Top

Cảng biển... chờ đường

Cập nhật 11/04/2009 08:05

Nhiều nhà đầu tư xây dựng cảng biển đành bỏ ra hàng chục tỉ đồng làm đường tạm để hàng hóa lưu thông, vì các đơn vị được giao làm đường vào các cảng thực hiện quá chậm. Hiện có nhiều dự án xây dựng cảng biển ở TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu đã và sắp khởi công cũng đang lo ngại thiếu đường vào cảng.

Việc làm đường vào các cảng biển quá chậm đang làm các nhà đầu tư ngán ngại, đồng thời ảnh hưởng đến thời hạn phải hoàn tất di dời các cảng biển, nhà máy đóng tàu Ba Son từ nội đô TP.HCM về Hiệp Phước, Nhà Bè hoặc về tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào năm 2010.

Làm đường quá chậm


Khu công nghiệp cảng Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều cảng biển đã và sắp triển khai xây dựng. Thế nhưng công trường xây dựng đường 965 nối từ quốc lộ 51 vào khu cảng Cái Mép - Thị Vải (là một phần của đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, gọi tắt là đường liên cảng) vào khu vực cảng biển hiện nay mới thi công làm móng đường. Một chủ đầu tư dự án cảng biển ngại không có đường vào cảng làm sao đưa thiết bị vào xây dựng và đưa cảng vào hoạt động sau hoàn thành.

Theo Công ty cổ phần tư vấn cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) - đơn vị lập quy hoạch cảng biển, tuyến đường liên cảng biển có tổng chiều dài 18,5km và rộng 50m chạy dọc theo 25 cảng biển ở khu Cái Mép - Thị Vải (bắt đầu từ cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ đến Khu công nghiệp Mỹ Xuyên) được coi là cụm cảng cửa ngõ phía Nam của đất nước. Trên tuyến này tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có trách nhiệm đầu tư một số đoạn nhưng đến nay chỉ mới làm được khoảng 7,5km, còn lại 11km, trong đó có năm cầu chưa được xây dựng.

Giải thích về công trình xây dựng đường liên cảng biển bị chậm, ông Phạm Anh Tuấn, giám đốc dự án Portcoast, dự kiến tổng vốn đầu tư để làm tiếp 11km đường và năm cầu cần khoảng 2.200 tỉ đồng, hiện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn đang lúng túng tìm nguồn vốn.

Tự cứu mình

Trong khi công trình xây dựng đường liên cảng biển còn im ỉm thì trên công trường xây dựng cảng quốc tế SP-PSA đang có 1.000 công nhân và kỹ sư hối hả xây dựng cảng biển mới.

Theo ban giám đốc dự án SP-PSA, đến nay công trình thi công đã đạt hơn 90% khối lượng, đến tháng 6-2009 sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn 1 gồm hai bến cảng dài 600m có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng 80.000 tấn và công suất xếp dỡ 1,1 triệu container/năm. Do đường liên cảng biển thi công chậm, theo một cán bộ cảng SP-PSA, có khả năng đến năm 2010 đường này mới hoàn thành, nếu chờ đường thì kế hoạch tháng 6-2009 đưa cảng vào hoạt động sẽ bị đổ vỡ.

Để tự cứu mình, cảng quốc tế SP-PSA đã bỏ ra 770.000 USD làm đường tạm (trải đất cấp phối) dài 1,4km và rộng 40m. Tương tự, không thể chờ xây dựng đường liên cảng, Tập đoàn thép Posco tự đầu tư xây dựng đường tạm dài vài trăm mét để đưa cảng biển ở Cái Mép - Thị Vải vào hoạt động sớm.

Nhiều cảng đang chờ đường

Trên tuyến đường liên cảng biển có hàng loạt cảng biển mới đang được đầu tư xây dựng, gồm: Tân Cảng mới, liên danh CMIT (giữa cảng Sài Gòn và Đan Mạch), cảng ODA (vay vốn Nhật), cảng SSIT (liên danh giữa cảng Sài Gòn và Mỹ), cảng Gemalink (liên danh giữa Gemadep và Pháp) và cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ. Ông Phạm Anh Tuấn cho biết Bộ Giao thông vận tải đang hối thúc phải đẩy tiến độ xây dựng đoạn đường do bộ này đầu tư để bảo đảm khai thác đồng bộ... Đến năm 2010 đường không hoàn thành thì các cảng biển “chết đứng”.

Tại TP.HCM, dự án mở rộng đường 25 B (một tuyến giao thông có liên quan đến nhiều cảng biển) triển khai quá chậm, trong khi đó yêu cầu sớm mở rộng tuyến đường này từ hai làn xe lên bốn làn xe mới giải quyết ùn tắc giao thông. Theo chỉ đạo của UBND TP, dự kiến đầu tháng 5-2009 khởi công xây dựng tuyến đường này. Sở Giao thông vận tải TP cho biết UBND Q.2 thực hiện công tác giải phóng mặt bằng quá chậm trễ, nếu tình hình này không được cải thiện thì không thể xác định thời điểm hoàn thành liên tỉnh lộ 25 B.

Cảng Sài Gòn cũng đang triển khai đầu tư xây dựng cảng Sài Gòn mới tại Hiệp Phước (Nhà Bè), dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào tháng 4-2009. Tuy nhiên, lãnh đạo cảng Sài Gòn lo ngại nhất là việc chưa làm đường nối dài khoảng 3,5km từ Khu công nghiệp Hiệp Phước đến vị trí xây dựng cảng Sài Gòn - Hiệp Phước (Nhà Bè). Để bảo đảm tính đồng bộ của các dự án xây dựng cảng biển, đầu tháng 3-2009 Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM cần sớm triển khai các dự án xây dựng đường vào khu vực các cảng biển.

DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO