Top

Nhà sai phép: Nguyên nhân và giải pháp - bài 2: Phạt, tha tùy nơi!

Cập nhật 19/02/2009 08:45

Nhiều quận chỉ yêu cầu không vi phạm quy chuẩn xây dựng, còn những thay đổi bên trong căn nhà thì chủ nhà được vô tư.

Theo Nghị định 126 năm 2004, Nghị định 180 năm 2007 của Chính phủ, tất cả công trình xây dựng sai giấy phép đều bị xử phạt và buộc thực hiện đúng phép. Nhưng hiểu thế nào là sai phép thì các quận, huyện của TP.HCM mỗi nơi một kiểu.

Bám sát theo bản vẽ

Quận 12 lấy bản vẽ cấp phép xây dựng làm thước đo để kiểm tra và xử phạt nên tất cả chi tiết sai khuôn của bản vẽ đều bị “vịn”. Ông Lê Tấn Tài, Chánh thanh tra xây dựng quận, cho biết: “Hễ thấy chủ nhà vừa xây khác bản vẽ là chúng tôi phải hướng dẫn họ làm cho đúng. Nếu muốn xây khác, dù rằng thay đổi diện tích phòng từ nhỏ thành lớn, hoặc chuyển vị trí cầu thang từ giữa nhà ra góc nhà... cũng phải điều chỉnh giấy phép xây dựng. Nếu người dân tự làm khác giấy phép là bị xử phạt”.

Tương tự, Thanh tra xây dựng quận 10 cũng xem việc xây dựng sai vị trí phòng ốc, cầu thang, nhà vệ sinh... trong nhà là sai phép và xử phạt. Quyết định xử phạt của quận ngoài hình thức phạt tiền còn yêu cầu chủ nhà phải đi điều chỉnh giấy phép xây dựng. “Nhưng thực tế đó chỉ là một động tác nhắc nhở chủ nhà chứ không bắt buộc phải thực hiện. Thường chủ nhà chỉ đóng tiền phạt mà không thực hiện biện pháp phụ kèm theo. Đến khâu cấp “giấy hồng” cũng không câu nệ lắm những tiểu tiết sai trong giấy phép” - ông Trần Văn Hưởng, Chánh thanh tra xây dựng quận 10, nói.

Thanh tra xây dựng quận 6 cũng xác định các trường hợp tự ý điều chỉnh những chi tiết nội thất như cầu thang, nhà vệ sinh, vị trí cửa phòng, bếp... là xây dựng sai phép. Tuy nhiên, quận này không buộc người vi phạm phải xây đúng hay điều chỉnh giấy phép xây dựng vì không cần thiết.

Lấy quy hoạch làm chuẩn

Trong khi đó, quận 3, 5, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Phú... lại lấy quy hoạch và quy chuẩn xây dựng làm chuẩn để xử phạt. Những thay đổi bên trong căn nhà thì... không sao cả. Không ít trường hợp xây sai phép làm tăng diện tích cũng được “tha bổng” nếu phần chênh lệch không quá lớn và phù hợp quy chuẩn, quy hoạch.

Ông Bùi Nguyễn Huy Hoàng, Phó Chủ tịch UBND phường 12, quận Gò Vấp cho biết: “Giấy phép xây dựng theo mẫu mới của quận còn quy định luôn màu sắc công trình. Nếu cứng nhắc thì sơn khác màu cũng không được và bị phạt tuốt luốt. Tuy nhiên, chúng tôi đã quyết định không phạt”.

Theo ông Nguyễn Văn Kỳ, Chánh thanh tra quận 5, bản vẽ xin phép xây dựng chỉ mới là ý tưởng của kiến trúc sư trên giấy, còn thực tế xây dựng khác rất nhiều nên không thể bắt người dân phải xây 100% theo bản vẽ đó. Đối với các chi tiết trong nhà, chủ nhà có thể thoải mái biến tấu miễn không làm tăng diện tích được phép xây dựng, không làm ảnh hưởng đến kết cấu căn nhà, không vi phạm quy hoạch, chỉ giới đường đỏ... Khi xem xét cấp “giấy hồng”, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận này cũng chỉ kiểm tra diện tích, lộ giới, thông hành địa dịch, chiều rộng của ban công... chứ không để ý phần nội thất.

Quận 3 in hẳn sau giấy phép xây dựng quan điểm xử lý của quận: “Những thay đổi nhỏ, không trái quy chuẩn, quy hoạch, không làm ảnh hưởng đến kết cấu chung của công trình thì chủ nhà không phải điều chỉnh giấy phép xây dựng”. Qua đó, người dân tha hồ sáng tạo ở bên trong mà không phải băn khoăn, lo ngại gì. Ông Phan Thế Huy, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 3, cho biết: Cũng có vài người vì không đọc kỹ giấy phép nên đã nộp đơn xin điều chỉnh hướng phòng, cầu thang, nhà bếp. Chúng tôi trả lời ngay là “không cần”.

"Tiến sĩ Võ Kim Cương: Sai bản vẽ không có nghĩa là sai phép

Điểm 2 mẫu giấy phép xây dựng (GPXD) tại phụ lục số 6 (ban hành kèm theo Nghị định 16 ngày 7-2-2005 của Chính phủ) có câu: “Được phép xây dựng công trình (loại công trình)... Theo thiết kế có ký hiệu... Do... lập”. Khi cấp GPXD, bản thiết kế này được cơ quan cấp phép đóng dấu “Duyệt, đính kèm GPXD số...”. Từ việc duyệt bản vẽ như thế dẫn đến cách hiểu hiện nay là nếu xây dựng sai bản vẽ được duyệt (dù chỉ là một nét vẽ nhỏ nào đó) mà không xin phép thay đổi thiết kế trước là vi phạm trật tự xây dựng. Cách hiểu này đã dẫn đến nhiều hậu quả khi kiểm tra, quản lý xây dựng như bài báo đã nêu.

Cần lưu ý, cũng trong nội dung mẫu GPXD này, sau câu trên là câu: “Gồm các nội dung sau đây: - Diện tích xây dựng tầng 1 (m2)..., tổng diện tích sàn (m2)..., chiều cao công trình (m)..., số tầng..., trên lô đất... diện tích (m2)..., cốt nền xây dựng công trình..., chỉ giới xây dựng..., màu sắc công trình..., tại (số nhà)..., giấy tờ về quyền sử dụng đất...”. Đoạn này mới chính là nội dung của GPXD mà chủ đầu tư công trình phải theo đúng."


>Bài 1: Phải xây y chang giấy phép
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP