Top

Vai trò kiến trúc sư trưởng

Cập nhật 26/03/2009 14:55

Chức danh kiến trúc sư trưởng (KTST) sẽ “sống lại” nếu Quốc hội thông qua Dự luật Quy hoạch đô thị trong kỳ họp sắp tới. Vì sao Việt Nam muốn lập lại chức danh KTST sau chín năm (1993-2002) các KTST đã từng hoạt động không hiệu quả?

Nếu chuyên môn không được tôn trọng...

Để KTST thực sự là người kiến tạo diện mạo đô thị thì ý kiến chuyên môn của người này phải được độc lập và tôn trọng - không bị chi phối bởi ý chí cá nhân của lãnh đạo chính quyền thành phố.

Chức danh cần thiết

Dự luật Quy hoạch đô thị sắp được Quốc hội thông qua nhưng vẫn còn ý kiến khác nhau về việc tái lập chức danh KTST. Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, không nên có quy định về KTST, vì thực tế UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có các cơ quan chuyên môn tham mưu (Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng), giúp quản lý nhà nước về quy hoạch, kiến trúc đô thị.

Thế nhưng Bộ Xây dựng cho rằng nên có thiết chế KTST cho đô thị. Vì, KTST là người phản biện độc lập, khách quan với cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quy hoạch, kiến trúc đô thị. Hơn nữa, theo Bộ Xây dựng, việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá, lịch sử truyền thống cũng như quy hoạch để tạo ra bản sắc và diện mạo của đô thị không thể thiếu vai trò của KTST.

Vì vậy, với vai trò là cơ quan soạn thảo, Bộ Xây dựng đã đưa vào Dự luật Quy hoạch đô thị, quy định: “KTST có nhiệm vụ tư vấn, tham mưu cho chủ tịch UBND thành phố trong việc tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch đô thị, xây dựng định hướng kiến trúc, xây dựng quy chế quản lý kiến trúc, quy hoạch và các nhiệm vụ khác có liên quan đến quy hoạch, kiến trúc đô thị thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND thành phố đó” (điều 17).

Thật ra, KTST là mô hình khá phổ biến ở nhiều nước trong giai đoạn phát triển tương tự như Việt Nam hiện nay. Vì vậy, khi thẩm tra Dự luật Quy hoạch đô thị, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, việc đưa quy định về KTST vào dự luật là cần thiết nhưng Ban soạn thảo cũng lưu ý phải xem lại mô hình KTST trước đây tại sao thất bại để có những quy định phù hợp về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của KTST.

Phản biện và tham mưu?

Chức danh KTST đã từng tồn tại chín năm (1993-2002) tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính, trước đây, KTST được trao nhiệm vụ và quyền hạn rất lớn: nghiên cứu chiến lược phát triển đô thị, quản lý phát triển đô thị... Có con dấu, tài khoản và bộ máy giúp việc riêng.

Nhưng với gần chục năm hoạt động của Văn phòng KTST, diện mạo của TPHCM và Hà Nội không những không đẹp hơn mà còn xấu đi. Bộ mặt đô thị của hai thành phố lớn nhất nước này được “trang điểm” một cách rẻ tiền bằng những cao ốc nằm cạnh các di tích kiến trúc cần được bảo tồn; cũng như hiện tượng công viên bị lấn chiếm, nhà siêu mỏng gia tăng.

Theo Bộ Xây dựng, cơ chế hoạt động của KTST trước đây không hiệu quả vì được trao quyền quá nhiều nên dẫn đến cửa quyền. Văn phòng KTST bị chìm ngập trong những công việc sự vụ hành chính về phê duyệt và giám sát dự án. Vì vậy, chức danh KTST lần này được Bộ Xây dựng đề xuất chỉ là chức danh cá nhân, không có quyền ra văn bản, chỉ thị; mà chỉ làm công việc tư vấn, phản biện và tham mưu cho chủ tịch UBND thành phố ra quyết định.

KTS. Nguyễn Trường Lưu cho rằng, trong lúc nhiều thành phố đang loay hoay tìm hướng phát triển đô thị, sự ra đời chức danh KTST (để đảm bảo cho sự thống nhất về không gian, kiến trúc, cảnh quan trong quá trình phát triển và bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị bản sắc của đô thị) là cần thiết. Nhưng nếu tiếng nói của KTST chỉ có giá trị tham mưu, tư vấn thì không khéo “giá trị” của KTST cũng giống như “tổ phản biện”; các nhà lãnh đạo thành phố nghe được thì nghe, không thì thôi!

