Nhiều chuyên gia dự báo, năm 2009 sẽ tiếp tục là thời gian đầy thử thách đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản. Suy giảm kinh tế sẽ khiến thị trường khó có thể sôi động cho tới cuối năm. Song, trong bức tranh sẫm màu đó, vẫn có vài điểm sáng để các nhà đầu tư kỳ vọng và hướng tới.
“Rào cản” sẽ được gỡ dần
Đầu năm 2009, chờ đợi lớn nhất của giới đầu tư bất động sản là kể từ 1-1-2009, người nước ngoài sẽ chính thức được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Nhiều người cho rằng, đây sẽ là công cụ kích cầu quan trọng, đặc biệt đối với thị trường căn hộ trung và cao cấp. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam lại dự báo, tác động tới thị trường của chính sách mới mẻ này chỉ có mức độ.
Một phần do khách hàng quốc tế được cho phép mua theo quy định mới còn hạn chế, chỉ dừng ở 5 loại đối tượng với xấp xỉ 10.000 người. Bên cạnh đó, mỗi người chỉ được mua 1 căn hộ chung cư ở dự án nhà ở thương mại.
Trong con số 10.000 này, chưa chắc tất cả đã có nhu cầu mua. Do đó, khả năng kích cầu chỉ có chừng mực. Song, đây cũng chỉ là bước khởi đầu, sau này, khi mở rộng đối tượng và điều kiện mua, tác động tới thị trường có thể sẽ lớn hơn.
Thêm một “gáo nước lạnh” khác cho thị trường bất động sản năm 2009 là dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai cũng đã bị hoãn lại, chưa xem xét trong kỳ họp cuối năm 2008 của Quốc hội khóa XII. Theo Tổng cục Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), dự án Luật Đất đai sửa đổi sở dĩ tạm dừng để có thời gian đánh giá đúng những hạn chế cũng như nhìn rõ được các “rào cản” đất đai đối với doanh nghiệp nhằm nghiên cứu sâu hơn trước khi sửa đổi, bổ sung toàn diện.
Trong khi luật chưa sửa ngay được, lãnh đạo Tổng cục Đất đai hứa hẹn, các mắc mớ liên quan tới đất đai, cản bước tiến của doanh nghiệp sẽ được tháo gỡ bằng các văn bản dưới luật.
Đại diện Tổng cục Đất đai cho biết: “Sau hơn 4 năm thi hành Luật Đất đai, các Nghị định hướng dẫn thi hành đã bộc lộ một số điểm bất hợp lý gây ách tắc, khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, trong thu hút đầu tư và thực hiện các quyền cũng như nghĩa vụ của người sử dụng đất, trong việc định giá đất, bồi thường, GPMB, tái định cư... Do đó, Chính phủ chỉ đạo trước mắt tập trung sửa đổi, bổ sung một số Nghị định thi hành Luật Đất đai để tháo gỡ các vướng mắc mà thực tế cuộc sống đang đặt ra. Đặc biệt, sẽ sớm chỉnh sửa các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giá thuê đất để bảo đảm bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài”.
Ngửa cổ chờ... 2.500 tỷ đồng
Cách đây khoảng 1 tháng, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ cho phép trực tiếp đầu tư một số dự án nhà ở xã hội thí điểm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (dự kiến khoảng 2.500 tỷ đồng) bằng nguồn vốn kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ. Tiếp ngay sau đề xuất với Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có động thái “dọn đường” khi chính thức mời các doanh nghiệp đăng ký nhu cầu vốn đầu tư để xây dựng nhà ở xã hội.
Bộ này cho biết “đã làm việc, trao đổi và thống nhất với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ được sử dụng quỹ kích cầu đầu tư cho các doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phục vụ cho các đối tượng khó khăn về nhà ở theo hình thức thuê mua. Theo đó, người có nhu cầu thuê mua phải thanh toán lần đầu 20% giá trị căn hộ khi ký hợp đồng theo quy định của Luật Nhà ở”.
Song, để tham gia chương trình này, các doanh nghiệp “phải có quỹ đất sạch và đã được đầu tư kết cấu hạ tầng” nhằm đảm bảo có thể triển khai ngay việc xây dựng nhà ở ngay trong năm 2009.
Ngoài ra, các dự án nhà xã hội phải đáp ứng một số điều kiện quy định về loại nhà, quy mô căn hộ, đối tượng được thuê mua, nguyên tắc hoàn trả vốn vay, khung giá cho thuê mua theo quy định hiện hành của pháp luật về nhà ở...
Trách nhiệm phát triển nhà xã hội vốn thuộc về các địa phương. Biện giải cho hành động “lấn sân” của mình, Bộ Xây dựng cho rằng, có vẻ các địa phương quá bận với nhiều lĩnh vực khác nên mới đề xuất Chính phủ giao Bộ “quản” 2.500 tỷ đồng xây nhà cho thuê.
Có vẻ như, trong cuộc “chạy đua” tới gói kích cầu xây dựng nhà xã hội trị giá 2.500 tỷ đồng, Bộ Xây dựng đã đi trước các địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh một bước. Tất nhiên, khi Thủ tướng Chính phủ chưa quyết, cơ quan nào được quyền “chủ trì” số vốn này vẫn chưa được xác định.
Tuy thế, dù Bộ hay địa phương nào được “lọt vào mắt xanh” thì khi chính thức triển khai, “chiếc bánh 2.500 tỷ đồng” vẫn sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp và thị trường bất động sản trong năm 2009.
DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: