Dự án sắp xếp dân cư để phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai vùng ven biển tỉnh Quảng Nam sẽ được triển khai từ năm 2008-2020 với kinh phí 3.679 tỉ đồng. Dự án sẽ di dời và sắp xếp lại 10.367 hộ với 40.910 nhân khẩu của 15 xã ven biển thuộc bốn huyện thành.
Tại huyện Núi Thành sẽ di dân ở các xã Tam Tiến, Tam Hòa, Tam Hải, Tam Anh Bắc; huyện Duy Xuyên di dân các xã Duy Hải, Duy Nghĩa; huyện Thăng Bình di dân các xã Bình Sương, Bình Minh, Bình Đào, Bình Hải, Bình Nam; TP Tam Kỳ di dân các xã Tam Thăng, Tam Thanh và Tam Phú.
Gồm ba giai đoạn
Dự án được triển khai từ năm 2008-2020 với ba giai đoạn. Giai đoạn đầu từ năm 2008-2010 sẽ di dời 4.330 hộ dân với gần 16.800 nhân khẩu; giai đoạn hai từ năm 2011-2015 sẽ di dời hơn 3.000 hộ, gần 12.800 nhân khẩu; giai đoạn ba từ năm 2016-2020 sẽ di dời gần 800 hộ với hơn 2.400 nhân khẩu. Trong đó, có 7.521 hộ làm nông, 5.726 hộ làm ngư nghiệp và 4.925 hộ làm những việc khác, nên có khoảng 70% hộ dân di dời không đủ khả năng về kinh tế để thực hiện việc di dời này.
Dự án có tổng kinh phí lên đến 3.679 tỉ đồng, trong đó 480 tỉ đồng xây dựng khu tái định cư (TĐC); 153 tỉ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng công cộng tại dự án TĐC; chỉnh trang ven biển 448 tỉ đồng, chỉnh trang ven sông là 265 tỉ đồng.
Ngoài ra dự án sẽ dành hơn 29 tỉ đồng để hỗ trợ lãi suất cho khoảng 5.700 hộ dân vay xây dựng nhà, 24 tỉ đồng cải thiện cuộc sống và đào tạo nghề nghiệp cho người dân bị di dời...
Dự án sẽ đầu tư xây dựng 30 điểm TĐC có qui mô hơn 900ha, trong đó hai điểm bố trí dân cư mới với qui mô 300ha, tập trung ở hai xã Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) và Tam Anh Bắc (huyện Núi Thành); chỉnh trang, nâng cấp, mở rộng hệ thống hạ tầng tại 28 điểm dân cư ở 15 xã với diện tích hơn 600ha.
Xây dựng hệ thống đường ngang từ Cửa Đại đến xã Tam Anh Bắc với chiều dài 48km và mạng lưới đường giao thông ngang 29km. Khu tránh bão cho thuyền (1.000 thuyền/khu) và cơ sở hạ tầng hậu cần nghề cá tại xã Duy Nghĩa và Tam Anh Bắc, nạo vét xung yếu sông Trường Giang với độ dài 75km.
Dân lo lắng
Xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành) có diện tích 1.560ha, 8.200 nhân khẩu, 90% dân số làm nghề biển, sẽ di dời toàn bộ đến TĐC ở xã Tam Hòa, nhường lại 600ha đất liền và 829ha mặt nước để xây dựng tổ hợp nghỉ dưỡng tiêu chuẩn quốc tế có tổng vốn đầu tư lên đến 2,5 tỉ USD, sẽ triển khai vào năm 2008 này.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, 52 tuổi, ở thôn 4, lo lắng: "Ở đảo đi ra khỏi nhà là bắt con cá, mớ rau, hay hái mấy trái dừa ra chợ bán là có ít tiền rồi. Vô đất liền sẽ sống sao đây? Nhà chỉ còn ba mẹ con, đứa con đầu đi biển, đứa thứ hai mới học lớp 11". Ngư dân Lê Nguyên trầm ngâm: "Tam Hải cách Tam Hòa chỉ con sông Trường Giang, nhưng nếu qua đó thì việc đi biển khó khăn hơn nhiều vì luồng lạch cạn, ra vào khó. Chẳng lẽ ở bên đó mà đậu thuyền bên này thì bất tiện quá".
Xã đảo Tam Hải nổi tiếng là vườn dừa xanh ngát, nhiều hộ sống nhờ vào trái dừa hoặc nghề đan thảm xơ dừa; gần 50 hộ dân sống bằng nghề sửa chữa, đóng tàu thuyền, mỗi người thợ bình thường cũng kiếm được một ngày trên trăm ngàn đồng. Ông Nguyễn Hiệp ở thôn 2 cho biết: "Cả nhà tôi đều làm cái nghề này, khi di dân qua bên đó nếu theo nghề thì phải làm lại từ đầu, Nhà nước mà không hỗ trợ gì thêm e cũng không làm lại nổi".
Theo ông Nguyễn Đức Tục - chủ tịch xã Tam Hải, đa số người dân đều mong muốn đền bù đất với giá thị trường và được bố trí TĐC ngay trên đất Tam Hải. Ông Tục cũng lo lắng vấn đề việc làm cho người dân khi đến nơi ở mới. "Vì trình độ của người dân xã Tam Hải thấp, rất khó khi xin vào làm việc ở khu du lịch cao cấp sẽ xây dựng ở đây".
Chủ tịch huyện Núi Thành Nguyễn Tiến chia sẻ: "Một khu du lịch cao cấp không thể để người dân sống chung được. Vấn đề mà chúng tôi quan tâm và đề xuất lên tỉnh là việc TĐC, tạo công ăn việc làm cho người dân và khôi phục các nghề truyền thống".
Theo ông Tiến, thôn 5, xã Tam Hòa, nơi toàn bộ người dân Tam Hải đến TĐC, nằm một bên là sông Trường Giang, một bên là cửa biển, dự án đầu tư cảng cá Tam Giang 42 tỉ đồng và âu thuyền Tam Quang sẽ hoàn thành nên việc đi biển và neo đậu tàu thuyền của người dân sẽ đảm bảo thuận tiện.
Nghĩa địa "ông ngài" (cá voi) ở thôn Thuận An, xã Tam Hải - nơi chôn cất hàng trăm xác cá voi, được người dân nơi đây thờ cúng và được công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh. Ngư dân Lê Xuân Nguyên 70 tuổi, lo lắng: "Khi dân di dời hết thì có di dời luôn các "ngài" không ? Dân đi biển tôn kính các "ngài" lắm". Ông Nguyễn Tiến, chủ tịch huyện Núi Thành, cho biết trước mắt phải lo đến vấn đề tái định cư, giải quyết công ăn việc làm cho người dân chứ chưa thể tính đến việc di dời di tích này.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: