Top

Hạn chế mức vay 6 tỉ đồng: Chưa ổn!

Cập nhật 24/07/2015 08:47

 Nhiều ngân hàng đang tập trung phát triển bán lẻ hướng tới nhóm khách hàng cá nhân. Nếu cơ quan quản lý hạn chế số tiền vay thì tín dụng không thể tăng trưởng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế

“Thật vô lý khi tôi có sẵn 10 tỉ đồng và muốn vay thêm 10 tỉ để mua khu đất giá trị 20 tỉ đồng nhưng ngân hàng (NH) chỉ được phép cho vay không quá 6 tỉ đồng” - ông Lâm Minh Thắng (ngụ quận 5, TP HCM) nói như vậy khi đề cập đến dự thảo thông tư hướng dẫn về tỉ lệ an toàn vốn đối với NH, đang được NH Nhà nước đưa ra lấy ý kiến, trong đó có quy định cá nhân được vay tiền không quá 6 tỉ đồng. Quy định này dự kiến áp dụng tại 10 NH thương mại từ ngày 1-2-2016 và ngày 1-2-2019 sẽ mở rộng đến các NH còn lại.

Đối tượng áp dụng là ngân hàng

Tại sao lại hạn chế NH cho cá nhân vay tiền? Lãnh đạo NH Nhà nước cho biết quy định cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp siêu nhỏ vay không quá 6 tỉ đồng chỉ áp dụng đối với các tổ chức tài chính vi mô - chuyên cung cấp những khoản vay cho người nghèo hoặc hoạt động dưới hình thức công ty tài chính và không có chức năng huy động vốn.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng Ảnh: Tấn Thạnh

Thế nhưng, trong dự thảo thông tư hướng dẫn về tỉ lệ an toàn vốn đối với NH không đề cập đến tổ chức tài chính vi mô mà quy định đối tượng áp dụng là NH thương mại nhà nước, NH thương mại cổ phần, NH liên doanh và NH 100% vốn nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính - NH Trường Đại học Mở TP HCM, nếu NH Nhà nước nói rằng hạn mức cho vay 6 tỉ đồng chỉ áp dụng cho các tổ chức vi mô thì không phù hợp thực tế bởi các tổ chức này thường cho người nghèo vay tối đa vài chục triệu đồng.

Ông Thuận cho rằng có thể nhiều năm trước, một số cá nhân là lãnh đạo hoặc người có quan hệ thân thiết với NH đã vay hàng ngàn tỉ đồng để đầu tư vào chứng khoán, bất động sản… dẫn đến một khoản nợ xấu không biết khi nào mới giải quyết xong. Từ đó, ban soạn thảo nghĩ đến biện pháp khống chế hạn mức cho vay không quá 6 tỉ đồng đối với các cá nhân này nhằm bảo đảm an toàn hoạt động cho NH và vô hình trung khống chế luôn toàn bộ khách hàng cá nhân.

Dưới góc độ quản lý, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm CLB Pháp chế NH (Hiệp hội NH Việt Nam), cho rằng pháp luật đã có quy định không và hạn chế cho vay đối với thành viên hội đồng quản trị, ban điều hành và người có liên quan, các cổ đông lớn… nên NH Nhà nước không phải lo việc vay tiền của các đối tượng này. Còn các đối tượng khác nếu chứng minh được mục đích sử dụng vốn, năng lực trả nợ và có tài sản thế chấp thì NH không nên hạn chế số tiền vay.

Rào cản tăng trưởng tín dụng

Cơ sở nào để đưa ra hạn mức cho vay đối với cá nhân? Ông Thuận đặt câu hỏi rồi phân tích: Giả sử một cá nhân có căn nhà giá trị 10 tỉ đồng làm tài sản thế chấp để vay 7 tỉ đồng mua thêm căn nhà thứ hai, NH khống chế cho vay 6 tỉ đồng là không hợp lý. Bởi người vay đã thể hiện đúng mục đích sử dụng vốn, NH định giá tài sản lớn hơn số tiền vay, đồng thời bên vay cũng chứng minh được phương án trả nợ. Mặt khác, các NH đang tập trung phát triển bán lẻ - nhất là mảng cho vay tiêu dùng, hướng tới nhóm khách hàng cá nhân. Nếu ngành NH hạn chế số tiền vay thì tín dụng không thể tăng trưởng, cản trở kinh tế phát triển.

Trong khi đó, phó tổng giám đốc một NH ở TP HCM cho biết NH của ông đang có 1 triệu khách hàng cá nhân và nếu bị khống chế cho vay thì tín dụng không thể tăng lên được. “Tôi tin rằng việc khống chế cho vay cá nhân sẽ được loại bỏ bởi trên thị trường quốc tế không có quốc gia nào can thiệp vào mối quan hệ tín dụng giữa cá nhân với NH về số tiền vay. Vấn đề cốt lõi là người vay muốn vay bao nhiêu tiền và có đủ điều kiện để NH chấp nhận” - vị này nói

Lãnh đạo một số NH khác nhận định cho vay cá nhân hiện khá an toàn bởi bên vay có mục đích sử dụng vốn rõ ràng, có tài sản bảo đảm, chứng minh được thu nhập. Thậm chí, có người vay NH hàng chục tỉ đồng với nguồn trả nợ từ tiền cho thuê nhà hàng trăm triệu đồng/tháng. Trường hợp NH hạn chế số tiền vay, có lẽ nhóm khách hàng cá nhân phải thành lập doanh nghiệp mới vay được số tiền như mong muốn.

Nên cho vay theo tỉ lệ nhất định

Theo ông Nguyễn Văn Thuận, sau khủng hoảng tài chính năm 2008, các NH tại Mỹ đã thuê một số tổ chức độc lập định giá lại tài sản, rồi cho vay theo tỉ lệ nhất định. Bởi trước đó, NH tự định giá tài sản thế chấp quá cao so với giá trị thực.

Tương tự, tại Việt Nam, với nhiều lý do khác nhau, tài sản là bất động sản cũng được các NH định giá ở mức cao không tưởng. Vì thế, để bảo đảm an toàn cho hệ thống, thay vì khống chế mức vay không quá 6 tỉ đồng, NH Nhà nước nên tính đến phương án chỉ cho cá nhân vay 50%-70% giá trị tài sản thế chấp.
 

Gom hết vào giỏ để siết!

Phân khúc cho vay khách hàng cá nhân ở các ngân hàng (NH) thương mại đang tăng trưởng tốt, trong đó cho vay mua nhà khởi sắc đã giúp các NH thương mại có lợi nhuận khả quan. Đây được xem là phân khúc cho vay ít rủi ro bởi khi khách hàng có tài sản bảo đảm và thu nhập đủ khả năng trả nợ thì mới được vay.

Dự thảo thông tư hướng dẫn về tỉ lệ an toàn vốn đối với các NH thương mại, lần đầu đề cập khái niệm “cấp tín dụng bán lẻ” gồm hoạt động cho vay đối với cá nhân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ. Trong đó, quy định tổng dư nợ cho vay với nhóm khách hàng này không vượt quá 6 tỉ đồng và không vượt quá 0,2% tổng dư nợ cho vay bán lẻ. Vì vậy, khi quy định này được áp dụng, khách hàng là cá nhân, DN siêu nhỏ nếu có dự án khả thi, tiềm năng lớn mà tổng vốn đầu tư cần hơn 6 tỉ đồng thì cũng không thể gõ cửa NH dù họ đủ điều kiện để vay.

Trong quá khứ, có xảy ra tình trạng một số DN khi không tiếp cận được vốn NH đã nhờ người thân, thậm chí chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc, đứng ra vay theo danh nghĩa cá nhân hàng chục tỉ đồng. Nay, NH Nhà nước siết lại hoạt động cấp tín dụng, tránh để chính sách bị lợi dụng và phát sinh nợ xấu là đúng nhưng gom hết các nhóm đối tượng khách hàng vào một giỏ để siết thì có vẻ chưa hợp lý.

Thực tế, trong quá trình thẩm định để cấp tín dụng, các NH hoàn toàn đủ khả năng phát hiện đối tượng vay vốn có sử dụng đúng mục đích hay không. Còn nếu người của NH cố tình “đi đêm” hoặc “bắt tay” với khách hàng, dù quy định trên được áp dụng vẫn rất khó kiểm soát dòng tiền.

Có người cho rằng dự thảo trên đang theo tư duy lối mòn, quản không được thì cấm (?!).



DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao động