Top

Thị trường bất động sản nhìn từ các nước

Cập nhật 03/11/2007 15:00

Cơn sốt giá nhà đất đang diễn ra tại TPHCM, cho thấy thị trường bất động sản (BĐS) nước ta đang trong giai đoạn phát triển bùng nổ và mở ra hàng loạt cơ hội mới cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, thị trường này cũng có sự khác biệt so với thị trường BĐS của các nước trong khu vực bởi tình trạng thổi giá, đầu cơ tràn lan.

Có ý kiến còn ví thị trường BĐS hiện nay giống như “con ngựa bất kham”, rất khó ghìm cương, nếu chúng ta không kịp thời có những biện pháp mạnh về giá nhà đất, chính sách thuế để kiềm chế.

Theo tôi, chúng ta nên học tập kinh nghiệm của một số quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Anh. Tại những nước này, việc mua nhà đất rất dễ dàng, nhưng dùng nhà đất đó để đầu cơ sẽ bị đánh thuế rất cao. Vì vậy, không có chuyện chủ đầu tư giữ đất lâu chờ giá lên để bán hay chuyển nhượng kiếm lời. Chính sách này có ưu điểm đảm bảo người có nhiều BĐS phải đóng thuế nhiều hơn người ít BĐS. Tiền thuế này được chính phủ các nước trên dùng cho việc thực hiện phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà tái định cư, các chính sách an sinh xã hội…

Vì thế tôi đồng tình với ý kiến của TS Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện kinh tế TPHCM. Ông cho rằng nên điều tiết thị trường bằng việc đánh thuế lũy tiến với các trường hợp đầu cơ. Chính sách thuế phải làm sao để người đầu cơ nhà đất không thể kỳ vọng được hưởng lợi giá lên.

Bên cạnh đó, chính việc thiếu các quỹ đầu tư tín thác BĐS (REIT) nên thị trường vốn BĐS nước ta thời gian qua luôn nằm ở trạng thái mất cân bằng, thiếu sự đồng bộ. Còn nhớ cách đây hai năm, thị trường địa ốc rơi vào cảnh chợ chiều do thiếu vốn, nhà đầu tư không thể triển khai được các dự án. Rồi TTCK nóng lên từ cuối năm 2006 lan dần sang đầu năm 2007, khiến một loạt nhà đầu tư trúng cổ phiếu đã tái đầu tư vào địa ốc để giảm rủi ro. Trong khi đó, thị trường địa ốc lại không đáp ứng nổi nhu cầu khiến giá bị đẩy lên thành phong trào.

Theo tôi, chỉ cần Nhà nước đẩy mạnh chính sách phát triển các quỹ REIT, giúp các nhà đầu tư địa ốc có nguồn vốn phát triển thêm nhiều dự án tung ra thị trường, cộng với chính sách thuế hợp lý, sẽ tạo thành thế “song kiếm, hợp bích” thì cơn sốt nhà đất sẽ nhanh chóng hạ nhiệt.

Hiện nay Singapore được xem là quốc gia có tốc độ phát triển REIT ấn tượng nhất tại Đông Nam Á với khoảng 16 quỹ REIT, giá trị vốn hóa đạt gần 14 tỷ USD. Chính sự ra đời hàng loạt quỹ REIT đã giúp Singapore nhanh chóng vượt qua các cơn khủng hoảng nhà đất vào năm 2004 và mới đây là tác động của cơn khủng hoảng tín dụng cầm cố tại Hoa Kỳ. Trong thời gian tới, với các chính sách mới của chính phủ Singapore như miễn phí tem công chứng 3% đối với các giao dịch chuyển các BĐS vào các REIT (được niêm yết ở sở giao dịch), giảm thuế… khả năng ra đời thêm các quỹ REIT ở đảo quốc này được dự báo là sẽ rất lớn, có thể đạt tới con số 60 quỹ REIT trong năm 2008.

Tại sao chúng ta không học tập cách làm này của họ?

Theo Sài Gòn Giải Phóng