Top

Tín dụng được “cởi trói”

Cập nhật 17/07/2015 16:12

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa nới tăng trưởng tín dụng (TTTD) cho một loạt các ngân hàng (NH), theo định hướng từ đầu năm của NHNN, TTTD năm nay ở mức từ 13 - 15%, cũng có thể sẽ nâng lên mức 17%. Câu hỏi đặt ra là phải chăng sau 6 tháng, nhà điều hành đã nhận thấy những dấu hiệu tích cực trong tăng trưởng kinh tế nên mới quyết định như vậy?


Ảnh minh họa.

12 ngân hàng thương mại (NHTM) nằm trong đợt “nới room” lần này gồm Vietcombank, Vietinbank, SeABank, TienphongBank, Techcombank, LienVietPostBank, VPBank, NamABank, SHB, VIB, BaovietBank, NCB.

Bình luận về quyết định chọn thời điểm cũng như lý do vì sao các NH nói trên nằm trong số được nới chỉ tiêu TTTD đợt này, theo lãnh đạo NHNN, đợt nới hạn mức TTTD cho một số NH đợt này nếu tăng hết thì mức TTTD toàn hệ thống năm nay cũng chỉ vào khoảng 15,3%. Những NH có năng lực tài chính lành mạnh và hoạt động cho vay tốt trong 6 tháng đầu năm đều được chọn nới room TTTD. Tỉ lệ nới hạn mức TTTD dựa trên cơ sở quy mô tín dụng và mạng lưới hoạt động của từng NH, không phải cào bằng một mức.

Ở một diễn biến có liên quan, một trong những điểm nổi bật nhất của kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2015 là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 0,55%, tăng thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Lạm phát thấp mang đến nhiều cơ hội và thách thức cho nền kinh tế. Theo đó, các chính sách cần được điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến mới.

Lạm phát tác động đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động của các NHTM. Có thể nói lạm phát là một trong những nhân tố chủ chốt ảnh hưởng đến lãi suất huy động vốn và cấp tín dụng của NH. Lạm phát thấp mang lại niềm vui cho người tiêu dùng; sự an tâm của các nhà đầu tư trong sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện cho các nhà hoạch định chính sách và quản lý, điều hành vĩ mô có cơ sở để đề ra và thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, hỗ trợ thị trường. Chính phủ có dư địa lớn hơn để nới lỏng chính sách tiền tệ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Và tới đây, điểm mấu chốt của việc “nới room” cho các NHTM nói trên đã phần nào được lý giải. Tuy nhiên, với NH được nới chỉ tiêu TTTD cũng không hẳn đã hoàn toàn vui mừng mặc dù để được tăng room nhà băng phải có đề xuất. Trong bối cảnh, lãi suất chưa kịp hạ theo định hướng đề ra của nhà điều hành thì lại có dấu hiệu rục rịch tăng trở lại. Điều này cho thấy nền kinh tế vẫn còn đang hồi phục rất chậm chạp, sự hấp thụ của nền kinh tế còn khá yếu, cung cầu vẫn còn “lệch pha”.

Với mục đích đưa nợ xấu về dưới 3% trước ngày 1.10 theo kế hoạch đặt ra của NHNN. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây cũng là một trong các lý do để NHNN quyết định nới room cho các NH, bởi tổng dư nợ các NH tăng lên đồng nghĩa với việc nợ xấu sẽ giảm xuống.

Đánh giá về việc nới room của NH mình đợt này, theo lãnh đạo một NHTMCP có trụ sở tại Hà Nội, hiện mức chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động của NH rất thấp do chi phí hoạt động cao, NH phải trích lập dự phòng lớn, phải ưu tiên lãi suất, trần lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ). Với mức chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động dưới 3% hiện nay, các NH khó mà có mức lợi nhuận tốt.

Vị lãnh đạo trên cũng thừa nhận, việc “nới room” cũng nhằm mục đích để làm đẹp con số và để tạo đà cho cuối năm và đầu năm sau.

Nới TTTD, câu chuyện muôn thuở sẽ lại là nhà băng cần tập trung ưu tiên tăng trưởng chất hơn là lượng. Để con số TTTD của NHNN đề ra có giá trị thì các khoản tiền cung ứng của các TCTD phải được đi vào sản xuất. Con số tăng trưởng tín dụng không quan trọng bằng chất lượng, dòng tiền cần đổ vào nơi SXKD để tạo ra thặng dư hơn là việc các NH tăng cường mua trái phiếu, tín phiếu để hưởng sự an toàn, và điều này các NH đã làm tốt trong thời gian vừa qua.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao động