Top

Đấu thầu “Đất vàng” tại TP.HCM: Trên bảo dưới không nghe

Cập nhật 28/08/2008 14:00

Dù thị trường BĐS đang trầm lắng, nhưng sự phức tạp hóa của những khu "đất vàng" (đất có vị trí đắc địa) tại TP HCM ngày càng được đẩy lên cao khi các cấp chính quyền của TP HCM tạo ra nhiều điểm thiếu minh bạch trong các chủ trương lựa chọn chủ đầu tư.

Hiện tại, ở TP HCM đang có hàng chục điểm nằm trong khu vực trung tâm thành phố được xác định là các khu đất vàng như đường Lê Thánh Tôn, Trần Hưng Đạo, Trần Đình Xu, Hai Bà Trưng, Nguyễn Thị Minh Khai (Q 1); góc đường vòng xoay 3/2 (Q 10); Điện Biên Phủ (Q Bình Thạnh)... giá mỗi khu đất này lên đến hàng trăm nghìn cây vàng. Cuộc chiến tranh giành những khu đất này đang được đánh giá là khốc liệt hơn bao giờ hết.

Văn bản chỉ là... chủ trương

Để khai thác triệt để những tiềm năng, giá trị thực của các khu "đất vàng", UBND TP HCM đã rất thận trọng trong các khâu đánh giá tổng thể các khu đất nhằm tìm ra nhà đầu tư "xứng tầm" của từng khu đất.

Ngày 22/6/2007, Văn phòng HĐND - UBND TP HCM đã có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân về tiêu chí đấu thầu chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án khu "đất vàng" trên địa bàn thành phố và giao cho Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín thành lập Hội đồng tuyển chọn chủ đầu tư do GĐ Sở KH-ĐT làm Chủ tịch hội đồng.

Chủ trương của TP là việc lựa chọn chủ đầu tư của các khu đất này phải được đấu thầu công khai và đây được coi là chủ trương rất đúng đắn, nhận được rất nhiều hưởng ứng từ phía dư luận.

Tuy vậy, chủ trương này đã bị bóp méo ngay từ khi thực hiện lựa chọn nhà thầu với việc gây "sốc" cho giới đầu tư là UBND TP không đấu thầu công khai mà đã giao ngay cho một số chủ đầu tư.

Thực tế giật mình

Đầu tiên phải kể đến khu đất hơn 7.300 m2 tại số 66 - 68 - 70 đường Lê Thánh Tôn (Q 1) và hơn 3.400 m2 ngầm dưới công viên Chi Lăng được UBND TP giao cho một Cty là chủ đầu tư mà không thông qua đấu thầu.

Câu chuyện này chưa kịp nguôi ngoai thì việc lựa chọn chủ đầu tư của khu đất 8 - 12 đường Lê Duẩn (Q 1) đã thực sự làm cho nhiều người phải giật mình, bởi ngay sau khi có chủ trương cho thu hồi mặt bằng, ngày 11/7/2007, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã dự cuộc họp với các ban ngành liên quan và chuẩn bị các bước đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư.

Thế nhưng sau đó không lâu, ngày 5/2/2008, Phó Chủ tịch UBND TP lại có Văn bản số 851/UBND-ĐTMT giao thẳng khu đất này cho Cty CP Hòn Ngọc Viễn Đông Sài Gòn, không thông qua đấu thầu.

Hay như khu đất đối diện KS Park Hyatt (Lê Thánh Tôn - Thi Sách - Cao Bá Quát - Hai Bà Trưng), ngày 1/8/2007, Phó Chủ tịch UBND Q1 Nguyễn Quang Chúc có Văn bản số 1807/UBND-VP gửi UBND TP xin chủ trương đầu tư tại khu đất này.

Theo văn bản này, UBND Q1 đã tiếp xúc với 3 Cty xin làm chủ đầu tư là Cty CP ĐT và KD địa ốc Vạn Phúc - Cty CP Đầu tư xây dựng Hoàng Anh Gia Lai - Cty TNHH TM - XNK ĐT và XDKD Địa ốc Trần Thái; nhận thấy cả 3 đơn vị có năng lực làm chủ đầu tư và đề nghị UBND TP ủng hộ.

Sau đó, ngày 9/11/2007, Phó Chủ tịch TP Nguyễn Hữu Tín đã có Văn bản số 7685/UBND - ĐTMT chấp thuận đề nghị của UBND Q 1 và giao các ngành chức năng hướng dẫn chủ đầu tư lập dự án.

Đặc biệt, tại dự án TT Tài chính - Thương mại - Dịch vụ cao cấp tại khu vực tứ giác Chợ Dân Sinh (Q 1), ngày 16/11/2007, Phó Chủ tịch UBND Q 1 Nguyễn Quang Chúc có Công văn số 2848/UBND-VP gửi đích danh Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín xin chấp thuận chủ trương đầu tư dự án và đề nghị TP ủng hộ cho Cty CP Bảo Gia vì Cty này đã ký quỹ vào tài khoản của VP HĐND - UBND Q 1 với số tiền 20 tỷ đồng và đóng góp 3 tỷ đồng cho quỹ phát triển hạ tầng của quận.

Đề nghị này được Phó Chủ tịnh Nguyễn Hữu Tín (thông qua VP HĐND - UBND TP) chỉ đạo giao các Sở QH-KT, Sở TN-MT, KH và ĐT nghiên cứu trong vòng 7 ngày phải có đề xuất cho UBND TP.

Nhưng ngay lập tức Sở KH và ĐT TP có văn bản tỏ rõ quan điểm không đồng tình với chỉ đạo của UBND TP bởi thực tế có đến 5 đơn vị "có máu mặt" quan tâm đến dự án.

Ngoài ra, Sở KH và ĐT cho rằng việc UBND Q1 yêu cầu Cty Bảo Gia ký quỹ vào tài khoản trong khi chưa có sự chấp thuận chủ trương của UBND TP là không phù hợp với quy định hiện hành.

Đến ngày 19/2/2008, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín giao cho Sở KH và ĐT làm việc lại với UBND Q 1 để thống nhất phương án chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Ngày 24/4/2008, Chủ tịch UBND Q1 tiếp tục gửi VB số 894/UBND-VP cho UBND TP vẫn giữ nguyên quan điểm đề xuất để Cty CP Bảo Gia làm chủ đầu tư khu "đất vàng" này.

Thực tế, với những gì đang diễn ra quanh câu chuyện của những khu "đất vàng" tại TP HCM, dư luận không ngần ngại khi đặt ra câu hỏi liệu có gì mờ ám trong việc UBND TP liên tục chỉ định chủ đầu tư mà không chọn hình thức đấu thầu công khai.

Đã có đại biểu HĐND cho rằng cần phải công khai để mọi người có thể giám sát, thẩm định năng lực của chủ đầu tư. Chỉ với khu đất Văn Thánh cho đấu thầu Nhà nước thu về hơn 1.100 tỷ đồng thì những khu đất nằm ngay TT Q 1 thì nhà nước sẽ thu về bao nhiêu (?). Có dư luận còn cho rằng: Hay phải chăng đất "vàng" không phải để đấu giá!

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp