Top

Nên thăm dò ý kiến nhân dân

Cập nhật 15/05/2008 09:00

Sáng 14-5, các đại biểu (ĐB) Quốc hội đã thảo luận ở tổ về đề án mở rộng địa giới hành chính Hà Nội. Trước đó, Chính phủ đã trình Quốc hội đề án mở rộng thủ đô song Ủy ban Pháp luật Quốc hội đề nghị chưa nên điều chỉnh vào thời điểm này.

Chưa thuyết phục

Mặc dù HĐND TP Hà Nội đã thông qua đề án lấy Hà Tây về Hà Nội, song hầu hết ĐB của thủ đô đều không tán thành với tờ trình của Chính phủ về mở rộng thủ đô.

ĐB Nguyễn Ngọc Đào cho rằng: "Tất cả phương án của Chính phủ trình Quốc hội về việc mở rộng Hà Nội đều không thuyết phục". Nguyên nhân lớn nhất theo ĐB Đào là các cơ quan soạn thảo chưa biết sau khi mở rộng thì Hà Nội sẽ trở thành một tỉnh khổng lồ hay một thủ đô với chức năng là trái tim của cả nước?

Ông Đào nói: "Ngàn năm qua, Hà Nội luôn được xem là trung tâm chính trị, hành chính, là đầu não quốc gia, là niềm tự hào chung của cả nước. Nếu quan niệm như vậy thì thủ đô khi mở rộng cũng phải có đầy đủ mọi chức năng của một trung tâm lớn đó”. Ông Đào nhấn mạnh: "Trong trường hợp nhất định phải mở rộng thì Hà Nội - trái tim VN - không phải mở rộng để có rau sạch, để có khu nghỉ mát cho dân mình. Do đó, cách tốt nhất để mở rộng Hà Nội là đầu tư cho các địa phương lân cận".

ĐB Nguyễn Thị Tuyến (Hà Tây) cho rằng tờ trình đưa ra giải pháp lấy kinh phí từ đất để mở rộng Hà Nội là không hợp lý vì đất Hà Tây là đất canh tác. Cùng chung tổ thảo luận với đoàn Hà Tây, bà Hoàng Thị Bình (Cao Bằng) chia sẻ: "Tờ trình của Chính phủ nói quí 3 năm nay sẽ hoàn thiện bộ máy của thủ đô mới nhưng tôi chắc chắn sẽ rất khó khả thi".

Sao không lấy ý kiến nhân dân?

Là ĐB của TP.HCM nhưng gốc Hà Tây, bà Ngô Minh Hồng thắc mắc việc mở rộng thủ đô không được lấy ý kiến nhân dân. Bà Hồng khẳng định: "Làm như thế là ngược. Phải lấy ý kiến nhân dân trước chứ". Ông Nguyễn Việt Dũng (TP.HCM) bổ sung: "Từ trước đến nay tôi chỉ được nghe ý kiến các chuyên gia mà toàn là ý kiến phản đối nên tôi rất hoang mang".

Là người trong cuộc, ĐB Nguyễn Thị Tuyến khẳng định: "Trước khi mở rộng mà được nghiên cứu năm phương án thì sẽ không ai băn khoăn. Bây giờ mà tiếp xúc cử tri, cử tri hỏi thì tôi sẽ không biết trả lời thế nào vì tôi không biết năm phương án ra sao". Bà Tuyến tiếp: "Hơn 900km2 của Hà Nội hiện nay còn bao nhiêu đất, sử dụng hết bao nhiêu chúng tôi cũng không biết. Lẽ ra chúng tôi phải có thông tin để báo cáo cử tri chứ?". Tiếp lời bà Tuyến, bà Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre) không hài lòng: "Có những thông tin ĐB cần biết thì tờ trình không nói". Bà Phạm Phương Thảo (TP.HCM) đề xuất: "Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên thăm dò ý kiến người dân".

Liệu có kham nổi?

Không chỉ nêu ra những điểm thiếu thuyết phục trong tờ trình của Chính phủ, các ĐB cũng đặc biệt băn khoăn với trình độ, năng lực của bộ máy chính quyền sau khi Hà Nội mở rộng. Ông Đặng Văn Khanh (Hà Nội) nói: "Khó khăn nhất cho việc hợp nhất các cơ quan nhà nước vẫn là hệ thống tư pháp, các cơ quan tố tụng. Hiện nay chỉ với dân số của Hà Nội thôi mà viện kiểm sát đã quá tải. Nếu ôm thêm một khối lượng dân cư nữa mà cơ bản là vùng sâu vùng xa trong khi quyền hạn của viện kiểm sát cấp TP, cấp quận, huyện chỉ có hạn thì chỉ có "thiên tài" mới hoàn thành được nhiệm vụ".

ĐB Ngô Anh Dũng (Hà Nội) bổ sung: "Hiện nay, mỗi ngày TP có biết bao đơn thư khiếu kiện về năng lực, nghiệp vụ, thái độ, tư cách của cán bộ cơ sở quá yếu kém mà khi mở rộng Hà Nội gấp hai lần thì thách thức đó cũng tăng lên gấp đôi. Đề án vẫn chưa có lời giải".

ĐB Nguyễn Việt Dũng nêu thắc mắc: "Tôi không biết lộ trình mở rộng Hà Nội như thế nào? Liệu lộ trình đó với trình độ quản lý như hiện nay có dám chắc là qui hoạch sẽ không lộn xộn?". Ông đưa ra một khía cạnh khác để kiến nghị lùi thời điểm mở rộng thủ đô. Theo ông Dũng: "Chúng ta đang rà soát đầu tư để kiềm chế lạm phát mà việc mở rộng Hà Nội sẽ đồng nghĩa với việc phải đẩy mạnh đầu tư, tất sẽ làm tăng thêm lạm phát". Bác sĩ Trần Đông A (TP.HCM) cho rằng việc phát triển Hà Nội phải được ấn định rõ bước đi, lộ trình, tài chính để làm sao phát triển Hà Nội phải đi đôi với nâng cao đời sống nhân dân.

Đã chuẩn bị suốt 6 năm

Phát biểu tại buổi thảo luận tổ ở đoàn Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết dù các ĐB nói đề án mở rộng Hà Nội được thực hiện vội vàng nhưng trên thực tế Chính phủ đã làm suốt sáu năm qua. Thủ tướng nói thời gian đó không được thông tin vì theo qui trình thì phải được Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng bàn bạc và đồng ý về chủ trương, sau đó Chính phủ chịu trách nhiệm triển khai cụ thể đề án để trình Quốc hội. Thủ tướng giải thích rằng sở dĩ không lấy ý kiến nhân dân vì qui định không nêu việc này phải trưng cầu ý dân mà chỉ lấy ý kiến HĐND. Thủ tướng nói nếu Quốc hội thông qua thì Chính phủ sẽ trình qui hoạch và khi có qui hoạch sẽ lấy ý kiến nhân dân.

Trong ngày 14-5, các ĐB Quốc hội đã thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xuất bản. Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Chính phủ trình bày tờ trình về việc thí điểm cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở có thời hạn tại VN, nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội và thảo luận tại hội trường về nội dung này.


Theo Tuổi Trẻ