Từ trận lụt đầu tiên vào năm 1999, một số khu vực dân cư ven sông Đồng Nai thuộc các xã Đắc Lua, Nam Cát Tiên, Núi Tượng của huyện Tân Phú bị ngập trong nước, cũng từ đây các dự án di dời dân vùng lũ ra đời.
Những khu dân cư tránh lũ được xây dựng có kinh phí hàng tỷ đồng để thực hiện dự án di dân. Tuy nhiên, kể từ khi được hình thành đến nay, các khu tái định cư tránh lũ rơi vào cảnh hoang phế, khi người dân không đến ơ, mặc dù chính quyền cấp đất không thu tiền sử dụng và có các chế độ “khuyến mãi”.
Dân “chê” đất!
Đã hơn 3 năm, kể từ khi khu tái định cư cho người dân vùng lũ xã Nam Cát Tiên ra đời. Cả khu đất cho dự án tái định cư rộng gần 3 ha ngày nào được san ủi bằng phẳng cắm mốc phân lô, nay đã như một khu rừng tái sinh ngút ngàn cây chồi và cỏ.
Nổi lên trong đám cây cỏ là hai cái bể chứa nước sạch đã mất nắp đậy, mỗi bể có sức chứa hàng chục mét khối nước, lưng chừng trong mỗi bể là ít nước mưa ứ đọng đen ngòm. Cạnh các bể chứa nước là 2 giếng khoan đã được tháo máy, để lại hai miệng giếng chơ vơ trên nền đất.
Theo trục đường chính của khu tái định cư là lưới điện trung thế, hạ thế được kéo riêng cho dự án này, nhưng cho đến nay đã hơn 3 năm trôi qua, ngành điện vẫn chưa thu được đồng nào, bởi lưới điện chưa có cơ hội hoạt động.
Khu tái định cư cho dân vùng lũ xã Núi Tượng thì có khá hơn, bởi được bố trí cạnh trục đường nhựa trung tâm xã, nhưng cả khu tái định cư rộng 1 ha này cũng chỉ có 4 hộ làm nhà ở, còn lại một số hộ xây lên phần nhà tạm hoặc xây viền móng rồi bỏ hoang.
150 hộ ở ấp 6, xã Núi Tượng trong diện phải di dời, nhưng chẳng hộ nào mặn mà với chuyện nhận đất. Một người dân nói với chúng tôi: “Đất ai mà không quý, nhưng đưa chúng tôi đến ở trên mảnh đất chỉ đủ cất cái nhà thì làm sao dân chúng tôi sinh sống”.
Khu tái định cư của dân vùng lũ xã Đắc Lua cũng rơi vào cảnh đìu hiu, chỉ khi lụt lớn, người dân mới đưa gia súc, gia cầm lên tránh lũ, còn người thì vẫn tránh lũ tại chỗ. Hết ngập nước thì trâu bò của nhà ai về lại nhà đó, khu tái định cư lại… buồn tẻ.
Hàng tỷ đồng “ra đi” theo dự án!
Trong khi các khu tái định cư hiu quạnh, thì người dân các khu vực phải di dời tránh lũ đều làm đơn xin chính quyền cho được ở lại nơi cũ tiếp tục ổn định cuộc sống, bởi nếu di dời đến nơi ở mới chỉ nhận được cái nền nhà để ở, trong khi đó cuộc sống người dân nông thôn gắn liền với đất để sản xuất, chăn nuôi, việc di chuyển từ nơi ở đến nơi sản xuất là một bất cập lớn.
Bể nước hoang phế trong khu tái định cư xã Nam Cát Tiên.
Trải qua mấy trận lụt người dân đã thích nghi, xem đây là điều kiện tự nhiên và đã quen sống chung với lũ. Tại những vùng ngập nước vào mùa lũ, người dân địa phương đã có phương pháp tránh lũ như làm gác, tôn cao nền nhà, làm đê bao ngăn lũ bảo vệ vườn cây.
Người dân sống chung với lũ, hạn chế sản xuất vào mùa mưa lũ. Do vậy, những năm gần đây những thiệt hại về tài sản do lũ gây ra đã không đáng kể.
Sống chung với lũ người dân chỉ yêu cầu nhà nước hỗ trợ kinh phí làm đường bê tông, đầu tư lưới điện cho người dân có điện sinh hoạt và sản xuất. Bà Nguyễn Thị Xuân, chủ trang trại cây ăn trái rộng hơn 20 ha tại đây, nói: “Nếu được cho phép tôi sẵn sàng đầu tư lưới điện và hỗ trợ làm đường”.
Ông Đỗ Thành Bổn, Chủ tịch UBND xã Nam Cát Tiên, cho biết: “Thực hiện dự án, chính quyền địa phương đã tổ chức vận động người dân di dời, nhưng 64 hộ được giao đất thì chỉ có 4 hộ đến nhận đất làm nhà và nay thì chỉ còn 3 hộ.
Trong khi đó tất cả đều đã nhận đủ tiền trợ cấp di dời cho mỗi hộ 800 ngàn đồng”. Tuy nhiên, ông Bổn cũng nhìn nhận khu tái định cư không phù hợp, bởi người dân không thể rời xa ruộng vườn của mình. Địa phương đã có báo cáo đề nghị chấp thuận nguyện vọng của dân và cần phải có kế hoạch sử dụng hiệu quả khu tái định cư.
Ông Nguyễn Xuân Hợi, Bí thư Đảng ủy xã Núi Tượng cũng cho rằng việc di dời dân vùng lũ ở địa phương là không khả thi, địa phương đã thông báo nếu những hộ đã nhận đất mà không làm nhà thì sẽ thu hồi sử dụng vào mục đích khác.
Tuy nhiên, người dân vẫn xin ở lại vùng đất cũ và chỉ xin nhà nước hỗ trợ đầu tư làm đường giao thông, kéo điện, xây dựng trạm bơm. Thực tế khu vực phải di dời tại ấp 6, xã Núi Tượng lại là nơi phát triển kinh tế của địa phương, tại đây có hơn 100 ha cam, quýt, bưởi, nhiều hộ giàu lên từ cây trồng này.
Có điều do vướng vào diện phải di dân tránh lũ mà khu vực này chưa được đầu tư hạ tầng, khoảng 4 km đường đất thường xuyên bị hư hỏng sau mỗi mùa mưa, lưới điện thì chưa có.
Nói về các dự án tái định cư cho dân vùng lũ, ông Ngô Sĩ Bảng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú, cho rằng: “Việc thực hiện di dời là chủ trương đúng để bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân lúc bấy giờ, tuy nhiên hiện nay người dân đã quen với lũ, nên người dân không chịu di dời và chấp nhận sống chung với lũ. Nếu người dân không chịu di dời thì các khu tái định cư này sẽ phải sử dụng vào mục đích khác có thể cấp thêm đất cho những hộ đã làm nhà ở, xây trường học, nhà tình thương, tình nghĩa… chứ không thể để không như hiện nay được”.
Theo Tiền Phong
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: