Tính từ đầu năm 2006 đến nay, giá BĐS tại Mỹ giảm 16% đã khiến thị trường tài chính phố Wall mất trên 3.000 tỷ USD. Mỹ rơi vào một đợt khủng hoảng tài chính chưa từng có trong khoảng 100 năm qua.
BĐS Việt Nam mấy tháng gần đây cũng giảm khá mạnh. Tài chính Việt Nam bị tác động như thế nào từ thị trường BĐS? DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP Đầu tư dầu khí toàn cầu xung quanh câu hỏi này.
* Nhiều nhận định cho rằng BĐS giảm đang và sẽ ảnh hưởng tới thị trường tài chính Việt Nam. Nỗi lo này có cơ sở không, thưa ông?
Một số chuyên gia đã đưa ra con số, giá BĐS TP.HCM mấy tháng trở lại đây, có chỗ đã giảm tới 60%, còn ở Hà Nội giảm khoảng 25%.
Tuy nhiên, sự sụt giảm này lại gần như không có tác động gì tới hệ thống ngân hàng tài chính. Lý do quan trọng đầu tiên khiến hệ thống ngân hàng tài chính Việt Nam ít bị ảnh hưởng là tính đặc thù của thị trường BĐS Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ
tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP
Đầu tư dầu khí toàn cầu.
Đối với Mỹ và nhiều nước ở Châu Âu, BĐS thường được mua trả góp thông qua hệ thống ngân hàng. Còn ở Việt Nam, chủ yếu BĐS được mua dưới hình thức trả tiền mặt trực tiếp. Hầu như, các dự án khi xây dựng xong bàn giao nhà thì người mua cũng trả đủ 100% giá trị.
Bên cạnh đó, từ tháng 6 - 7/2008, Chính phủ đã chỉ đạo thắt chặt cho vay BĐS. Các dự án BĐS gần như không thể vay được của ngân hàng. Việc vay tiền của người dân để đầu tư vào BĐS và chứng khoán cũng bị kiểm soát nghiêm ngặt. Dư nợ cho vay BĐS của hệ thống ngân hàng, tín dụng vì thế cũng rút đi đáng kể.
*
Khủng hoảng tài chính Phố Wall đang tác động tới tài chính toàn cầu. Ông đánh giá thế nào về tác động của nó đối với thị trường BĐS Việt Nam?
Thị trường BĐS Việt Nam có thể nói là bao giờ cũng sôi động. Việc thị trường đôi lúc có thể trầm lắng là chuyện hoàn toàn bình thường của cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, thời gian trầm lắng thường ngắn. Để làm rõ việc này, chúng ta có thể phân tích về việc cất giữ tiền trong dân. Người dân có 4 cách để giữ tiền. Cách thứ nhất là mua vàng hoặc USD, thứ đến là đầu tư chứng khoán, rồi gửi tiết kiệm ngân hàng và đầu tư BĐS.
Trước tiên, nói tới việc mua vàng và USD. Thời gian này không phải là lựa chọn sáng suốt vì không thể mua USD khi tài chính Mỹ khủng hoảng và giá vàng thì lên xuống thất thường. Tiếp đến, đầu tư chứng khoán cũng tỏ ra không an toàn với số đông vì vừa qua nhiều người đã thực sự choáng váng với loại đầu tư này.
Hình thức gửi tiết kiệm chỉ phù hợp với những người có tiền nhàn rỗi hạn chế. Còn lại, phần lớn những người có khoản tiền kha khá thì lựa chọn hình thức đầu tư vào BĐS. Ngoài ra, còn có một thực tế là tính đến nay chưa hề có một nhà kinh doanh BĐS của Mỹ nào đầu tư một cách chính thống vào Việt Nam.
Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư các dự án BĐS ở Việt Nam chủ yếu là trong khu vực như Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc... nên việc vì lý do khủng hoảng tài chính ở Mỹ mà nhà đầu tư BĐS nước ngoài rút tiền khỏi các dự án ở Việt Nam là rất khó xảy ra.
*
Việc thắt chặt cho vay BĐS có ảnh hưởng tới thị trường BĐS không, thưa ông?
Nằm trong việc thực hiện 8 nhóm giải pháp của Chính phủ để kiềm chế lạm phát, mấy tháng gần đây, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng nhà nước thắt chặt cho vay BĐS. Động thái này đã thực sự khiến nhiều DN kinh doanh BĐS gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các DN nhỏ, vốn ít 20 - 30 tỷ đồng.
Tuy nhiên, gần đây, tình hình đã thay đổi khá nhiều. Các dự án được rà soát, nếu có hiệu quả khả thi vẫn được phép vay vốn. Hơn nữa, dưới nhiều hình thức khác nhau như góp vốn cùng đầu tư, chuyển nhượng phần vốn góp, nhiều dự án vẫn được chuyển nhượng giữa các chủ đầu tư một cách "khéo léo".
Riêng đối với việc kiểm soát và thắt chặt cho cá nhân vay đầu tư BĐS và chứng khoán thời gian qua thực sự đã đem lại hiệu quả rất thiết thực.
Từ những phân tích trên, tôi cho rằng, nếu Chính phủ tiếp tục có những chính sách hợp lý thì thị trường BĐS sẽ sớm lấy lại được sự sôi động vào cuối năm 2009 và sẽ tới đỉnh cao vào năm 2010. Giới kinh doanh BĐS vẫn hoàn toàn có thể tự tin vào một lĩnh vực đầy tiềm năng ở Việt Nam.
*
Xin cảm ơn ông!
Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Giàu:
“Hiện nay dư nợ cho vay BĐS khoảng 115.500 tỷ đồng (chiếm 9,15% tổng dư nợ của ngân hàng). Chính phủ không cấm đoán mà chỉ kiểm soát việc cho vay trong lĩnh vực BĐS nếu thấy việc cho vay khiến thị trường này phát triển không bình thường”.
DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: