Top

Đồng ý mở rộng Hà Nội

Cập nhật 28/03/2008 10:00

Còn sơ sài trong đánh giá những thách thức mà “Hà Nội mới” phải đối mặt.

Hôm qua (27-3), tại kỳ họp bất thường của HĐND TP Hà Nội, các đại biểu đã nhất trí thông qua đề án mở rộng thủ đô lên gần gấp bốn lần, gồm toàn bộ tỉnh Hà Tây và một phần Vĩnh Phúc, Hòa Bình. Trước đó, HĐND Vĩnh Phúc và Hòa Bình cũng đã đồng ý sát nhập một số đơn vị hành chính vào Hà Nội.

Tuy nhiên, còn nhiều câu hỏi vẫn chưa được trả lời thỏa đáng như hình ảnh Hà Nội trong tương lai sẽ như thế nào, có nhất thiết các đô thị vệ tinh phải thuộc về thủ đô, Hà Nội có bị “nông thôn hóa”...

Hồ Gươm không còn là trung tâm

Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, hiện TP đang trong tình trạng mất cân đối trong quá trình phát triển. Cụ thể, các khu công nghiệp phân bố dàn trải trong nội thành, giao thông quá tải, phần lớn các cơ quan, trường học, bệnh viện của trung ương và TP đều nằm trong các quận nội thành, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng...

Mặt khác, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh làm cho cơ sở hạ tầng, dịch vụ đô thị và nhà ở quá tải, không đáp ứng được nhu cầu. Bên cạnh đó, một số công trình công cộng thiết yếu của thủ đô đã phải làm ở các tỉnh xung quanh, nhiều công trình quốc gia lớn đòi hỏi diện tích mặt bằng lớn đang gặp khó khăn do không đủ quỹ đất để bố trí.

Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, giải thích sự cần thiết của việc mở rộng Hà Nội phụ thuộc trước hết vào quy hoạch vùng của thủ đô. Mặt khác, Hà Nội ngoài vai trò là trung tâm chính trị, trung tâm hành chính quốc gia còn là trung tâm về kinh tế, văn hóa, giáo dục... của cả nước. Vì thế cần mở rộng về đất đai để cho có điều kiện cơ cấu lại chức năng của đô thị. “Trước kia Hồ Gươm là trung tâm của thủ đô thì bây giờ chắc chắn Hồ Gươm không còn đáp ứng vai trò là một trung tâm của cả TP nữa” - ông Thảo dẫn chứng.

Đối mặt nhiều thách thức

UBND TP Hà nội thừa nhận với diện tích mở rộng và dân số tăng lên như vậy, “thủ đô mới” sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đó là phạm vi quản lý rộng, địa bàn vùng sâu, vùng xa nhiều, thu nhập bình quân trên đầu người sẽ giảm, số hộ nghèo tăng lên, các nguồn lực đầu tư cho phát triển sẽ cần nhiều hơn. Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của các cơ quan chuyên môn theo đơn vị hành chính mới khi hợp nhất cũng sẽ có những khó khăn nhất định.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng những khó khăn được nêu ra tại tờ trình của UBND TP còn rất ít và sơ sài. Như vậy chính quyền sẽ khó thấy hết được hàng loạt khó khăn sẽ phải đối mặt khi quản lý, điều hành một thủ đô lớn như vậy. Gánh nặng đối với TP là quản lý đất đai, nông nghiệp nông thôn, giải quyết việc làm.

Về quy mô dân số dự kiến lên đến 10 triệu người, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cho biết Hà Nội sẽ rút kinh nghiệm tình trạng “đô thị nén” đã từng xảy ra ở một số đô thị trên thế giới như Tokyo hay Bangkok. Tức là cả 10 triệu dân sẽ không bị “nén” vào đô thị duy nhất mà mỗi đô thị vệ tinh của Hà Nội sẽ hút 300-500 ngàn dân, chia sẻ gánh nặng cho Hà Nội.

“Việc đầu tiên phải làm sau khi Hà Nội chính thức mở rộng địa giới là phối hợp với Bộ Xây dựng lập quy hoạch chung cho Hà Nội mới để làm căn cứ quản lý” - ông Thảo cho biết.

Đại biểu Vũ Đức Tân: Giải quyết sao nếu dân thất nghiệp?

Trước kỳ họp này, đại biểu HĐND chỉ được cung cấp tài liệu rất sơ sài về việc mở rộng Hà Nội. Việc mở rộng Hà Nội tôi còn rất nhiều băn khoăn. Hà Nội hiện chỉ có một cảng duy nhất là sân bay Nội Bài, không có cảng biển, cảng sông. Với những cái đã có rất hạn chế như vậy, liệu Hà Nội có trở thành một trung tâm kinh tế sôi động như chúng ta mong muốn hay không? Thực tế cho thấy hiện nay ở khu công nghệ cao Hòa Lạc, các nhà đầu tư ít vào vì không mấy thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa.

Hà Nội có nên hình thành những khu công nghiệp khiến nguời dân bỏ đất, bỏ nông nghiệp dồn về trung tâm hay không? Kết quả người dân thất nghiệp sẽ giải quyết ra sao? Giao thông đô thị ở Hà Nội đang quá tải là do quản lý, điều hành chứ không liên quan đến mở rộng địa giới. Công trình quốc gia cũng hà cớ gì cứ phải làm ở thủ đô...? Tôi nghĩ xu hướng hình thành các đô thị vệ tinh có vẻ hợp lý hơn.

Đại biểu Bùi Thị An: Lo ngại việc tái định cư cho người mất đất

Đáng lẽ các đại biểu HĐND chúng tôi phải được cung cấp bản đồ về những nơi sẽ thuộc về Hà Nội để dễ hình dung thì việc này đã không được thực hiện. Riêng tôi lo ngại về bài toán đầu tư khi mở rộng thủ đô đến cỡ vậy, rồi cả chuyện tái định cư khi người dân bị mất đất nữa. Trong tờ trình của UBND TP tôi cũng chưa thấy đưa ra lộ trình cho việc mở rộng thủ đô như thế nào.

Đại biểu Phạm Thị Loan: Âu lo sức ép dân số, an ninh...

Trước khi mở rộng địa giới, TP cần xem xét và nghiên cứu thật kỹ những vấn đề sẽ đặt ra cho “thủ đô mới”: sức ép về dân số, an ninh trật tự, lao động... Những vấn đề này chưa được lãnh đạo TP đề cập đến trong kỳ họp này.


Theo Pháp Luật TP.HCM