Top

Chính phủ sẽ cung cấp đủ thông tin cho các đại biểu QH

Cập nhật 15/05/2008 11:00

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (ĐBQH TP Hải Phòng) đã nói như vậy khi tham gia thảo luận ở tổ về đề án mở rộng Hà Nội.

Thủ tướng cung cấp rất nhiều thông tin mà với tư cách từng là trưởng Ban chỉ đạo nghiên cứu quy hoạch vùng thủ đô, quy hoạch Hà Nội và hướng mở rộng Thủ đô (sau khi Bộ Chính trị có Nghị quyết về Thủ đô và Quốc hội ban hành Pháp lệnh Thủ đô).

Thủ tướng cho biết: Đến nay, với 6 năm nghiên cứu, hơn hai chục cuộc hội thảo khoa học, căn cứ trên hệ thống yêu cầu và tiêu chí của thủ đô hiện đại, đa chức năng rồi bỏ phiếu lựa chọn, đã chọn đưa ra 5 phương án để trình Quốc hội lựa chọn quyết định ở kỳ này.

Điều thống nhất cao là đồng thuận chủ trương mở rộng thủ đô, còn mở rộng ở mức nào thì còn nhiều ý kiến khác nhau.

Về băn khoăn của các ĐBQH rằng thiếu thông tin của đề án, theo Thủ tướng băn khoăn đó là đúng, vì dù Chính phủ có “một núi” thông tin qua nghiên cứu, bàn thảo suốt 6 năm trời, nhưng đều không thể công bố do còn đang bàn bạc, chưa thống nhất.

“Không thể thông tin trên báo chí lúc thì dự định mở rộng về Bắc Ninh, lúc thì dự định mở rộng về Hà Tây. Nếu thông tin thì mất ổn định dư luận ghê gớm” - Thủ tướng nói. Thêm nữa, việc hệ trọng như chủ trương mở rộng thủ đô phải làm theo trình tự là báo cáo Bộ Chính trị đồng ý rồi trình BCH T.Ư.

Nên Chính phủ chưa thể thông tin trong quá trình chuẩn bị đề án. Rồi pháp luật cũng không quy định phải trưng cầu dân ý khi chuẩn bị đề án mở rộng. Thủ tướng cũng thừa nhận là với mấy trang của Tờ trình ra Quốc hội thì không thể nêu hết được những nội dung, cơ sở của đề án.

"Bởi vậy Chính phủ đã có báo cáo bổ sung thêm vào chiều qua tới ĐBQH. Đúng là thông tin thì nhiều nhưng cung cấp cho ĐBQH ít là có những lý do đó" - Thủ tướng nói. "Có lẽ vì vấn đề thông tin này mà nhiều người cho rằng Chính phủ trình đề án rất vội vã"- Thủ tướng giải thích.

Thủ tướng cũng khẳng định: Đây mới chỉ là định hướng, nếu Quốc hội kỳ này thông qua, Chính phủ sẽ báo cáo quy hoạch phát triển thủ đô Hà Nội, Chính phủ sẽ phải mời chuyên gia nước ngoài xây dựng quy hoạch này. Để xây dựng thủ đô xứng đáng là thủ đô tầm cỡ trong khu vực.

“Đây mới chỉ là chủ trương, ý tưởng và ý chí, còn quy hoạch cụ thể thì còn rất nhiều việc. Các ĐBQH băn khoăn là đúng. Từ đây đến phiên thảo luận tại hội trường và phiên biểu quyết, ĐBQH cần thông tin gì, Chính phủ sẽ cung cấp thêm để các ĐBQH có cơ sở quyết định”- Thủ tướng khẳng định.

“Chẳng hạn như hệ thống tiêu chí để bỏ phiếu lựa chọn, hoặc bản đồ đều có sẵn hết, Chính phủ sẽ cung cấp cho đại biểu, nhưng quy hoạch thì chưa có” - Thủ tướng nói thêm.

Về băn khoăn của UB Pháp luật QH rằng không thấy tính khả thi của việc tổ chức bộ máy nhân sự sau sáp nhập, Thủ tướng cho biết, Bộ Chính trị đã bàn kỹ. “Đề nghị ĐBQH tin tưởng vào sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, BCH T.Ư trong việc xem xét, chọn nhân sự đủ tầm cho thủ đô” - Thủ tướng nói.

“Nhận nhiệm vụ này tôi cũng lo lắng vô cùng. Nhưng nếu dừng lại lúc này thì vô vàn khó khăn, phức tạp hơn nhiều. Các tỉnh đang dừng hết lại việc cấp đất các dự án. Chờ đợi nữa thì không đúng luật. Dân thì mong muốn về Hà Nội rồi”- Thủ tướng bộc bạch.

Còn vấn đề băn khoăn về ngân sách cho việc sáp nhập? Thủ tướng giải thích chúng ta chỉ phải chi ngân sách cho hạ tầng kỹ thuật và một phần hạ tầng xã hội (bệnh viện, trường học). Chính phủ đã lên một chương trình mở rộng đường cao tốc, sân bay, đường tàu điện trên cao, tàu điện ngầm... với tinh thần là đa dạng hóa nguồn đầu tư.

“Tới đây trong phiên Quốc hội thảo luận thông qua, Chính phủ sẽ có bản giải trình, có thể dài một chút, nhưng cố gắng hết sức, vì chuyện lớn như thế này mà gói gọn trong Tờ trình có mấy trang thì không đủ thông tin.

Có thể không nêu hết được mọi thông tin, rất mong các ĐBQH ủng hộ chủ trương và tin tưởng vào sự lãnh đạo của BCH T.Ư Đảng, của Bộ Chính trị. Chính phủ sẽ triển khai thực hiện và việc được nghe những ý kiến băn khoăn này là rất tốt, để thực hiện chặt chẽ, hiệu quả. Trong Nghị quyết Quốc hội thì Chính phủ sẽ hàng năm báo cáo, và khi có quy hoạch thủ đô rồi thì đưa ra lấy ý kiến nhân dân” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Theo Tiền Phong