Top

Nhà nằm trên lộ giới: Được cấp phép xây dựng tạm

Cập nhật 31/03/2009 08:15

Nhà nằm trên đường dự phóng, lộ giới đường... hết kẹt cứng. Chưa có quy hoạch chi tiết cũng được cấp giấy phép xây dựng.

Sở Xây dựng TP.HCM vừa nhận Công văn 397/BXD-HĐXD ngày 17-3 do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh ký hướng dẫn cấp giấy phép xây dựng (GPXD). Theo đó, Bộ Xây dựng chấp thuận các kiến nghị của Sở Xây dựng TP.HCM về các trường hợp được cấp GPXD tạm. Ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP, cho biết công văn này đã gỡ được rất nhiều vướng mắc trên thực tế lâu nay.

Quy định cũ “trói tay” chủ đầu tư


Trước đây, các công trình, nhà ở nằm trên lộ giới đường hoặc theo quy hoạch là đường dự phóng mặc dù chưa bị thu hồi đất nhưng có được cấp GPXD tạm hay không thì tùy mỗi quận, huyện. Theo Luật Đất đai và Quyết định 04 năm 2006 của UBND TP.HCM về cấp phép xây dựng, nếu chưa có quyết định thu hồi thì công trình, nhà ở nằm trên đường dự phóng, lộ giới đường... được cấp GPXD tạm với điều kiện phù hợp mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, Nghị định 186 năm 2004 về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thì cấm xây dựng công trình khác trong phạm vi đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ trừ công trình thiết yếu. Dựa vào văn bản này, nhiều quận, huyện đã không cấp GPXD tạm cho công trình, nhà ở nằm trên lộ giới đường, đường dự phóng...

Do đó đối với nhà có một phần nằm trên lộ giới một số đường, phần nhà cũ vi phạm lộ giới nếu đập đi thì không được xây dựng mới vì vướng Nghị định 186, GPXD chỉ được cấp cho phần phù hợp quy hoạch. Rất nhiều căn nhà mặt tiền các đường lớn như Võ Thị Sáu, Lý Thái Tổ... đã xây mới đối với phần phù hợp quy hoạch, còn phần nhà cũ nằm trên lộ giới thì cứ để vậy dù xuống cấp dẫn đến lố nhố, nham nhở bộ mặt đô thị.

Chưa thu hồi đất: Được xây tạm một trệt, một lầu


Theo hướng dẫn mới, Bộ Xây dựng đồng ý khu vực được xác định trong quy hoạch chung xây dựng đô thị là các công trình hạ tầng kỹ thuật (nhà ga, bến xe, đường dự phóng, hành lang bảo vệ đường ray xe lửa, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước...), các công trình hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện, công viên, nhà văn hóa...) chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền thì được cấp GPXD tạm có thời hạn theo thời hạn thực hiện quy hoạch. Việc cấp phép tạm phải phù hợp với mục đích sử dụng đất. Ví dụ: Nhà ở thì được cấp phép tạm làm nhà ở (quy mô một trệt, một lầu), nhà kho được cấp tạm làm nhà kho, đất nông nghiệp thì được làm chòi trại phục vụ nông nghiệp...

Trước đây, Sở Xây dựng TP cũng kiến nghị đối với công trình, nhà ở nằm trong phạm vi quy hoạch lộ giới của các tuyến đường hiện hữu trong đô thị nhưng chưa có kế hoạch thực hiện mở rộng lộ giới thì được phép sửa chữa, cải tạo công trình, nhà ở nhưng không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu hiện trạng cũ hoặc được cấp GPXD tạm để cải tạo công trình, nhà ở với quy mô bán kiên cố một tầng (trệt, tường gạch, mái tôn hoặc ngói). Nếu hiện trạng là đất trống thì không cho xây mới công trình nhà ở, chỉ cho phép cải tạo lại hàng rào, cổng theo hiện hữu nhưng phải phù hợp quy định về kiến trúc theo Quyết định 135 năm 2007 của UBND TP.HCM về quản lý kiến trúc đô thị trong khu đô thị hiện hữu. Trong Công văn 397/BXD-HĐXD, Bộ Xây dựng đã chấp thuận các đề xuất này.

Chưa có quy hoạch chi tiết: Vẫn cấp GPXD


Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng cho phép trong các khu vực dân cư hiện hữu ổn định đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp điện, cấp thoát nước) thì được cấp GPXD công trình, nhà ở nhưng phải phù hợp với quy hoạch chung hoặc quy hoạch chi tiết được duyệt cùng các quy định về kiến trúc, cảnh quan. UBND quận, huyện có trách nhiệm phải cập nhật, bổ sung các khu vực dân cư hiện hữu nêu trên vào quy hoạch theo đúng quy định. Theo quy định, GPXD được cấp căn cứ vào quy hoạch chi tiết. Có nơi như quận 2 không cấp GPXD cho khu vực chỉ mới có quy hoạch chung mà chưa có quy hoạch chi tiết. Với sự chấp thuận của Bộ Xây dựng, vướng mắc trên đã được tháo gỡ.

Bộ Xây dựng cũng hướng dẫn công trình, nhà ở thuộc khu vực hành lang bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu; hành lang bảo vệ bờ sông, kênh rạch... mà nhà nước chưa có chủ trương, kế hoạch di dời thì không được xây mới. Các công trình, nhà ở này chỉ được sửa chữa, cải tạo nhưng không làm thay đổi quy mô, diện tích, kết cấu chịu lực an toàn của công trình.

Ông Tuyến cho biết trong tuần sau, Sở Xây dựng sẽ có văn bản hướng dẫn, đồng thời tổ chức cuộc họp với 24 quận, huyện phổ biến các nội dung của văn bản trên để áp dụng thống nhất khi cấp GPXD cho người dân.

Nhà xây sai nội thất: Được cấp “giấy hồng” nhưng không hủy quyết định phạt

Trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, vừa cho biết nhà xây dựng sai những nội dung thuộc về nội thất sau ngày 1-7-2004 tại TP.HCM sẽ được cấp “giấy hồng” dù đã bị phạt hành chính về hành vi xây sai phép. Ông Tuyến khẳng định những căn nhà đã có quyết định phạt dạng này không phải làm thủ tục hủy quyết định xử phạt mà đương nhiên được các quận, huyện tiếp nhận hồ sơ khi làm “giấy hồng”.

Trước đây, các quận, huyện khi phạt những trường hợp xây sai phần nội thất (như bố trí phòng ốc, vị trí cầu thang...) là hiểu chưa đúng luật. Mặt khác, nhiều trường hợp trong quyết định xử phạt vừa có hành vi xây sai nội thất vừa do hành vi khác (như xây lố diện tích...) nên không thể hủy các quyết định phạt và trả lại phần tiền đã nộp phạt được. Trong tuần sau, Sở Xây dựng sẽ hướng dẫn cho các quận, huyện về vấn đề này.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP