Top

Đầu tư vào các khu công nghiệp - khu chế xuất: Mất 2-3 tháng mới xong thủ tục

Cập nhật 27/03/2009 08:25

Mặc dù thủ tục đầu tư vào các khu sản xuất tập trung đã được đơn giản hóa, song câu chuyện “hành chính” khi đầu tư vào đây vẫn khiến nhiều doanh nghiệp than trời vì chậm trễ, ách tắc... Tại hội nghị thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế diễn ra ngày 26-3 tại Bắc Ninh, nhiều vấn đề bức xúc cũng như hiến kế đã được đặt ra.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng - thứ trưởng Bộ KH-ĐT, sau 17 năm, từ khu chế xuất (KCX) đầu tiên là Tân Thuận ra đời tại TP.HCM, đến nay VN đã có 219 khu công nghiệp (KCN), 13 khu kinh tế ven biển, 26 khu kinh tế cửa khẩu. Doanh thu của các doanh nghiệp tại các KCN, KCX, khu kinh tế năm 2009 đạt khoảng 29 tỉ USD.

Tính đến 2008, các KCN, KCX, khu kinh tế trên cả nước đã tạo việc làm cho trên 1,2 triệu lao động trực tiếp. Để đầu tư vào các khu sản xuất tập trung trên, đến nay chỉ còn hai cơ quan là UBND tỉnh, thành phố và ban quản lý các KCN, KCX, khu kinh tế cấp phép nên nhìn chung môi trường pháp lý cho doanh nghiệp đã khá thuận lợi.

Thủ tục mỗi nơi một cách

Công nhận hiện có tới 30% vốn FDI vào VN chảy thẳng vào các KCN, tuy vậy theo ông Ryoichi Nakagawa - giám đốc điều hành Cơ quan Xúc tiến đầu tư Nhật Bản, dù đã được đơn giản hóa nhưng từ khi được cấp phép tới khi xây dựng nhà máy, nhanh nhất các doanh nghiệp phải mất 2-3 tháng mới xong thủ tục. Đặc biệt các quy định về thuế, xuất nhập khẩu, các quy định về lao động không rõ ràng gần đây vẫn gây thiệt hại trực tiếp cho doanh nghiệp.

Chứng minh điều này, ông Nakagawa cho biết suốt từ tháng 6-2007 đến tháng 5-2008, do quy định về thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp trong KCX không rõ, doanh nghiệp phải nộp tới hàng trăm ngàn USD. Phải đợi đến tháng 1-2009 mới có văn bản hướng dẫn lại, nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể xong các thủ tục để được nhận lại tiền của mình... Ngoài ra, sự phiền toái còn thường xảy ra do các cán bộ địa phương.

Theo văn bản Văn phòng Kinh tế văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội gửi đến hội nghị, những khó khăn mà các doanh nghiệp Đài Loan ở các KCN, KCX tại VN đang phải đối mặt thuộc đủ loại, như: khó mua USD khi cần nhập khẩu máy móc và nguyên vật liệu, giá đất tăng, giải phóng mặt bằng chậm, điện nước bị cắt, quy trình giải quyết thủ tục hành chính quá chậm...

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hương, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư phát triển VN - đơn vị đang đầu tư 10 KCN trên cả nước, cho rằng thủ tục hành chính hiện nay mỗi tỉnh làm một cách. “Chỉ một việc là tách sổ đỏ cho các nhà đầu tư, có tỉnh làm dễ nhưng có tỉnh lại khó. Có nơi chúng tôi xin cấp phép đầu tư chỉ mất 24 giờ, nhưng có nơi mất hơn chục ngày”...

Nên thu hút từ các doanh nghiệp đã đầu tư


Làm gì để xúc tiến đầu tư trong thời kỳ suy thoái? Theo ông Douglas van den Berghe - đại điện Công ty Investment Consulting Associates (ICA), VN nên có chiến lược chăm sóc các nhà đầu tư sau cấp phép. “Đây nên là nhiệm vụ hàng đầu đối với các trung tâm xúc tiến đầu tư” - ông Douglas van den Berghe nhấn mạnh, bởi hiện đang có tâm lý không coi trọng các doanh nghiệp đã đầu tư vào VN. Trong khi đó, các doanh nghiệp đã đầu tư thường đóng vai như là “đại sứ”, tác động đến quyết định đầu tư vào VN của nhiều doanh nghiệp mới. Ngoài ra tại nhiều nước, chính các doanh nghiệp hiện hữu, nếu được chăm sóc tốt, đã tăng thêm vốn và số vốn này chiếm tới 50% tổng FDI.

Ông Douglas van den Berghe khuyến nghị: “VN cần có chiến lược phát triển các nhà đầu tư hiện hữu”. Muốn vậy, phải có cơ sở dữ liệu tốt về các nhà đầu tư này, chủ động trao đổi thông tin và “chăm sóc sau bán hàng” tốt hơn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Sachio Kageyama - tổng giám đốc Công ty Canon VN - cho rằng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, VN nên hướng tới thu hút đầu tư từ các công ty nhỏ ở nước ngoài vì đây cũng là một nguồn vốn quan trọng nếu biết tận dụng.

Để thu hút hơn nữa vốn đầu tư vào các KCN, KCX VN trong điều kiện các nước láng giềng cũng đang rất tích cực đưa ra nhiều ưu đãi, theo ông Nakagawa, VN cần hạn chế những chính sách khiến địa phương có thể vận dụng theo những cách khác nhau. Ngoài ra, cần có một cơ quan đầu mối ở trung ương để giải quyết những trường hợp pháp luật được vận dụng sai bởi sự thiếu hiểu biết của các cơ quan công quyền...

Kết luận, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết trong năm 2009, VN sẽ nỗ lực hoàn thành sớm một số công trình hạ tầng quan trọng để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Chính phủ cũng đã đồng ý hỗ trợ ngân sách xây dựng các KCN. Ngoài các biện pháp ưu đãi trên, ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định nếu tình hình tiếp tục khó khăn, bên cạnh miễn giảm thuế, có thể Chính phủ sẽ miễn, giảm cả thuế sử dụng đất để giảm phí đầu vào cho các doanh nghiệp.

Tỉ lệ lấp đầy các khu công nghiệp chỉ 46%

Theo ông Lê Tân Cương - vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, quy hoạch đến năm 2020 sẽ có 15 khu kinh tế, nhưng hiện đã thành lập được 13 khu kinh tế và 2 khu khác tại Trà Vinh, Cà Mau cũng đang được xem xét thành lập. Quy hoạch các KCN trên cả nước do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2020 sẽ có khoảng 80.000ha đất làm KCN. Tuy nhiên, đến hết 2008 diện tích đất dành cho KCN đã lên tới trên 60.000ha. Trong khi đó, tỉ lệ lấp đầy các KCN, theo tính toán sơ bộ, mới khoảng 46%. Nếu tính các KCN đã đi vào hoạt động, tỉ lệ lấp đầy đạt 64%.


DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO