Top

Đua xây khách sạn đón thời cơ vàng

Cập nhật 04/11/2007 10:00

Hà Nội trong nhiều tháng qua thiếu trầm trọng khách sạn cao cấp phục vụ nhu cầu lưu trú của khách du lịch trong và ngoài nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài khi đến làm ăn ở Việt Nam. Dự đoán được cơ hội đặc biệt này, hàng chục nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài đang đổ hàng tỷ USD vào các dự án bất động sản để làm cuộc chạy đua xây dựng khách sạn cao cấp.

Mỹ Đình sẽ là “thiên đường khách sạn”

Theo khảo sát của các PV, nơi trở thành điểm nóng về các dự án khách sạn, văn phòng cho thuê cao cấp nhất hiện nay ở Hà Nội là khu Mỹ Đình và các khu vực nằm dọc các tuyến đường mới Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Láng – Hòa Lạc, Trần Duy Hưng... Đây còn được gọi là khu “Hà Nội vàng”, là trung tâm mới của Hà Nội. Hàng loạt dự án quy mô lớn đã và đang được gấp rút triển khai trên những khu đất có giá trị hàng trăm tỷ đồng nằm ở phía Tây thủ đô.

Chỉ tính quanh khu vực Trung tâm Hội nghị quốc gia, hiện đã có 8 dự án lớn về khách sạn với tổng số 3.500 phòng theo tiêu chuẩn 5 sao sẽ được triển khai. Trong đó, nổi bật là khu tổ hợp khách sạn, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp nằm trên khu đất rộng 4,3 ha thuộc khu E4 đường Phạm Hùng (vành đai 3) do Công ty Kaengnam (Hàn Quốc) đầu tư, hiện đang gấp rút thi công. Dự án gồm 3 tòa cao ốc, trong đó có 1 tòa nhà 70 tầng (được coi là cao nhất Việt Nam hiện nay) với tổng vốn đầu tư 1,05 tỷ USD.

Trong đó sẽ có khoảng 500 phòng khách sạn 5 sao. Cũng nằm sát Trung tâm Hội nghị quốc gia, một dự án quy mô lớn, trên khu đất rộng hơn 4ha đang được Tập đoàn Riviera - CKS (Nhật Bản) nhắm đến với mục tiêu đầu tư 500 triệu USD xây dựng tổ hợp khách sạn, căn hộ cao cấp, văn phòng cho thuê. Ở đây sẽ có một tòa nhà cao 9 tầng, gồm 550 phòng khách sạn 5 sao.

Đối diện Trung tâm Hội nghị quốc gia, khu đất rộng 23 ha nằm trên đường Láng - Hòa Lạc của Tổng công ty Thủy tinh và gốm xây dựng Viglacera hiện cũng đã nằm trong dự án xây dựng căn hộ, khách sạn do 3 nhà đầu tư gồm Viglacera, Hãng Orix (Nhật Bản) và UOL (Singapore) cùng liên doanh đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 235 triệu USD.

Cũng tại khu “Hà Nội vàng”, Tập đoàn Charmvit (Hàn Quốc) đã khởi công xây dựng dự án Hà Nội Plaza (thuộc khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng) gồm một khách sạn 5 sao 360 phòng và một cao ốc văn phòng cho thuê rộng 54.000m2 với tổng vốn 80 triệu USD, dự kiến đưa vào sử dụng vào cuối năm 2009.

Ngoài ra còn hàng loạt dự án khách sạn 5 sao với số lượng từ 300 - 500 phòng cho mỗi khách sạn như dự án khu JW. Marriot của Hãng Bitexco, dự án Crowne Plaza... Điều đặc biệt là hiện có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang “ngắm” tới đích Mỹ Đình để xây dựng khách sạn, văn phòng cho thuê cao cấp, biến nơi đây thành một “thiên đường” du lịch, thể thao, giải trí và thương mại sôi động nhất cả Hà Nội.

Không chỉ từ phía các nhà đầu tư nước ngoài, hiện cả các nhà đầu tư trong nước cũng đang vào cuộc đua xây khách sạn ở Mỹ Đình (Hà Nội). Mở đầu cho cuộc đua sôi động là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Petro VN. Ngày 22 - 10 vừa qua, ông Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT của tập đoàn, đã tuyên bố vào cuối năm 2007, Petro VN sẽ đầu tư xây dựng một khách sạn 5 sao với 500 phòng cao cấp nằm trong tòa tháp đôi cao 108 tầng ở khu đất gần sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội).

Các dự án này sẽ lần lượt được đưa vào khai thác trong những năm tới, để kịp đón thị trường khách du lịch nước ngoài được dự báo là sẽ ồ ạt đổ vào Việt Nam. Theo tính toán của các chuyên gia, trong 5 năm tới, sẽ có ít nhất 2 tỷ USD được đổ vào bất động sản ở Mỹ Đình để xây khách sạn, văn phòng cho thuê.

Cuộc đua còn nhiều hấp dẫn

Một số chuyên gia về bất động sản tỏ ra lo ngại về việc có thể lại xảy ra tình trạng “khủng hoảng thừa” khách sạn ở Hà Nội. Tuy nhiên, theo điều tra và phân tích của Công ty Tư vấn và quản lý bất động sản Việt Nam (CBRE) thì trong những năm tới, Hà Nội vẫn tiếp tục “sốt” khách sạn cao cấp và kinh doanh khách sạn, văn phòng cho thuê vẫn là hoạt động mang lại nguồn lợi nhuận lớn.

Theo CBRE, hiện ở Hà Nội mới chỉ có 178 khách sạn có sao. Thế nhưng chỉ có 8 khách sạn loại 5 sao với 2.360 phòng, 6 khách sạn 4 sao với trên 1.000 phòng. Những khách sạn cao cấp này luôn đông khách: tỷ lệ thuê phòng tại khách sạn Daewoo (Liễu Giai) luôn đạt trên 80%, còn tại khách sạn Melia (Lý Thường Kiệt) tới 95%.

Trong khi số khách sạn “sao” chưa đáp ứng đủ nhu cầu thì Sở Du lịch Hà Nội lại đưa ra dự báo rằng đến năm 2010, Hà Nội có thể đón 2 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Để đáp ứng đủ nhu cầu lưu trú của khách, thủ đô phải có ít nhất 26.000 phòng từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 7.000 phòng 4 - 5 sao.

Theo tiến độ của các dự án xây dựng khách sạn hiện nay thì đến năm 2010, cả Hà Nội mới “lo” thêm được khoảng 2.000 phòng khách sạn cao cấp. Như vậy, xây dựng khách sạn cao cấp vẫn là một thị trường đầy tiềm năng mà cuộc đua của các nhà đầu tư kể trên mới chỉ mới bắt đầu.

>> Hà Nội “cháy” phòng khách sạn trầm trọng

Theo Sài Gòn Giải Phóng