Năm 2009, các doanh nghiệp ngành xây dựng tiếp tục đăng ký mức tăng trưởng 12% so với năm 2008, trong đó kế hoạch đầu tư ước tính hơn 34.600 tỷ đồng cho các lĩnh vực chính là xi măng, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, xã hội...
Cơ sở để các doanh nghiệp trong ngành tự tin đặt ra chỉ tiêu không hề khiêm tốn trong bối cảnh kinh tế còn đầy rẫy khó khăn là mặc dù năm 2008, kinh tế trong nước gặp nhiều sóng gió, song kết quả thực hiện và giải ngân vốn xây dựng cơ bản vẫn nhiều nhất trong những năm qua. Hơn nữa, Chính phủ đã và đang nỗ lực đưa ra những biện pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, kích cầu mà xây dựng là một trong những ngành được chú trọng.
Theo Bộ Xây dựng, các doanh nghiệp sẽ phải nhìn vào biến động của nền kinh tế để quyết định đầu tư. Trong năm 2008, nhiều dự án đã phải đình hoãn, giãn tiến độ để bảo toàn vốn. Vì vậy, trong năm 2009, cần phải có cơ chế kích cầu đầu tư trở lại. Và cụ thể là ngay từ đầu năm 2009, Bộ Xây dựng đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển nhà ở xã hội, bằng chính sách đất đai, thuế, vay vốn... là những công cụ Nhà nước có thể điều tiết.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2009 của ngành, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo ngành xây dựng ưu tiên quản lý triển khai tốt chủ trương kích cầu đầu tư, đồng thời xây dựng cơ chế khuyến khích và nâng cao tỷ trọng đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước. Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, năm 2009 được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn với những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình kinh tế thế giới. Chính phủ đã đề ra những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, trong đó vai trò của ngành xây dựng là giúp Chính phủ triển khai hiệu quả chủ trương kích cầu, chuẩn bị tốt hạ tầng cho giai đoạn tăng trưởng kinh tế sau suy thoái.
Một nhiệm vụ quan trọng nữa của ngành là việc cải cách thủ tục, chính sách đầu tư xây dựng. Kinh nghiệm năm 2008 cho thấy, cải cách thủ tục, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho các dự án trong bối cảnh lạm phát, trượt giá kịp thời đã giúp cho các dự án vượt qua đình đốn. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng kết quả thực hiện và giải ngân vốn xây dựng cơ bản lại đạt mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận.
Tìm ra cơ hội trong khó khăn, thử thách là điều mà các doanh nghiệp nói chung và ngành xây dựng nói riêng đang cố gắng thực hiện. Theo ông Dương Khánh Toàn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Sông Đà, việc đầu tư sẽ được tập trung cho những lĩnh vực thế mạnh, công trình trọng điểm đang trong giai đoạn nước rút, không dàn trải sang nhiều lĩnh vực. Kể cả những dự án đã ký hợp đồng thi công, Tổng Cty cũng yêu cầu rà soát, nếu chủ đầu tư bố trí đủ vốn mới thực hiện, ngược lại kiên quyết dừng triển khai. Năm 2009, Sông Đà dự kiến tổng giá trị sản xuất kinh doanh là 20.500 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2008. Trong đó những lĩnh vực chính Tổng Cty đầu tư hoặc hợp tác đầu tư là: điện, khai thác chế biến khoáng sản, trồng cây công nghiệp.
Cùng chung quan điểm, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam - Nguyễn Ngọc Anh cho biết, mục tiêu trong năm 2009 của Tổng công ty là hoàn thành các dự án xi măng được đầu tư trong thời gian qua, nâng tổng sản lượng của Vicem từ 15 triệu tấn lên 25 triệu tấn/năm. Một trong những hướng đầu tư đang được nghiên cứu là phát triển hệ thống đường cao tốc, đường qua vùng ngập lụt bằng xi măng nhằm kích cầu thị trường trong nước.
Phát triển nhà ở đô thị, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cũng là lĩnh vực đầu tư chính của ngành với kế hoạch đầu tư hơn 9.200 tỷ đồng. Chính vì vậy, năm 2009 được xác định là năm quyết liệt thực hiện đề án nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng cho rằng, đẩy mạnh phát triển nhà chính là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, là huy động các nguồn lực để kích cầu đầu tư và tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo.
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: