Từ nhiều năm trở lại đây, các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn (ngoại thành TPHCM)… đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng nhiều công trình cải thiện môi trường đất ngoại thành (tháo chua, rửa phèn, đưa nước ngọt sâu vào nội đồng và chống ngập úng).
Tuy nhiên, không ít công trình đưa vào sử dụng chưa được bao lâu đã có dấu hiệu xuống cấp, không phát huy hết tác dụng theo thiết kế ban đầu, thậm chí bị bỏ hoang phế ngay sau khi được nghiệm thu.
Công trình thủy lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh là một trong số công trình không hiệu quả. Theo thiết kế, công trình này nếu vận hành tốt sẽ dẫn nguồn nước ngọt từ kênh Đông (Củ Chi) về các đồng bưng xã Bình Lợi, Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai, Tân Nhựt, Tân Kiên… làm ngọt hóa 2.000ha đất nông nghiệp tại đây.
Đồng thời, nguồn nước này cũng sẽ giúp “giữ xanh” cho rừng phòng hộ của TPHCM tại Bình Chánh vốn thường xuyên bị cháy vào mùa khô. Công trình ngốn hàng chục tỷ đồng, nhưng chỉ sau 2 năm vận hành đã phải sửa chữa, dặm vá nhiều lần.
Chưa hết, do còn vướng đền bù giải tỏa nên đã có một số đoạn kênh còn bị thắt cổ chai, dòng nước không chảy thông suốt. Vào mùa nắng, thỉnh thoảng còn không dẫn đủ nước ngọt cho người dân trong vùng.
Đã vậy, công trình chưa vận hành được bao lâu thì lại bị một số cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong khu công nghiệp Lê Minh Xuân tùy tiện thải nước chưa xử lý xuống dòng kênh làm cho dòng nước bị ô nhiễm và lây lan khắp cánh đồng.
Tại huyện Hóc Môn và Củ Chi cũng có 2 công trình xây xong rồi bỏ là công trình trạm bơm nước xã Tân Thới Nhì và trạm bơm nước xã Phú Hòa Đông. Hàng chục tỷ đồng đã được đầu tư cho việc nạo vét các con rạch dẫn nước từ hệ thống sông Sài Gòn, rạch An Hạ và việc xây dựng, lắp đặt trạm bơm. Thế nhưng chúng chưa một lần hoạt động dù hàng chục năm đã trôi qua. Hiện hai công trình trạm bơm này đang trong cảnh hoang phế và rệu rã.
Công trình thủy lợi Khu B xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh được đầu tư trên 30 tỷ đồng để làm bờ bao, chống ngập cho hơn 1.000 ha lúa, mía của xã. Trên lý thuyết là vậy, còn thực tế từ năm 2002 đến nay, do đền bù dang dở, những tuyến đê bao đã xây xong bắt đầu xuống cấp rất nghiêm trọng. Mỗi năm huyện phải trích ngân sách trên 30 triệu đồng để gia cố lại những đoạn đê này nhưng ngập vẫn hoàn ngập!
Năm 1997, công trình thủy lợi xây dựng kênh N31A - 16 của huyện Củ Chi để dẫn nước về vùng khô của các ấp Giữa, ấp Đình, Bến Đò 1 và Bến Đò 2 của xã Tân Phú Trung được khởi công. Đây là con kênh âm, được thiết kế xây dựng bằng bê tông, có tổng chiều dài gần 3km.
Theo chủ đầu tư dự án, con kênh này ra đời là để “tiếp sức” cho nông dân trồng cây ăn trái, hoa màu trên vùng đất vốn cằn cỗi. Thế nhưng đối với nông dân, đây là công trình không thiết thực vì đồng đất Tân Phú Trung - nơi có con kênh chảy qua - bên dưới đều có mạch nước ngầm cạn nên mùa nắng đã có nước ngầm còn mùa mưa thì đã có… nước mưa.
Do vậy, tại sao lại phải mua nước từ con kênh? (Người dân nếu muốn lấy nước từ kênh thì vừa phải đóng tiền mua nước cho chủ đầu tư kênh, vừa phải đầu tư mua thiết bị máy bơm, dây ống nước, tiền điện…). Chính vì những lý do này mà hơn 8 năm qua, con kênh tốn tiền bạc tỷ này vẫn nằm khô queo giữa cánh đồng.
Không chỉ thế, con kênh hiện giờ là gánh nặng cho hàng ngàn người dân sống trong khu vực vì nó đi qua đường nông thôn, sân banh, nhà cửa, vườn tược… của họ, chia đất đai của họ thành nhiều mảnh vụn. Thậm chí có những đoạn kênh luồn vào cả trong sân, trong nhà của người dân. Hơn nữa vì đã lâu không sử dụng nên cây cối, cỏ hoang mọc um tùm, phủ kín cả dòng kênh và con kênh trở thành môi trường sống lý tưởng cho chuột, rắn, rết…
Theo Sài Gòn Giải Phóng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: