Top

Đề án nhà ở xã hội của Bình Dương: Lương công nhân với không tới

Cập nhật 11/04/2009 08:35

Với mức lương bình quân không quá 1,5 triệu đồng/tháng, sau khi trừ chi phí sinh hoạt tối thiểu thì khó mà còn dư để đóng tiền thuê mua căn hộ.

Tại hội thảo Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương hôm qua (10-4), ông Phạm Hoàng Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết từ nay đến năm 2012, mỗi huyện, thị và khu tái định cư trong khu liên hợp Công nghiệp-Dịch vụ-Đô thị Bình Dương sẽ xây thí điểm một khu nhà ở xã hội (NƠXH). Cụ thể theo đề án, đến năm 2010 sẽ có 800 căn NƠXH đầu tiên “ra lò”. Đến năm 2012, con số này sẽ tăng gấp đôi. Tuy nhiên, số lượng này vẫn như muối bỏ bể so với nhu cầu nhà ở của gần 269 ngàn người (tính đến năm 2020) - theo khảo sát của tỉnh này.

Cần ngân hàng tiếp sức

Theo đề án, chung cư NƠXH cao sáu tầng, có ba loại căn hộ với diện tích 30 m2; 45 m2 và 60 m2. Theo tính toán, đối với NƠXH sử dụng vốn ngân sách, giá thuê một căn hộ từ hơn 12 ngàn đồng/m2 đến gần 20 ngàn đồng/m2 tùy theo tầng (tương ứng khoảng 96-150 ngàn đồng/người/tháng).

Đối với căn hộ thuê mua, bình quân giá một căn hộ từ hơn 420 triệu đến trên 1,3 tỷ đồng tùy theo diện tích. Sau khi trả trước 20%, mỗi tháng người thuê mua chỉ phải trả từ hơn 400 ngàn đến 660 ngàn đồng cho căn hộ 30 m2 (từ hơn 600 đến gần một triệu đồng cho căn hộ 45 m2; từ gần 850 ngàn đồng đến hơn 1,3 triệu đồng cho căn 60 m2). Với phương án này, sau 20 năm người thuê mua sẽ trả xong và được sở hữu căn hộ.

Nhiều đại biểu cho rằng giá thuê mua nói trên là hợp lý trong điều kiện giá cả hiện nay. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Khương, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, nhận xét mức giá trên vẫn là điều khó với tới của công nhân. “Lương công nhân làm việc trong các doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc bình quân không quá 1,5 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ chi phí sinh hoạt tối thiểu, công nhân khó mà còn dư để đóng tiền thuê mua căn hộ như đề án nêu” - ông Khương nói.

Để thuê mua căn hộ, người thuê mua phải trả trước 20%. Với các đối tượng khác, số tiền này có thể họ đã tích cóp dành dụm từ trước hoặc vay mượn từ người thân. Nhưng với công nhân, chuẩn bị một cục tiền cả trăm triệu đồng không phải dễ. “Cần phải có sự liên kết nào đó với ngân hàng giúp công nhân tiếp cận nguồn vốn này để có số tiền trả trước” - một đại biểu đề xuất.

Cửa ưu đãi còn hẹp


Bà Huỳnh Thị Thanh Xuân, giám đốc một DNTN, cho rằng quy định mỗi chung cư NƠXH chỉ giới hạn sáu tầng là hơi cứng nhắc. Theo bà Xuân, số tầng được xây nhiều hơn sẽ giảm giá thành căn hộ, tạo điều kiện để nhiều người mua được nhà. Ngoài ra, quy định của Bộ Xây dựng không cho làm thang máy ở các dự án NƠXH cũng là điều khó hiểu bởi giá lắp đặt thang máy không phải là quá cao để đội giá thành căn hộ. Đồng tình, nhiều đại biểu bổ sung thêm rằng cần “mềm hóa” diện tích mỗi căn hộ chứ không nên khuôn lại một cách cứng nhắc như đề án nêu.

Theo đề án, tham gia xây dựng NƠXH, nhà đầu tư sẽ được hưởng những ưu đãi như được miễn tiền sử dụng đất hoặc thuê đất, được vay vốn tín dụng đầu tư từ quỹ phát triển nhà ở, quỹ đầu tư phát triển tỉnh và các nguồn ngân sách khác. Tuy vậy, nhiều DN cho biết chỉ với những ưu đãi này thì khó hấp dẫn các nhà đầu tư. Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Phạm Hoàng Hà, lưu ý đề án đã đề cập đến việc gắn NƠXH với các dự án nhà ở thương mại hoặc các dự án đô thị nhằm giảm chi phí hạ tầng, đỡ cho DN tham gia. “Qua thí điểm, tỉnh sẽ kiến nghị thêm với Chính phủ những ưu đãi như được vay vốn với lãi suất thấp, DN xây NƠXH cho công nhân mình sẽ được khấu trừ tiền đầu tư vào chi phí sản xuất...” - ông Hà khẳng định.

Ông Phạm Hoàng Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết ngày 14-4 tới, Bộ Xây dựng sẽ họp trực tuyến với Bình Dương, Hà Nội và TP.HCM (ba địa phương được Thủ tướng cho phép triển khai thí điểm NƠXH) về những vướng mắc khi thực hiện chủ trương này.


Với 27 khu công nghiệp và 10 cụm công nghiệp, Bình Dương là một trong những địa phương có đông công nhân nhất. Theo ông Nguyễn Văn Khương, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, Bình Dương hiện có 625 ngàn công nhân, phần lớn là dân ngoại tỉnh. Đa số công nhân thuê nhà trọ tự phát trong dân với điều kiện ăn ở, sinh hoạt hết sức tồi tàn.

Được biết, Bình Dương hiện có 140 ngàn phòng trọ tự phát, giải quyết chỗ ở cho gần 350 ngàn công nhân (bình quân 4 m2/người).


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP