Top

Xây nhà cao ốc tiết kiệm "ẩu" là chết!

Cập nhật 23/11/2007 10:00

Sập trụ sở Viện Khoa xã hội, nghiêng chung cư Cosaco… Những sự cố xây dựng liên tiếp diễn ra trên đại bàn TPHCM.

Bàn về vấn đề này Giáo sư Lê Kiều chủ nhiệm bộ môn Công nghệ và Tổ chức xây dựng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội cho biết: Trong thời gian một hai năm trở lại đây, chủ đầu tư cũng như chủ nhà thầu chủ quan, bỏ qua những yêu cầu tối thiểu khi thi công nên mới xảy ra sụt, lún công trình liền kề.

Nhiều ý kiến được đưa ra như: Thành lập đường dây nóng giám sát công trình; quy trách nhiệm cho ngành, đơn vị quản lý, cho đơn vị thi công; tiến tới lập quy chuẩn chất lượng nhà cao tầng v.v… Thậm chí còn phải rà soát địa chất toàn TP. Đó là những biện pháp có tính chất “xử lý hậu quả”, vậy có thể phòng ngừa sự cố này thế nào.

Cọc nhồi và tường vây

Xây dựng nhà cao tầng trong TP sử dụng cọc nhồi và tường vây (còn gọi là tường Barrette) là biện pháp an toàn cho các công trình kề cận và cả công trình của chính mình. TP.HCM từ năm 1992 đến nay đã xây dựng trên 400 nhà có số tầng trên 12, nhưng có công trình nào xảy ra tình trạng vừa qua đâu?

Mũi cọc nhồi (đổ tại chỗ) phải chống đến tầng có sức chịu tải với vị trí N trên 50, là địa tầng chứa cát hạt trung lẫn sỏi, sạn. Như thế cọc nhồi chịu tải ở mũi cọc là chính. Và lớp đất để mũi cọc nhồi chịu tải rất chặt để không gây lún ảnh hưởng cho nhà liền kề. Nhưng nếu vì tiết kiệm mà làm nhà tựa trên móng cọc bêtông (đúc sẵn) đóng xuống thì lún là tất yếu.
 
Tòa khách sạn Daewoo ở Hà Nội vì chủ đầu tư cho làm cọc đóng, nên đã có độ lún khá lớn. Nhưng nhờ khung nhà quá tốt, và khi ấy chưa có công trình liền kề nên không xảy ra sự cố.

Khi thi công cọc nhồi phải hết sức nhẹ nhàng. Không được đập mũi gầu xuống đất tạo rung động môi trường đất xung quanh. Hàng cọc sát công trình kề cận phài để lại ống vách, mỗi cọc sẽ bị tăng giá khoảng 8 triệu đồng - nhưng bù lại hết sức an toàn.

Chủ công trình CIT ở hà Nội, vì tiếc rẻ ống vách, lấy ống vách khi bêtông bắt đầu ninh kết, nên hki rút ống vách lên đã làm nứt khách sạn Sofitel Metropole kề cận, và phải đền bù đến hang trăm ngàn đô la (năm 1993).

Để làm nhà cao tầng, nên chọn biện pháp dùng tường vây bằng bêtông dày từ 60 - 140cm (diaphragm wall) vừa chịu lực vừa làm tường cho tầng hầm. Nhiều phương án đã không dung tường vây do muốn tiết kiệm, rất nguy hiểm. Quy trình thi công tường vây khá chặt chẽ, người thi công phải rất thành thục, không được vội vàng, và phải quan sát thường xuyên mọi trạng thái biến động.

Chuẩn bị sẵn Bentonite

Thi công tường vây phải dung dung dịch sét Bentonite - loại đất sét hạt nhỏ hơn đất thường, lơ lửng lâu hơn trong nước.

Bentonite có dung trọng 1,05 - 1,08 nặng hơn nước thường khoảng 10%. Người thi công cần liên tục đổ xuống hố đào. Nó có tác dụng đẩy nước ra ngoài, không cho vào hố đào. Trường hợp dưới long đất có túi ngầm, dung dịch này sẻ chảy vào túi ngầm để bịt lại.

Bentonite dễ mua, của các nước G7 sản xuất giá cỡ 100USD/ tấn, của Ấn Độ 80USD/tấn. Phải theo dõi chặt chẽ mức nước bùn sét ben - tonite. Nếu lượng nước bùn này bị hao hụt quá mức tính toán ( do gặp hang hố), thì cần có biện pháp hàn miệng tức thì.

Những tai nạn vừa xảy ra rất có thể bên thi công đã gặp hầm, hố (túi nước ngầm) mà không xử lý triệt để. Tại TPHCM đã có nhiều công trình phải xử lý khi có hầm ngầm, suối nước, mạch nước đi qua móng và đã được xử lý êm thấm, thí dụ một công trình lớn trên đường Lê Duẩn, trước dinh Thống Nhất… ở Hà Nội cũng có trên 300 ngôi nhà nhiều tầng xây sát nhà hang xóm, nhờ dung biện pháp này mà rất an toàn. Nhiều công ty đã có nhiều kinh nghiệm xử lý khi bị mất nước bentonite đột ngột như: Bachy Soletanche, Licogi, delta, Vinaconex…

Ngoài ra, quy trình thẩm định biện pháp thi công trước khi khởi công phải được tiến hành nghiêm túc, có phản biện, và nếu cần, phải kiểm chứng. Đừng để khi xẩy ra mới tìm biện pháp xử lý.

Theo Người Đô Thị