Top

Đất trục Tây Thăng Long đắt giá nhờ hạ tầng

Cập nhật 18/05/2011 09:55

Trao đổi với PV, ông Lương Xuân Bình - Phó Chủ tịch huyện Đan Phượng, cho biết, giá đất trên địa bàn huyện gần đây tăng và lượng giao dịch thành công cũng khá lớn. Nguyên nhân tăng giá do trục Tây Thăng Long chỉ là một phần, mà còn do hạ tầng giao thông, môi trường trên địa bàn rất tốt. Đất trục Tây Thăng Long đắt giá nhờ hạ tầng

Thời gian vừa qua, thông tin trục Tây Thăng Long dự kiến chạy qua địa bàn huyện Phúc Tho, Đan Phượng đã làm nức lòng không ít các nhà đầu tư, giá đất tại nhiều khu vực xung quanh các huyện này đã tăng một cách lạ thường.

Theo khảo sát phóng viên, giá đất hiện tăng mạnh nhất tại huyện Đan Phượng là khu vực Tân Lập, Tân Hội (xã giáp ranh huyện Hoài Đức). Hiện tại giá đất thổ cư trong làng 35-40 triệu đồng/m2, đất mặt đường các trục chính trong làng 50-55 triệu đồng/m2. Kế đến là địa bàn các xã Thượng Mỗ, Phương Đình tăng 3-5 triệu đồng/m2 so với thời điểm cuối năm ngoái và hiện rơi vào khoảng trên 30 triệu đồng/m2, đất mặt đường trên 40 triệu đồng/m2.

Đáng chú ý, khi đi thực địa trên địa bàn một số xã Tân Hội, Tân Lập theo chỉ dẫn nhiều người dân cho biết chỉ giới đỏ trục Tây Thăng Long đã được cắm mốc tại một số khu vực cạnh khu trường công nghệ cao… Thậm chí, tại các văn phòng nhà đất xung quanh xã, nhiều nhân viên môi giới còn chỉ đích xác trên bản đồ quy hoạch, nơi có tuyến trục Thăng Long chạy qua.

Để tìm hiểu rõ vấn đề, chúng tôi đã có buổi gặp gỡ trao đổi với ông Lương Xuân Bình - Phó Chủ tịch huyện Đan Phượng. Theo ông Bình, giá đất trên địa bàn huyện gần đây tăng và lượng giao dịch thành công cũng khá lớn. Tuy nhiên, nguyên nhân tăng giá do trục Tây Thăng Long chỉ là một phần, mà còn do hạ tầng giao thông, môi trường huyện Đan Phượng rất tốt.

Từ năm 2009 huyện đã nhận được thông báo UBND TP Hà Nội về chủ trương làm tuyến đường Trục Tây Thăng Long, huyện đã có các buổi họp với các sở ban ngành liên quan nhưng tất cả mới chỉ dừng bàn thảo về hướng tuyến chứ chưa đi vào cụ thể bất cứ vấn đề gì” ông Bình cho biết

Ngoài ra, ông Bình cho biết thêm, huyện Đan Phượng hiện có 15 xã và 1 thị trấn, trong dự kiến tuyến trục này sẽ chạy qua địa bàn các xã Tân Lập, Tân Hội, Đan Phượng, Phương Đình, Thượng Mỗ, thị trấn Phùng.

Đây điểm cuối đường Hoàng Quốc Việt kéo dài (tại xã Thượng Mỗ- Đan Phượng) nơi dự kiến sẽ giao cắt trục Tây Thăng Long. Ảnh Anh Đào

Liên quan đến quy hoạch tuyến đường Trục Tây Thăng Long, trao đổi với PV VnMedia ông Vũ Tuấn Định - Phó giám đốc Sở quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, trong quy hoạch chung đang trình Thủ tướng phê duyệt, Trục Tây Thăng Long có điểm đầu cạnh khu đô thị mới Ciputra (Tây Hồ Tây) kéo dài vòng qua các huyện Đan Phượng, Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây.

Đây là trục quan trọng về giao thông, kinh tế và cảnh quan. Hiện UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở giao thông triển khai thực hiện thiết kế, lập hồ sơ phóng tuyến, lập dự án…Sở quy hoạch kiến trúc cũng phối hợp Sở giao thông và các cơ quan ban ngành khác tham gia hoạch định, định hướng các tuyến đường và thống nhất xác định hướng tuyến và phê duyệt chỉ giới đường đỏ. Sau đó, sẽ trình UBND thành phố thẩm định. Tuy nhiên, dự án mới đang dừng ở việc nghiên cứu.

Để khuyến cáo người dân, ông Định nói “Người dân Việt Nam luôn có thói quen mua đất quanh trục giao thông mới, nơi nào có trục giao thông chạy qua là giá bất động sản thường tăng cao. Nhưng theo quy định khi xây dựng tuyến đường giao thông mới ngoài việc đảm bảo các yếu tố kỹ thuật tuyến còn phải tuân thủ các quy định khác về quy hoạch chung hai bên tuyến đường, khoảng lùi… Vì vậy, khi chưa có quy hoạch cụ thể mà nhắm mắt đầu tư rủi ro sẽ rất cao”.

Theo ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, việc các nhà đầu tư mua bất động sản chạy theo quy hoạch để tìm kiếm lợi ích mà lợi ích xuất phát từ việc giá đất được nâng cao khi đất được quy hoạch. Vì vậy, họ luôn săn đuổi thông tin quy hoạch kể cả khi quy hoạch chưa chắc chắn. Nơi nào có quy hoạch là ở đó sẽ có cơn sốt đất, đây là căn bệnh mãn tính thị trường bất động sản lâu nay. Để kiểm soát được những lợi ích phát sinh từ câu chuyện quy hoạch, các cơ quan quản lý cần đưa ra một số biện pháp như công khai minh bạch hơn trong quy hoạch để người dân biết được.

DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia