Top

Dự án TP sông Hồng: Có được sự đồng thuận của dân chúng?

Cập nhật 23/11/2007 20:00

Dự án "Thành phố (TP) bên sông Hồng" đang trở thành vấn đề thời sự được dư luận quan tâm. Nhiều ý kiến dù có ngược chiều nhau về quan điểm, cảm nhận, song các ý kiến góp ý đều sẽ hết sức thiết thực cho các nhà lãnh đạo tham khảo, bởi mở rộng Hà Nội ra sông Hồng có lợi ích rất lớn, song quy hoạch phát triển phải có tính toán khoa học, an toàn với lũ, phù hợp với tổng thể Hà Nội, vì một TP có 1.000 năm phát triển và nhất là phải đảm bảo lợi ích cộng đồng.

Dự án (DA) TP bên sông Hồng được thực thi sẽ có lợi nhuận lớn. Nếu được Chính phủ phê duyệt, có thể di dời dân vào năm sau, tiến hành xây dựng và bắt đầu bán nhà vào giữa năm 2010. Tổng chi phí để có một TP hoàn toàn mới dọc 40km đôi bờ sông Hồng được dự án hoạch định là 7.099 triệu USD.
 
Dự án sẽ bán 68.000 căn hộ, có doanh thu là hơn 300 ngàn tỉ đồng, tức xấp xỉ 20 tỉ USD. Ở đây chưa tính lợi nhuận của nhà cho thuê (29.000 căn hộ), kinh doanh bến cảng, khu kho vận, khu thương mại v.v... Tính về tổng thể, đây là một dự án siêu lợi nhuận.

Tuy vậy, do quá chú trọng về doanh thu, DA mắc phải những thiếu sót trầm trọng, đưa đến tính không khả thi. Thực tế là dự án không coi trọng công tác chỉnh trị sông Hồng, vào 2010 đã bắt đầu bán nhà, song công tác xây dựng đê, chỉnh trị sông, xây dựng bến tàu v.v... đều kéo dài đến năm 2019 - 2020.

Cũng có thể những người lập dự án nghĩ rằng việc chống lũ đã có công trình thuỷ điện Hoà Bình, Sơn La, Nà Hang, và tương lai có thể có công trình thuỷ điện Lai Châu. Tiêu chí sông Hồng an toàn với lũ chỉ là khẩu hiệu làm an lòng dân chúng.

Để có 1.550ha đất kinh doanh, DA đã phải di dời một số lượng dân quá lớn (39.000 hộ dân hay 17 vạn dân). Số lượng dân bị di dời, nếu có khả năng tài chính có thể trở thành khách hàng của dự án bằng hình thức thuê (30%) hay mua (70%).

Thực tế là đẩy người dân vào tình thế không ổn định. Rõ ràng DA không cân đối lợi ích của nhà đầu tư và dân chúng. Người dân không tìm thấy cơ hội phát triển của mình trong dự án này. Bởi vậy TP sẽ phải đối mặt với khó khăn rất lớn trong công tác di dời dân và lượng lớn người thất nghiệp mà dự án tạo ra, khó tìm sự đồng thuận của dân chúng.

Dự án quy hoạch mở rộng xây dựng thành phố ra hai bờ của sông Hồng như là xây dựng một TP độc lập hoàn toàn mới. Bởi vậy khu vực mở rộng theo quy hoạch của DA không có tính hoà hợp với TP.Hà Nội với cả phần Hà Nội cũ và cả phần Hà Nội mở rộng theo các hướng khác, không phù hợp với không gian phát triển bán kính 50km.

Các công trình chức năng chủ đạo chưa phù hợp với quy hoạch tổng thể của Hà Nội. Thiếu các công trình có tầm cỡ liên kết Hà Nội lịch sử với TP mở rộng, trong đó không thể không tính đến sự động chạm với các công trình trong đê. Các công trình sắt thép của DA làm giảm bản sắc của một TP văn hoá 1.000 năm tuổi. Ngoài ra, Hà Nội là mối liên kết của các TP khác dọc theo sông Hồng.

DA quá phụ thuộc vào mô hình TP sông Hàn Seoul và giá thành nên đã bỏ qua việc khai thác các đảo nổi trên sông Hồng mà trước đây đã có các tác giả VN đề xuất với mô hình sông Seine Paris.

Chạy theo lợi nhuận, công trình mở rộng TP bên sông Hồng cũng có thể rơi vào tình trạng như các đô thị đang xây khác của Hà Nội: Xây dựng nhà ở để bán thì nhanh, còn các công trình phúc lợi, văn hoá đi kèm thì không được thực hiện, ngay cả đối với các công trình đã có trên quy hoạch cũng bị xâm phạm.

Định hướng của quy hoạch phát triển khu vực sông Hồng Hà Nội là sông Hồng an toàn với lũ, cải tạo giao thông đường bộ và đường thuỷ, xây dựng công viên ven sông và phát triển TP ven sông. Nhưng xem lịch trình thi công kéo dài công trình chỉnh trị sông Hồng đến năm 2019, và thi công theo tính phân đoạn thì có thể thấy DA không coi trọng ba định hướng đầu, mà chủ yếu là tập trung vào kinh doanh BĐS.

Hơn nữa, người dân Hà Nội và nhân dân cả nước mong muốn có một Hà Nội thủ đô cho riêng mình. Bởi vậy DA phát triển TP bên sông Hồng, ngoài lợi ích kinh tế cần bảo đảm yếu tố phát triển tinh thần, điều hoà lợi nhuận cho cộng đồng.

Theo Lao Động