Top

“2008 chưa phải là năm của bất động sản”

Cập nhật 14/02/2008 10:00

Giám đốc CB Richard Ellis Việt Nam, ông Richard Leech, nói phải 2 - 3 năm nữa thị trường nhà đất Việt Nam mới có những thay đổi lớn.

* Có nhiều dự báo trong năm 2008 sẽ có một làn sóng, cơn sốt thứ ba ở thị trường bất động sản và thị trường này vẫn diễn biến khó lường, ông nghĩ gì về vấn đề này?

Cũng có người từng hỏi tôi rằng năm 2008 có phải sẽ là năm của ngân hàng và bất động sản hay không, và tôi đã trả lời họ rằng năm 2008 sẽ là năm của ngân hàng, nhưng chưa phải là năm của bất động sản.

Lý do là vì năm 2008, cũng như 2007 chứng kiến sự bắt đầu của hàng loạt dự án bất động sản lớn như Vincom City Towers 2, BIDV Tower, Crown Plaza, The Keangnam Hanoi Landmark Tower, The Landmark, CEO Tower, Indochina Plaza..., mà đây mới chỉ là một số dự án tại Hà Nội.

Sau 2-3 năm khi các dự án này hoàn thành và đi vào hoạt động, lúc đó mới là lúc mà thị trường bất động sản có những sự thay đổi lớn.

* Theo ông, những biến động của thị trường bất động sản ở Việt Nam chịu tác động của những vấn đề gì?

Cũng như các thị trường khác, thị trường bất động sản không nằm ngoài sự tác động của quy luật cung cầu, việc giá dầu tăng trên toàn thế giới, việc Việt Nam gia nhập WTO, việc biến động của thị trường chứng khoán...

Ngoài ra, thị trường bất động sản Việt Nam còn chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố nội tại như việc quỹ đất trong trung tâm hạn chế, giá đất cao, cơ sở vật chất hạ tầng còn yếu, các vấn đề về thủ tục giấy tờ...

* Vậy ông nhận định như thế nào về xu hướng thị trường bất động sản của Việt Nam trong năm 2008 và những năm tới?

Thị trường bất động sản sẽ tiếp tục phát triển trong năm 2008 và các năm tới. Đặc biệt trong năm 2008, giá cả trên thị trường sẽ vẫn tăng mạnh mà nguyên nhân chính là do lượng cung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, trong khi đó năm 2008 không có nhiều dự án được đi vào khai thác.

Tuy nhiên, năm 2008 cũng như năm 2007, lại là thời điểm bắt đầu của rất nhiều dự án bất động sản lớn như BIDV Tower, Vincom City Towers 2, CEO Tower, The Garden, Crown Plaza, The Keangnam Hanoi Landmark Tower, The Landmark... tại Hà Nội.

Vì thế, trong 2-3 năm tiếp theo là khi các dự án này hoàn thành và được đưa vào sử dụng thì chắc chắn sẽ có những thay đổi lớn trên thị trường.

* Và ông có nghĩ rằng thị trường bất động sản Việt Nam đang tiến đến con đường hoạt động chuyên nghiệp?

Điều này có thể thấy rõ qua sự phát triển và lớn mạnh của các công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam. CBRE đã hoạt động tại Việt Nam đến nay là năm thứ 5, tại Tp.HCM chúng tôi có hơn 100 nhân viên. Tại Hà Nội chúng tôi có hơn 40 nhân viên. Không chỉ ở 2 thành phố lớn, chúng tôi còn mở rộng hoạt động với các văn phòng tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang và sắp tới là Cần Thơ.

Bên cạnh các công ty nước ngoài như chúng tôi, gần đây các tập đoàn lớn của Việt Nam như Viglacera, FPT, Hoàng Anh Gia Lai, Bitexco... đều thành lập các công ty chuyên tập trung đầu tư phát triển bất động sản, điều này cho thấy tiềm năng là rất lớn và cơ hội dành cho tất cả mọi người.

Tuy vậy, trong môi trường với nhiều diễn biến sôi động và có tính cạnh tranh cao để thành công và đứng vững thì sự chuyên nghiệp là một trong những yếu tố hàng đầu.

* Theo ông, thách thức lớn nhất của thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay là gì? Thách thức đó sẽ phải theo sau những biện pháp giải quyết nào?

Ba thách thức lớn hiện nay là: quỹ đất trong khu vực trung tâm hạn chế; giá đất trên thị trường cao; cơ sở hạ tầng như là giao thông đi lại, tiếp cận dự án, giải phóng mặt bằng, thủ tục giấy tờ còn phức tạp.

Tuy nhiên, tôi tin là Chính phủ và các cơ quan chức năng sẽ có những giải pháp tích cực để giải quyết. Ví dụ như năm vừa rồi ta thấy sự ra đời của Nghị định 84, việc đưa ra dự thảo và phê chuẩn quyền mua nhà của một số nhóm Việt kiều và đối tượng người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Theo VnEconomy