Top

Đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây

Cập nhật 22/08/2008 11:00

Mục tiêu đầu tư công trình này là xây dựng tuyến cao tốc từ TPHCM nối kết với quốc lộ 51, sân bay Long Thành và tuyến quốc lộ 1 tại Dầu Giây. Công trình này về lâu dài sẽ trở thành điểm đầu của dự án đường cao tốc khác: tuyến Dầu Giây - Đà Lạt. Khi hoàn thành đưa vào sử dụng đường cao tốc này thì hành trình từ TPHCM đi Vũng Tàu, ra các tỉnh phía Bắc sẽ được rút ngắn khoảng 20km so với hiện nay.

Dự án được bắt đầu tại vị trí giao tiếp giữa đường Lương Định Của với trục đường Đông-Tây, phường An Phú quận 2, TPHCM (Km 0) và kết thúc tại Km 1829+800 trên quốc lộ 1A, cách ngã ba Dầu Giây hiện hữu chừng 2,7km về phía Hà Nội, thuộc xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Như thế dự án được xây dựng trên địa phận các quận 2, 9 –TPHCM và các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Cẩm Mỹ, Thống Nhất thuộc tỉnh Đồng Nai với độ dài khoảng 55km. Trong giai đoạn 1, công trình có quy mô 4 làn xe, tim tuyến trùng với tim tuyến giai đoạn hoàn chỉnh. Khi đầu tư hoàn chỉnh, đường có quy mô 8 làn xe, bề rộng nền đường 36m.

Công trình bao gồm một số cầu như cầu Long Thành, được xây dựng theo loại cầu một đơn nguyên, với kết cấu nhịp chính dầm bê tông cốt thép liên tục đúc hẫng cân bằng và tĩnh không thông thuyền cao 30,5m còn tĩnh ngang 2 x 110m, nhưng sang giai đoạn hoàn chỉnh sẽ được xây thêm một đơn nguyên cầu với quy mô bằng quy mô cầu trong giai đoạn đầu về phía bên phải tuyến, khoảng cách giữa hai đơn nguyên cầu là 12,75m.

Các hạng mục khác của công trình đường cao tốc quan yếu này còn có một loạt nút giao khác mức (nút giao Vành đai 2, nút giao quốc lộ 51, nút giao Dầu Giây) cùng 22 vị trí vượt - chui và một nút giao đồng mức tại An Phú. Nút giao Vành đai 3, nút giao đường giao thông Biên Hòa - Vũng Tàu hoặc nút giao cửa Bắc của Cảng hàng không Long Thành sẽ chỉ được đầu tư khi các dự án liên quan được triển khai.

Đối với hệ thống thoát nước trên tuyến, trong giai đoạn 1 sẽ xây dựng hệ thống thoát nước dọc, thoát nước ngang và hệ thống cống kỹ thuật. Hệ thống rãnh thoát nước dọc tuyến là các rãnh hở có nắp đậy bê tông cốt thép hoặc cống tròn.

Hệ thống thoát nước ngang bao gồm các cống tròn, các cống hộp và cầu bản với tổng chiều dài khoảng 1.560m. Sẽ có 87 cống kỹ thuật, dự kiến bố trí với khoảng cách trung bình từ 0,5km đến 1km/cống, khẩu độ 2m theo quy mô mặt cắt ngang giai đoạn 1. Sang giai đoạn hoàn chỉnh, các cống tròn, cống hộp, các cầu bản và các cống kỹ thuật theo quy mô hoàn chỉnh của mặt cắt ngang đường đồng thời 66/87 cống kỹ thuật các loại sẽ được kết hợp vào các công trình khác.

Để đảm bảo thu phí, trong giai đoạn đầu sẽ có 2 trạm thu phí chính đặt tại Km 11 - giữa sông Tắc và sông Đồng Nai, và trạm Dầu Giây cùng 4 trạm phụ. Khi hoàn chỉnh, sẽ đầu tư thêm các trạm phụ tại các nhánh vào/ra đường cao tốc.

Tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu là hơn 9.890 tỷ đồng và giai đoạn hoàn chỉnh là 18.884 tỷ đồng, trong đó phần dành cho giải phóng mặt bằng, tái định cư và rà phá bom mìn đã chiếm hơn 1.043 tỷ đồng và 587,44 tỷ đồng trong số này thuộc về địa phận TPHCM. Do kinh phí quá lớn nên việc phân bổ nguồn vốn đầu tư cũng khác nhau theo từng giai đoạn xây dựng.

Trong giai đoạn đầu, hơn 880 tỷ đồng vốn xây dựng đoạn An Phú - Vành đai 2 sẽ do TPHCM đảm trách. Giai đoạn hoàn chỉnh, vốn được huy động từ vay thương mại OCR từ Ngân hàng Phát triển châu Á, vốn ngân sách và vốn do chủ đầu tư tự huy động. Theo lộ trình, hai năm 2007 - 2008 là bước chuẩn bị đầu tư. Từ nửa cuối năm 2008 - 2012 chính thức xây dựng.

Tiểu dự án giải phóng mặt bằng trên địa bàn TPHCM

– Chiều dài tuyến là 8,6km, điểm đầu dự án Km4+00 (tại nút giao với đường vành đai 2), điểm cuối dự án là Km13+600 (cầu Long Thành). Quy mô đường cao tốc loại A, tốc độ thiết kế 120km/giờ, giai đoạn hoàn chỉnh có 8 làn xe nhưng giai đoạn 1 chỉ có 4.

– Phạm vi giải phóng mặt bằng theo quy hoạch hoàn chỉnh là 60m, trong khi phạm vi đó ở giai đoạn 1 được tính từ chân ta luy nền đường đắp, đỉnh ta luy nền đường đào, mép công trình theo quy mô giai đoạn 1 ra mỗi bên 7m. Tổng diện tích giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 là 41,21 ha. Trong đó: diện tích mặt bằng để xây dựng là 31,11 ha; xây dựng trung tâm điều hành giao thông cao tốc phía Nam 1,95 ha và 0,15 ha khác xây dựng nhà Hạt quản lý đường bộ và trạm thu phí.

– Diện tích đất và nhà ở, công trình bị ảnh hưởng được xác định gồm có 25.636m2 diện tích đất thổ cư; 14.552m2 diện tích nhà các loại; 365.534m2 đất nông nghiệp; 109.660m2 hoa màu cây ăn quả và 11.735m2 đất đầu mối giao thông.

– Kinh phí phục vụ giải phóng mặt bằng ước khoảng 351 tỷ đồng.

– Tiến độ giải phóng mặt bằng được hoạch định trong suốt năm 2008, trong đó đến quý 4-2008 phải hoàn thành khoảng 95% để phục vụ khởi công dự án.


>Cuối năm thi công đường TPHCM-Long Thành-Dầu Giây

Theo Sài Gòn Giải Phóng