khí.

* Và, có phải vì vậy mà ông kêu lên một cách thống thiết:  Vì sao người ta nhất thiết cứ phải bám chặt vào hai chữ “hiện đại” một cách khuôn sáo pha lẫn mộng tưởng đó? Hôm nay, ông đã có lý giải nào cho câu hỏi trên?

- Có phải là một khi vừa thoát khỏi sự nghèo khó, dù bằng con đường nào: lao động chân chính, lưu manh phạm pháp, tham nhũng..., người ta thường cố tạo điều kiện để vội vã chối bỏ quá khứ của mình? Rồi, xứ ta như là một cái bọc chật chội, ai cũng muốn thoát ra để làm rõ mặt mình dưới ánh mặt trời, giữa cái thế giới bao la rộng lớn này!? Và, văn hóa, lịch sử, quốc tịch chỉ là những thứ ràng buộc, chẳng có ý nghĩa gì mấy trong cái thời đại Internet.

Nói riết thành quen: Hiện đại là khác hôm qua, hiện đại là nhập khẩu, hiện đại là bảnh hơn những nhà khác ở chung quanh, hiện đại là à la mode!!!

Trình độ quản lý kém - đó là sự thật

* Có vẻ từ “hiện đại” được nhiều người hiểu chệch đi một cách thái quá, nó đã gây nên một sự chua chát trong ông, cũng như nó là một trong những tác nhân, tạo cho khuôn mặt phố thị hôm nay trở nên lộn xộn?

- Người ta đã và vẫn đang nói về sự lộn xộn, rối rắm và đầy những bất hợp lý đang tồn tại trong các đô thị hôm nay. Sự lộn xộn ấy có thể nhận ngay ra không chỉ trong kiến trúc, mà ngay cả sự giảm sút về chất lượng môi trường; chất lượng giao thông đô thị; mật độ, hình thức và chất lượng xây dựng; dân số tăng,... và nhiều yếu tố khác nữa. Nó phản ánh ngay vào một tổng thể kiến trúc đô thị lổn nhổn, phát triển vô trật tự.

Nhiều người có tiền thích xây những thứ khác người, chẳng cần biết đẹp xấu, miễn là khác thiên hạ, không đụng hàng và gây ấn tượng để tạo sự thu hút về thị giác.

* Nếu phải nêu cụ thể một địa chỉ để chịu trách nhiệm cho sự lộn xộn trên, ông sẽ chỉ vào đâu?

- Do lỗi trong quy hoạch và quản lý. Đó là hậu quả của tình trạng quản lý kém, nếu không phải là thiếu kiến thức thì cũng do những người quản lý chưa thực tâm muốn quản lý đô thị theo một phương pháp thật sự khoa học, mà như đã nói, vẫn còn bị tác động bởi những đòi hỏi của thị trường. Nếu không quy hoạch theo kiểu phân lô, không cấp phép để người ta xây vô tội vạ... thì đâu có tình trạng này.

* Có nghĩa là trình độ  tư vấn và quản lý đô thị có vấn đề?

- Đó là một sự thật. Có thể có 2 lý do. Trước hết có thể là do trình độ tư vấn kém, nhưng cũng có thể là vì lý do nhà quản lý đô thị không đủ khả năng và trình độ để đánh giá hoặc phản biện các nhà tư vấn.

Thị dân ở đâu trong quy hoạch kiến trúc?

* Vâng, trách nhiệm quản lý Nhà nước đã rõ. Song, có lời biện minh rằng dân đông quá, phức tạp quá, giải quyết các việc hành chính sự vụ cũng đã hụt hơi rồi. Ông sẽ phản biện thế nào?

- Việc khống chế dân số để  phù hợp với không gian sống phải được coi là trách nhiệm quan trọng. Dân số gia tăng là nguyên nhân gây quá tải liên tục về mặt quản lý của chính quyền đô thị, khiến họ cứ loay hoay cho những công việc hành chính rườm rà khác mà chưa thể thực hiện đúng vai trò thật sự trong nhiệm vụ quản lý đô thị.



* Công nghiệp hóa, hiện đại hóa tất yếu sẽ dẫn đến đô thị hóa. Người có thu nhập trung bình hoặc thấp luôn có xu hướng muốn làm thị dân để hưởng phúc lợi công cộng, vì đó là những vấn đề họ khó có khả năng tự giải quyết.

- Đấy chính là điều tôi muốn đề cập tới: Chúng ta phải xem là đô thị dành cho ai, nhắm tới số đông nào. Đó chính là cơ sở để giải quyết mọi vấn đề liên quan đến xây dựng, quy hoạch, phúc lợi công cộng. Người giàu hoàn toàn có thể tự tạo điều kiện sống tiện nghi, ngay cả khi họ chọn những nơi xa xôi để định cư, xây nhà, phúc lợi giáo dục của họ bây giờ là đi du học,... Còn người có thu nhập thấp hoặc trung bình lại rất khó khăn để có thể tự lo cho mình. Vì vậy, theo tôi, bài toán quy hoạch kiến trúc đô thị chính là bài toán phục vụ cho số đông những thị dân có thu nhập trung bình hoặc thấp.

* Theo ông, làm thế nào để  thị dân đóng vai trò tích cực hơn trong bài toán quy hoạch kiến trúc đô thị của chính họ?

- Đối tượng chịu ảnh hưởng rất lớn của quy hoạch kiến trúc đô thị hiện nay không ai khác là người dân, và theo tôi, quy hoạch phải mở rộng quyền tham gia của người dân và chính họ phải nhìn thấy và nhận ra khả năng hưởng lợi từ các dự án quy hoạch đô thị. Chẳng hạn, ở Trung Quốc, nếu một cá nhân có tiền muốn xây dựng riêng rất khó khăn, nhưng nếu một cộng đồng cùng nhau tham gia xây một khu chung cư 10 tầng, 20 tầng, Nhà nước sẵn sàng ủng hộ. Cần  xem người dân như là những tiềm năng đầu tư khi tiến hành quy hoạch. Giải quyết bài toán quy hoạch kiến trúc đô thị chính là giải quyết bài toán về con người đô thị.

* Nhưng còn một nhân vật quan trọng không kém, đó là vai trò của các kiến trúc sư trong cái “lẩu thập cẩm” kiến trúc đô thị hôm nay?

- Trong sự việc này có 2 vế nội dung tôi muốn đề cập tới.

Thứ nhất, dù có đau lòng, tôi cũng muốn nói với các đồng nghiệp trẻ của mình rằng: Hôm nay, nhiều người có bằng kiến trúc sư, nhưng lại ít kiến trúc sư thực sự mang lên đôi vai cái nghiệp của mình. Dù cái nghiệp ấy cũng lớn như cái vóc xã hội của nghề, cũng mênh mông và bất định, trong sự lu -tỏ nhập nhòe của cuộc đời.

Thứ hai, tôi muốn kêu gọi: Hãy để cho giới kiến trúc sư tự quyết định công việc của mình; Hãy để cho kiến trúc sư nói tiếng nói của mình  với những đồng nghiệp trên thế giới. Tóm lại, hãy mau chóng cho ra đời một kiến trúc sư đoàn VN.

Theo Đông Quân - Tạp chí Người Đô Thị