Top

"Gỡ rối" cho thị trường bất động sản

Cập nhật 17/05/2011 13:40

Theo kết quả khảo sát thực tế, hiện tượng đầu cơ, kích giá, tâm lý mua bán theo “tin đồn”, “tâm lý đám đông” còn diễn ra phổ biến. Điển hình như “cơn sốt” khu vực phía Tây Hà Nội hồi đầu năm 2010 khi có thông tin về quy hoạch Thủ đô Hà Nội mở rộng, cơn sốt đất ở Sóc Sơn, Đông Anh...

Việc thiếu hụt nguồn vốn khiến nhà đầu tư trong nước phải chuyển nhượng dự án hoặc liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài

Nhiều “hạt sạn”

Báo cáo mới nhất về Tình hình thị trường bất động sản và một số giải pháp nhằm quản lý thị trường bất động sản hoạt động lành mạnh Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng Chính phủ cho thấy, thị trường bất động sản vẫn phụ thuộc lớn vào động thái của chính sách tiền tệ, tín dụng.

Nguồn vốn cho thị trường bất động sản chủ yếu từ hệ thống ngân hàng và tiết kiệm của người dân. Nguồn tín dụng trung và dài hạn hầu như không có, trong khi lãi suất vay ngắn hạn cũng rất cao (đa số các ngân hàng đang áp dụng lãi suất từ 16%/năm đến 18%/năm hoặc cao hơn). Do đó, khi ngân hàng siết chặt cho vay sẽ tác động tới kế hoạch triển khai dự án của các chủ đầu tư, thậm chí phải dừng thi công, gây lãng phí, giảm nguồn cung cho thị trường.

Việc thiếu hụt nguồn vốn từ phía các tổ chức tín dụng, ngân hàng không những làm cho các giao dịch bất động sản giảm, tiến độ triển khai các dự án chậm lại mà còn xuất hiện tình trạng các nhà đầu tư trong nước có dự án nhưng thiếu vốn đầu tư đã phải chuyển nhượng dự án hoặc liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các dự án tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.

Báo cáo cũng cho thấy, hiện tượng đầu cơ, kích giá, tâm lý mua bán theo “tin đồn”, “tâm lý đám đông” còn diễn ra phổ biến. Điển hình như “cơn sốt” khu vực phía Tây Hà Nội hồi đầu năm 2010 khi có thông tin về quy hoạch Thủ đô Hà Nội mở rộng, cơn sốt đất ở Sóc Sơn, Đông Anh tháng 3 vừa qua do thông tin về một số trường đại học được di chuyển và thi công tuyến đường mới tại các địa phương trên đã làm giá cả tại các khu vực này tăng mạnh, một số những người môi giới, đầu cơ đất đai lợi dụng cơ hội “làm giá” để trục lợi, làm méo mó thị trường.

Bên cạnh đó, các vi phạm trong kinh doanh bất động sản còn diễn ra phổ biến như chủ đầu tư dự án nhà ở giao nhà chậm so với tiến độ, chất lượng không đảm bảo như thỏa thuận ban đầu, tự ý tăng giá nhà so với giá trong hợp đồng. Nhiều dự án đã lách luật trong việc huy động vốn ứng trước của khách hàng thông qua hình thức hợp đồng góp vốn kinh doanh hoặc hợp đồng vay vốn đầu tư. Thậm chí có hiện tượng lừa đảo khách hàng khi huy động vốn vào các dự án không khả thi, đã dẫn đến những khiếu kiện, tranh chấp căng thẳng giữa chủ đầu tư với khách hàng.

Một vấn đề cũng đáng quan tâm là tình trạng các dự án phát triển nhà ở chỉ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sau đó phân lô, bán nền cho người mua nhà tự xây dựng hoặc bán nhà xây thô để người dân tự hoàn thiện dẫn đến có nhiều dự án phát triển khu đô thị mới không hoàn thành đúng tiến độ, không hình thành đô thị hoàn chỉnh như quy hoạch, không phải chỉ xảy ra trên địa bàn Hà Nội, mà còn xảy ra tại nhiều địa phương khác, gây lãng phí tài nguyên đất đai và vốn đầu tư của xã hội, làm mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội.

Cơ quan quản lý phải "vào cuộc"

Để chấn chỉnh thị trường bất động sản, không để thị trường bất động sản trở thành nhân tố tác động gây ra lạm phát cao và nền kinh tế “bong bóng”, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần sớm ban hành hệ thống tiêu chí cho vay bất động sản đối với các tổ chức tín dụng; hạn chế tiến tới chấm dứt việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch bất động sản, nhất là đối với các hợp đồng huy động vốn, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai và cần sớm nghiên cứu thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ cho người lao động có điều kiện mua nhà. Đồng thời nghiên cứu thí điểm mô hình Quỹ đầu tư tín thác bất động sản để tạo thêm nguồn cung cấp vốn ngoài các tổ chức tín dụng cho thị trường bất động sản.

Các cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở và thị trường bất động sản tại các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về trình tự thủ tục đầu tư; về huy động vốn và mua bán, chuyển nhượng của các chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới để quản lý tốt thị trường.

Kiểm tra thường xuyên các sàn giao dịch bất động sản, kịp thời phát hiện và uốn nắn các sai phạm về giao dịch, mua bán, thực hiện các dịch vụ trong kinh doanh bất động sản. Kiên quyết xử lý những sàn giao dịch bất động sản cố tình vi phạm pháp luật trong giao dịch và những hành vi gian dối, “ làm giá” gây mất ổn định thị trường.

Bộ Xây dựng cũng yêu cầu, phải tăng cường kiểm tra các dự án phát triển nhà, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án, hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, kết nối hạ tầng với hệ thống hạ tầng khu vực đô thị. Kiểm tra và kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm về sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật, nhằm mục đích sử dụng đất hiệu quả tránh lãng phí tài nguyên.

DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN