Theo Cục Quản lý công sản, bên thắng cuộc nên là bên đã trả giá cao để được quyền sử dụng đất.
Trên số báo trước, chúng tôi có nêu một số băn khoăn của dư luận về việc Liên danh Thái Sơn trúng thầu khu đất “vàng” tại quận 1 nhờ hỗ trợ nhiều cho ngân sách TP. Trong bối cảnh lần đầu tiên gọi thầu, lại chưa có hướng dẫn cụ thể, TP.HCM làm vậy là đúng hay sai? Chúng tôi đã tìm câu trả lời ở nhiều cơ quan chức năng cấp trung ương.
Ông Đặng Huy Đông - Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: “Về nguyên tắc, đơn vị mời thầu có quyền đưa ra “đầu bài” theo ý của mình để tất cả những ai có đủ điều kiện đều được quyền tham gia. Bên nào vi phạm “luật chơi” thì bên đó phải chịu trách nhiệm”.
Theo ông Đông, các địa phương có thể căn cứ vào Điều 54 Luật Đầu tư và Nghị định 78 của Chính phủ để đặt ra “đầu bài”. Ngoài ra, mỗi địa phương cũng có quyền đưa ra các quy chế riêng, trong đó quy định rõ các điều kiện tham gia dự thầu và trúng thầu. Trong đấu thầu, mọi tiêu chí đều phải được lượng hóa cụ thể bằng điểm và giá trị số tiền đầu tư vào dự án. Cách tính điểm dựa vào số tiền hỗ trợ ngân sách như cách làm của TP.HCM là không phù hợp.
Ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính, phân biệt sự khác nhau giữa đấu thầu và đấu giá. Đấu thầu là việc mua vào một tài sản hay một dự án với giá thấp nhất; đấu giá là việc tìm người mua với giá cao nhất. Việc nhà nước giao quyền sử dụng đất, đồng thời giao việc thực hiện dự án xây dựng hạng mục công trình và khai thác dự án đó thực chất là việc đấu giá quyền sử dụng đất. Như vậy, bên nào trả giá cao nhất thì bên đó thắng cuộc.
Hiện nay, quy chế đấu giá quyền sử dụng đất đã được quy định cụ thể trong Nghị định 05 và Quyết định 216 của Thủ tướng Chính phủ. Muốn đấu giá khu đất “vàng”, TP.HCM có quyền đưa ra những tiêu chí sát hợp nhưng không được trái với những quy định nêu trên.
Theo ông Cường, số tiền hỗ trợ ngân sách nhà nước không phải là tiêu chí chính để lựa chọn nhà thầu. Nhà nước không cần hỗ trợ mà nhà nước bán đấu giá quyền sử dụng đất và phải bán cho người trả cao hơn. Do đó, bên thắng trong “cuộc chơi” này phải là bên đã trả giá cao để được quyền sử dụng đất. Các tiêu chí còn lại: phương án giải phóng mặt bằng, hỗ trợ di dời, đầu tư dự án... cũng là những tiêu chí tính điểm nhưng không phải là quan trọng nhất. Từ chỗ không xác định rõ bản chất của vụ việc, TP đã gây ra nhiều thắc mắc trong thời gian qua”.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng - nguyên Vụ trưởng Vụ Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng: TP.HCM không nên đưa ra tiêu chí ai nộp ngân sách cao nhất thì sẽ thắng. Điều quan trọng hơn cả là bên trúng thầu thực sự có năng lực, kinh nghiệm, khả năng đảm bảo thực hiện dự án hay không...
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: