Phối cảnh đô thị phía Bắc sông Hồng. (Ảnh: Namwon) |
Quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội là một trong hai nội dung quan trọng được Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 16 tập trung thảo luận ngày hôm qua, 6/7.
Các đại biểu đã nhất trí cơ bản mục tiêu trong nội dung dự thảo báo cáo về tình hình triển khai dự án “Lập quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội”, đồng thời giao cho Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố tiếp thu ý kiến đóng góp để bổ sung, hoàn chỉnh nội dung dự thảo và báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Tôn vinh vẻ đẹp Thủ đô
Ông Lê Văn Hoạt, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội hoàn toàn nhất trí với chủ trương của thành phố về triển khai lập quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng, đoạn qua Hà Nội.
Đây là dự án đã được nghiên cứu trong khuôn khổ quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt từ năm 1998 và được thành phố báo cáo, đề nghị Bộ Xây dựng xem xét như là một phần của quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội.
Dự án đã được triển lãm, hội thảo, lấy ý kiến và các nhà khoa học, các chuyên gia và đông đảo nhân dân Thủ đô; đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhân dân Thủ đô và cả nước.
Theo ông Tô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, mục tiêu của quy hoạch cơ bản là đảm bảo an toàn về lũ lụt, phát triển kinh tế-xã hội-môi trường đô thị, phát triển khu vực bên sông thành khu đô thị văn minh hiện đại, giàu bản sắc, với chức năng không gian cây xanh, mặt nước, văn hóa làm chủ đạo phù hợp với quy hoạch vùng và quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, cải thiện chất lượng sống tại khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội.
Nhiệm vụ chính của quy hoạch cơ bản là đưa ra các định hướng, giải pháp và điều kiện nhằm thoát lũ tốt hơn, đê điều an toàn hơn, chất lượng cuộc sống của con người cao hơn, bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử văn hóa, tạo không gian và cảnh quan hai bên sông hợp lý hài hòa, kiểm soát môi trường và phát triển bền vững.
“Hiện nay, các điều kiện đã cơ bản hội tụ, tạo thời cơ để hoàn chỉnh quy hoạch làm cơ sở hiện thực ước muốn trị thủy sông Hồng phục vụ mục tiêu kinh tế-xã hội-văn hóa-lịch sử, ổn định và cải thiện điều kiện sống cho người dân và môi trường Thủ đô”, ông Tuấn cho biết.
Khẳng định đây là cơ hội cho Thủ đô phát triển đồng bộ khu vực hai bên sông Hồng trở thành đô thị văn minh, hiện đại, tôn vinh vẻ đẹp và diện mạo mới của Thủ đô, xứng tầm với đất nước 100 triệu dân trong những năm sắp tới, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh cần phải “làm tốt công tác tuyên truyền, tạo dư luận tích cực đồng thuận ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong việc lập và triển khai dự án lập quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng, đoạn qua Hà Nội”.
Cần có các giải pháp đồng bộ
Cũng theo ông Hoạt, để việc triển khai lập quy hoạch cơ bản thành công thì đòi hỏi phải có một quyết tâm rất cao, phải có các giải pháp đồng bộ.
Ông Hoạt đưa ra dẫn chứng: “Dự án này được phê duyệt từ năm 1998, nhưng mãi đến năm 2005 mới có được bản ghi nhớ hợp tác về dự án phát triển khu vực sông Hồng giữa chính quyền thành phố Seoul và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội”. Rút kinh nghiệm của việc chậm trễ triển khai dự án này, ông Hoạt đề nghị, nếu được Chính phủ chấp thuận thì thành phố phải nhanh chóng có lộ trình cụ thể thực hiện dự án có hiệu quả.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Trịnh, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm, khó khăn lớn nhất và vấn đề nhạy cảm hiện nay của dự án là công tác di dân.
Theo phương án nghiên cứu đề xuất, tổng số dân có liên quan đến tái định cư của dự án khoảng 170.000 người (khoảng 39.100 hộ) chủ yếu do yêu cầu thoát lũ, đảm bảo an toàn đời sống người dân. Nếu di dời tất cả các hộ dân nằm trong phạm vi tuyến thoát lũ và hành lang bảo vệ đê thì khối lượng giải tỏa rất lớn (khoảng 200.000 người trong 42.000 hộ).
Việc nghiên cứu giảm khối lượng di dời, tái định cư trong các khu vực xây dựng đô thị sẽ được xem xét trong các bước tiếp theo nhưng không thay đổi được nhiều. Nếu giảm nhiều, dự án sẽ không triệt để.
Theo Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, đây là dự án có tác động và ảnh hưởng rộng lớn tới xã hội và đông đảo dân cư trên địa bàn thành phố, nên cần có các giải pháp chính sách phù hợp, đồng bộ, sát thực tế trong bố trí tái định cư, giải phóng mặt bằng; nghiên cứu quy hoạch đô thị khu vực dân cư đã có ven sông theo hướng vừa đan xen cải tạo, vừa giải tỏa, xây dựng lại.
Ngoài ra, sự án cũng cần xem xét cụ thể khả năng giữ lại những di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề và những điểm dân cư phù hợp với quy hoạch nhằm giảm bớt số hộ dân phải di dời, đền bù, giảm chi phí đầu tư; tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần ổn định đời sống nhân dân và đảm bảo tính khả thi cao, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện dự án.
DiaOcOnline.vn - Theo Tin Tức/Vietnam+
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: