Top

Hệ thống quy chuẩn cho công tác quy hoạch: Thiếu hụt và bất cập

Cập nhật 10/09/2007 17:00

Ngày 7/9, Bộ Xây dựng đã công bố kết luận thanh tra về công tác quy hoạch xây dựng (QH XD) tại TP Hà Nội. Theo kết luận này, công tác QH XD ở Hà Nội còn nhiều vấn đề bất cập. Nhiều kiến nghị đã được đưa ra để khắc phục các vấn đề còn tồn tại.

Ngày 4/9, Sở QH-KT đã có văn bản số 389/QHKT-TH gửi UBND TP, làm rõ các vấn đề mà kết luận thanh tra đã đưa ra. Qua đó, có thể thấy công tác QH XD hiện nay vẫn còn có nhiều bất cập, hạn chế mà một trong các nguyên nhân cơ bản là hệ thống quy chuẩn còn thiếu hụt, khập khiễng.

Về QH chi tiết XD tỷ lệ 1/2.000, 1/5.000 đối với các quận, huyện, kết luận Thanh tra nêu, hầu hết các đồ án QH XD chi tiết tỷ lệ 1/2.000 đối với các quận và QH XD chi tiết tỷ lệ 1/5.000 đối với các huyện đã được lập, thẩm định và phê duyệt thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật. Về quy trình: QH XD chi tiết triển khai thực hiện thành hai bước, vì vậy phải ban hành hai quyết định phê duyệt.

Theo báo cáo của Sở QH-KT, căn cứ các quy định Pháp luật tại thời điểm lập quy hoạch chi tiết quận - huyện (chưa có Luật XD 2003), không có quy định nào cấm tách đồ án QH thành 2 bước. Điều 16 của Quyết định 322/BXD chỉ quy định thành phần hồ sơ QH chi tiết cho cả 3 loại tỷ lệ 1/5.000, 1/2.000 và 1/500 gồm 9 thành phần hồ sơ. Trong tình hình thực tế cần sớm có QH chi tiết quận - huyện để có công cụ quản lý XD, đồng thời phủ kín QH chi tiết theo yêu cầu của Nhà nước, UBND TP đã cho phép tách thành 2 bước.

Bước 1
:  Lập QH chi tiết sử dụng đất và giao thông, đây là những thông tin phục vụ quản lý XD rất quan trọng và cần làm trước.

Bước 2
:  Được thực hiện tiếp ngay sau đó về HTKT: cấp, thoát nước, cấp điện, thông tin... nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tế về thời gian và yêu cầu quản lý XD, vẫn đảm bảo nguyên tắc đầy đủ thành phần hồ sơ theo quy định.

Với cách làm này, chỉ trong vòng hơn 3 năm (1998-2001), toàn bộ 12 quận, huyện trên địa bàn TP đã được phê duyệt QH chi tiết với nội dung QH sử dụng đất và giao thông. Các QH chi tiết hạ tầng kỹ thuật các quận, huyện được làm song song, trong đó ưu tiên lập QH chi tiết hạ tầng kỹ thuật cho các quận, huyện có tốc độ đô thị hoá nhanh, các vùng ven đô và các quận mới thành lập như: huyện Từ Liêm, quận Thanh Xuân, Cầu Giấy... đến nay các quận, huyện này đều có QH chi tiết 1/5.000 và 1/2.000 đồng bộ cả kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật được phê duyệt. Các quận Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ đang thẩm định trình Thành phố phê duyệt. Các quận, huyện khác đang tiếp tục được hoàn chỉnh phần QH hạ tầng kỹ thuật. Dù có một số QH hạ tầng triển khai còn chậm, nhưng về cơ bản Hà Nội vẫn là đô thị đầu tiên trong cả nước và rất sớm phủ kín QH chi tiết quận, huyện trên toàn TP.

Về công bố, công khai QH và tổ chức cắm mốc giới trên thực địa, theo kết luận thanh tra: "Từ khi Luật XD có hiệu lực, Chính quyền các cấp trên địa bàn TP Hà Nội chưa thực hiện tốt việc công bố công khai các đồ án QH XD chi tiết dưới nhiều hình thức khác nhau để dân biết; chưa triển khai thực hiện việc cắm mốc giới ngoài thực địa theo quy định tại Điều 32 Luật XD và Điều 38 NĐ 08/2005/NĐ-CP ngày 24/1/2005 của Chính phủ về QH XD sau khi các đồ án QH được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, vì vậy gây bức xúc và khiếu kiện kéo dài của nhân dân khi thực hiện đầu tư dự án".

Về vấn đề này, theo Sở QH-KT, Điều 40, NĐ 08/2005/NĐ-CP quy định về cắm mốc giới nhưng không có hướng dẫn cụ thể mức độ cắm mốc cho từng loại QH. Các tỷ lệ nhỏ không thể cắm mốc chính xác và không thể cắm mốc nhiều lần từ tỷ lệ 1/5.000 đến 1/500... Nội dung này cũng chưa được Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, công tác cắm mốc vẫn được triển khai thực hiện đối với các tuyến đường QH, các khu ĐTM. Quá trình cắm mốc có sự tham gia của chính quyền địa phương, tổ dân phố. Đến nay TP đã cắm mốc giới cho các tuyến đường với chiều dài 154km.

Sở QH-KT cũng kiến nghị, Bộ Xây dựng sớm có hướng dẫn về nội dung quản lý QH XD và vốn cho công tác QH để Hà Nội và các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện. Một số vấn đề khác cần có hướng dẫn để thực hiện như: thiết kế đô thị và quản lý kiến trúc đô thị; quản lý và khai thác công trình ngầm, không gian ngầm; tổ chức lập QH và điều chỉnh QH quận, huyện theo Luật XD; trình tự, thủ tục đối với việc điều chỉnh cục bộ QH XD để không gây khó khăn, ách tắc cho dự án, công trình XD đang diễn ra với số lượng lớn, tốc độ rất khẩn trương…

Từ những vấn đề bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện công tác QH XD tại Hà Nội cho thấy, việc rà soát toàn bộ các văn bản có liên quan đến công tác QH ở cả cấp Trung ương và địa phươngtheo yêu cầu của Chính phủ, được cụ thể hóa tại văn bản số 1218/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp ngày 13/8/2007, là rất cần thiết. Thực tế cho thấy "hành lang" để thực hiện công tác QH XD hiện còn nhiều thiếu hụt, bất cập, chưa đáp ứng và chưa phù hợp thực tế.

Theo S.H - Kinh Tế & Đô Thị