Một kiến trúc sư không muốn nêu tên nói rằng trước đây KTST được giao quyền rất lớn còn không làm tròn nhiệm vụ, bây giờ thu hẹp quyền lại, liệu có khả thi? Theo ông Võ Kim Cương, nguyên Phó KTST TPHCM, chức danh KTST trước đây tương đương thứ trưởng, cao hơn giám đốc sở. Thế nhưng suốt chín năm hoạt động, Văn phòng KTST TPHCM không có trụ sở, cả trăm con người phải “ở ké” trụ sở của Sở Xây dựng.

Ông Cương kể chuyện trên để cho thấy rằng, về lý thuyết KTST có quyền rất lớn nhưng thực tế không thể thực hiện hết thẩm quyền vì vướng rất nhiều quy định, thậm chí là áp lực từ chính quyền thành phố. Ông Cương thừa nhận, hồi đó Văn phòng KTST không làm hết được chức năng chuyên môn mà tập trung quá nhiều quyền về cấp phép xây dựng. Tất nhiên, kèm theo đó là quyền lực quyết định đến những lợi ích rất lớn của nhiều nhóm người trong cộng đồng.

Liệu khi giải phóng KTST khỏi những công việc sự vụ để vị này chuyên tâm vào công việc chuyên môn, đúng như tinh thần mà Dự luật Quy hoạch đô thị, thì công việc của KTST có suôn sẻ và hiệu quả?

Chuyên môn và ngoài chuyên môn

Để KTST thực sự là người định dạng bản sắc kiến trúc của thành phố, chức danh này cần được tách biệt khỏi các nhiệm kỳ hành chính, thường khá ngắn và càng ngắn hơn với quá trình phát triển của một đô thị. Và vấn đề cốt lõi vẫn là các ý kiến chuyên môn có được những người lãnh đạo tôn trọng hay không.

Thật vậy, một quan chức của văn phòng KTST TPHCM trước đây thừa nhận rằng nhiều trường hợp các ý kiến chuyên môn đã không được lãnh đạo thành phố chấp nhận. Ví dụ như, theo đúng quy hoạch, để đảm bảo cảnh quan kiến trúc, một số khu vực nội thành không được xuất hiện nhà cao tầng. Thế nhưng, khi làm việc với nhà đầu tư, lãnh đạo thành phố chấp thuận cho xây nhà cao tầng và buộc cơ quan chuyên môn phải nghe theo. Có vị lãnh đạo còn nói: “Các anh vẽ đẹp nhưng bắt tụi tui chạy theo, mệt quá”.

KTS. Khương Văn Mười, Chủ tịch Hội KTS TPHCM, cho rằng cách sử dụng KTST của các nhà lãnh đạo thành phố sẽ quyết định bộ mặt đô thị. Thế nhưng không ít kiến trúc sư cho rằng, trong cơ chế hiện nay nhiều khi lãnh đạo thành phố cũng không thể quyết định được và phải tự phá vỡ quy hoạch vì chỉ đạo (nhiều khi là ý kiến cá nhân) của cấp trên.

Sự chi phối của những yếu tố bên ngoài đối với năng lực chuyên môn về kiến trúc là một thực tế hiện nay. Và chỉ khi nào năng lực chuyên môn được tôn trọng thì bộ mặt thành phố mới hy vọng được cải thiện.

Muốn vậy, theo KTS. Nguyễn Trường Lưu, cần nhanh chóng xây dựng chính quyền đô thị vì chính quyền đô thị sẽ giúp phát huy được thế mạnh của vai trò KTST. Khi đó, thị trưởng có thể mời bất cứ nhà chuyên môn nào có uy tín để làm KTST và quyết định theo tư vấn của KTST.

Khi hai người không thể thống nhất một vấn đề, hoặc KTST sẽ từ chức hoặc thị trưởng sẽ mời người khác làm KTST. Trong mọi trường hợp, do hai người luôn có trách nhiệm với các quyết định của mình (thị trưởng do dân bầu trực tiếp), các định hướng phát triển thành phố sẽ luôn được đảm bảo theo hướng tối ưu.

Thế nhưng, trước mắt, ông Lưu đề xuất, ở giai đoạn ban đầu xây dựng chính quyền đô thị như hiện nay, cần quy định chính một phó chủ tịch UBND tỉnh (thành phố) phụ trách xây dựng làm KTST.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG