Top

Cắt đất dự án xây dựng nhà ở giá thấp: Khả thi đến đâu?

Cập nhật 31/03/2009 16:20

Theo dự thảo Nghị quyết về các giải pháp xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, sinh viên, người có thu nhập thấp mà Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ, các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 5ha phải dành 10% để xây dựng nhà ở giá thấp.

Đây là một quy định không mới, trước đây đã có những quy định tương tự, nhưng khi đưa vào thực tế lại không áp dụng được. Liệu lần này mọi việc có khả thi hơn không?

Bình mới, rượu cũ

Dự thảo nghị quyết về các giải pháp xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, sinh viên, người có thu nhập thấp quy định khá nhiều các điều kiện ưu đãi dành cho DN khi họ tham gia phát triển quỹ nhà ở giá thấp. Chẳng hạn, nhà đầu tư khi dành ít nhất 10% quỹ đất ở trong dự án khu nhà ở, khu đô thị của họ cũng sẽ được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất đó trong phạm vi dự án.

Trường hợp chủ đầu tư dự án đã có quyền sử dụng đất sẽ được hoàn trả theo giá đất quy định tại địa phương...

Thực ra, những quy định này không có gì mới. Nghị định 90 của Chính phủ từng cũng có những quy định tương tự. Ví dụ như UBND cấp tỉnh được xem xét, quyết định việc chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở thương mại và khu đô thị mới trên địa bàn có quy mô sử dụng đất từ 10ha trở lên, có trách nhiệm dành một phần diện tích đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để chính quyền địa phương phát triển nhà ở xã hội, nhưng không vượt quá 20% diện tích đất ở của dự án.

Quy định là vậy, thực tế thì lại khác, chẳng hạn đối với TPHCM hầu như chưa có dự án nào bị điều chỉnh bởi quy định này, vì không có nhiều dự án có quy mô từ 10ha trở lên. Trước đó nữa, Nghị định 71 của Chính phủ quy định cụ thể các ưu đãi dành cho các chủ đầu tư xây dựng chung cư từ 6 tầng trở lên. Cụ thể sẽ được miễn tiền sử dụng đất, được ngân sách đầu tư hạ tầng đến tường rào dự án...

Chính sách nhằm khuyến khích tạo ra quỹ nhà ở giá thấp, tiết kiệm đất ở các đô thị, nhưng trên thực tế, những chính sách này có một chỗ hở là không quy định đối tượng thụ hưởng. Vì vậy, mặc dù được hưởng đầy đủ các ưu đãi, nhưng các chủ đầu tư vẫn bán nhà giá cao, lãi bỏ túi. Ngoài ra, còn làm phát sinh tình trạng chạy chọt để mua được căn hộ trong các dự án để sau đó bán lại kiếm lời...

Khó khả thi!

Trước đây, TPHCM cũng đã từng có những quy định tương tự với dự thảo nghị quyết này. Chỉ thị 07 của UBND TP về phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp quy định, chủ đầu tư các dự án phải dành 10% quỹ đất hoặc 20% quỹ nhà (dự án xây dựng chung cư) bán lại cho thành phố theo giá bảo toàn vốn. Quỹ đất ở, nhà ở này sẽ được thành phố đưa vào chương trình phát triển nhà ở xã hội, tái định cư... Trên thực tế, trong suốt 3 năm thực hiện, Chỉ thị 07 vẫn cứ loay hoay trên giấy, chứ không thể đi vào cuộc sống.

Về phía các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, qua các diễn đàn hội ngành nghề đã đưa ra những tình huống "tréo cẳng ngỗng", đến thành phố cũng không biết ứng xử như thế nào cho phải. Chẳng hạn, trong một dự án nhà ở cao cấp, xây dựng toàn biệt thự, không lẽ chừa ra một lõm làm nhà ở xã hội. Như vậy, xét về quy hoạch tổng thể là khập khiễng, không khả thi, thiếu thực tế.

Trong trường hợp thực hiện được thì các DN lại ngại chuyện kiểm toán để tìm ra giá không kinh doanh, từ đó xác định giá bán lại quỹ đất quỹ nhà cho thành phố. Sau đó, các DN đã thông qua các buổi đối thoại với UBND TP đã đề xuất thay vì bán lại quỹ đất ở, quỹ nhà ở cho thành phố thì thành phố tính bằng cách khác cho DN thực hiện nghĩa vụ bằng tài chính.

Trong khi thành phố đang chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu tham mưu thực hiện chủ trương này sao cho vừa thuận cho DN, vừa khả thi thì có những diễn biến mới. Trong một hội nghị đối thoại giữa DN kinh doanh BĐS với UBND thành phố, đại điện giới DN đã chỉ trích gay gắt Chỉ thị 07 của UBND TP.

Theo đại diện DN, việc làm ăn kinh doanh của DN được điều chỉnh theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư... Tất cả các nghĩa vụ của DN đối với Nhà nước đã được quy định cụ thể trong luật. Việc UBND TP tự ý đặt ra Chỉ thị 07 quy định thêm các nghĩa vụ của DN là trái pháp luật.

Sau khi DN phản ứng, ngay trong buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Hải (bây giờ là Bí thư Thành uỷ TPHCM) và Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Đua (bây giờ là Phó Bí thư thường trực Thành uỷ TPHCM), đã hội ý và tuyên bố tại buổi đối thoại là sẽ bỏ Chỉ thị 07. Từ đó, chương trình nhà ở xã hội của thành phố chính thức bị buông!

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động