Top

Đề nghị cho dân góp cổ phần bằng quyền sử dụng đất

Cập nhật 19/02/2009 08:50

Ngày 18-2, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã nghe các bộ ngành báo cáo về tình hình thực hiện các dự án di dân tái định cư thủy điện miền Trung và Tây Nguyên. Các vấn đề “hậu tái định cư” đã được phản ánh một cách toàn diện.

Thiếu đất, không thiếu vốn

Một thực trạng đáng quan tâm được Ủy ban Dân tộc nêu rõ trong báo cáo gửi Hội đồng Dân tộc, đó là sự chậm trễ và bất hợp lý trong khâu giao đất sản xuất, canh tác cho di dân.

Tại công trình thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An), dù đã di dời được 53% số hộ trong diện phải tái định cư, nhưng đến nay tất cả các điểm tái định cư (TĐC) đều chưa giao được đất cho dân để sản xuất! Trong khi đó, người dân chỉ được hỗ trợ lương thực 4 tháng/năm trong 3 năm.

Do đó, đã xuất hiện tình trạng nhiều hộ gia đình trở về quê cũ phát rẫy hoặc phá rừng làm rẫy trong vùng rừng phòng hộ ở khu vực TĐC. Dự án thủy điện Plei Krông (Kon Tum) còn 92 hộ không nhận đất do đất quá dốc và xói mòn, không canh tác được. 50% đất ruộng mà các hộ dân được giao không gieo cấy được vì chưa có nước! Ủy ban Dân tộc còn đặc biệt lưu ý về yêu cầu công bằng, bình đẳng trong việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ đối tượng di dân TĐC trong các dự án thủy điện khác nhau.

Tình trạng dân chưa được giao đất sản xuất phù hợp được Bộ Công thương xác nhận và cho biết thêm, “vốn đầu tư cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tại các dự án thực tế là không thiếu. Chủ đầu tư luôn được Nhà nước ưu tiên phê duyệt, bố trí vốn để chi cho hạng mục này”.

Như vậy, các vướng mắc trong quá trình triển khai công tác này cần được xem xét, đánh giá ở khía cạnh trách nhiệm cũng như sự phối hợp giữa chủ đầu tư các dự án, Hội đồng đền bù GPMB của các địa phương và sự ủng hộ, hợp tác của các hộ dân bị ảnh hưởng. Xét đặc thù tập quán, thói quen canh tác của đối tượng di dân (đa số là đồng bào dân tộc thiểu số), bộ này đề nghị có những cơ chế chính sách riêng về đền bù, TĐC cho các dự án thủy điện.

Các chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh


Bên cạnh công tác giao đất cho người dân khôi phục sản xuất, các chính sách hỗ trợ khác dành cho đối tượng này được coi là chưa đủ mạnh.

Bản báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư “nhắc nhở”: “Một trong những điểm thiếu hiện nay là sự cam kết của Nhà nước duy trì hỗ trợ sản xuất và đời sống cho cộng đồng người dân tái định cư khoảng 10 năm bằng nguồn vốn trích từ tiền bán điện (20 – 30 đồng/kWh) hoặc từ tiền thuế tài nguyên.

Nội dung hỗ trợ này thực hiện sau tái định cư với mục tiêu trọng tâm là khôi phục và nâng cao thu nhập để ổn định và cải thiện đời sống cho người dân sau tái định cư”. Ủy ban Dân tộc dẫn chứng: thời gian hỗ trợ lương thực 1 năm là quá ngắn, bởi trên thực tế, sau 2 năm nhiều dự án vẫn chưa giao đất xong, người dân chưa thể bắt đầu canh tác.

Có dự án tại huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An), UBND huyện phải xuất tới 330 tấn gạo để cứu đói cho di dân trong năm 2008. Đó là chưa kể việc hầu hết các dự án đều hỗ trợ lương thực bằng tiền, nhưng lại thấp hơn giá thị trường và người dân phải chịu thiệt thòi bởi khoản “vênh” này. Tán đồng quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Dân tộc bổ sung đề nghị các ngành nghiên cứu hình thức dùng quyền sử dụng đất của các hộ dân góp vốn cổ phần cho các dự án thủy điện để giải quyết quyền lợi lâu dài cho họ.

“Như vậy là di dân mới đạt mục tiêu đưa được bà con đến một nơi nào đó chứ chưa làm được việc giúp bà con sống và hội nhập vào cộng đồng mới”, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước bình luận. Ông cũng đặc biệt lo ngại, nếu không có phương án đào tạo lao động để ít nhất mỗi hộ dân có một người làm ở lĩnh vực phi nông nghiệp thì chỉ 5 năm nữa, sẽ có tình trạng “ăn xin dưới ánh điện nê-ông”!

* Thời gian qua, các công trình thủy lợi, thủy điện trọng điểm tập trung chủ yếu ở giai đoạn từ những năm 1995 - 2009 với 22 công trình đã và đang xây dựng. Tổng số diện tích đất bị thu hồi để xây dựng công trình là 81.622 ha và 49.785 hộ gia đình nằm trong khu vực bị ảnh hưởng. Tổng dự toán đã duyệt để thực hiện di dân lên tới gần 17 tỷ đồng.

Tính đến nay, đã tái định cư được khoảng 21.580 hộ. Đối tượng di dân chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số Thái, Dao, Ba Na.

* Cơ cấu vốn đầu tư của dự án tái định cư: 42% chi cho đền bù; 7,4% cho hỗ trợ; 45,8% chi cho phát triển kết cấu hạ tầng; còn lại 4,8% đầu tư cho phát triển sản xuất và ổn định đời sống.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng