Nhiều ngân hàng đang tập trung phát triển bán lẻ hướng tới nhóm khách hàng cá nhân. Nếu cơ quan quản lý hạn chế số tiền vay thì tín dụng không thể tăng trưởng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế
“Thật vô lý khi tôi có sẵn 10 tỉ đồng và muốn vay thêm 10 tỉ để mua khu đất giá trị 20 tỉ đồng nhưng ngân hàng (NH) chỉ được phép cho vay không quá 6 tỉ đồng” - ông Lâm Minh Thắng (ngụ quận 5, TP HCM) nói như vậy khi đề cập đến dự thảo thông tư hướng dẫn về tỉ lệ an toàn vốn đối với NH, đang được NH Nhà nước đưa ra lấy ý kiến, trong đó có quy định cá nhân được vay tiền không quá 6 tỉ đồng. Quy định này dự kiến áp dụng tại 10 NH thương mại từ ngày 1-2-2016 và ngày 1-2-2019 sẽ mở rộng đến các NH còn lại.
Đối tượng áp dụng là ngân hàng
Tại sao lại hạn chế NH cho cá nhân vay tiền? Lãnh đạo NH Nhà nước cho biết quy định cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp siêu nhỏ vay không quá 6 tỉ đồng chỉ áp dụng đối với các tổ chức tài chính vi mô - chuyên cung cấp những khoản vay cho người nghèo hoặc hoạt động dưới hình thức công ty tài chính và không có chức năng huy động vốn.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng Ảnh: Tấn Thạnh
|
Nên cho vay theo tỉ lệ nhất định
Theo ông Nguyễn Văn Thuận, sau khủng hoảng tài chính năm 2008, các NH tại Mỹ đã thuê một số tổ chức độc lập định giá lại tài sản, rồi cho vay theo tỉ lệ nhất định. Bởi trước đó, NH tự định giá tài sản thế chấp quá cao so với giá trị thực.
Tương tự, tại Việt Nam, với nhiều lý do khác nhau, tài sản là bất động sản cũng được các NH định giá ở mức cao không tưởng. Vì thế, để bảo đảm an toàn cho hệ thống, thay vì khống chế mức vay không quá 6 tỉ đồng, NH Nhà nước nên tính đến phương án chỉ cho cá nhân vay 50%-70% giá trị tài sản thế chấp.
Gom hết vào giỏ để siết!
Phân khúc cho vay khách hàng cá nhân ở các ngân hàng (NH) thương mại đang tăng trưởng tốt, trong đó cho vay mua nhà khởi sắc đã giúp các NH thương mại có lợi nhuận khả quan. Đây được xem là phân khúc cho vay ít rủi ro bởi khi khách hàng có tài sản bảo đảm và thu nhập đủ khả năng trả nợ thì mới được vay.
Dự thảo thông tư hướng dẫn về tỉ lệ an toàn vốn đối với các NH thương mại, lần đầu đề cập khái niệm “cấp tín dụng bán lẻ” gồm hoạt động cho vay đối với cá nhân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ. Trong đó, quy định tổng dư nợ cho vay với nhóm khách hàng này không vượt quá 6 tỉ đồng và không vượt quá 0,2% tổng dư nợ cho vay bán lẻ. Vì vậy, khi quy định này được áp dụng, khách hàng là cá nhân, DN siêu nhỏ nếu có dự án khả thi, tiềm năng lớn mà tổng vốn đầu tư cần hơn 6 tỉ đồng thì cũng không thể gõ cửa NH dù họ đủ điều kiện để vay.
Trong quá khứ, có xảy ra tình trạng một số DN khi không tiếp cận được vốn NH đã nhờ người thân, thậm chí chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc, đứng ra vay theo danh nghĩa cá nhân hàng chục tỉ đồng. Nay, NH Nhà nước siết lại hoạt động cấp tín dụng, tránh để chính sách bị lợi dụng và phát sinh nợ xấu là đúng nhưng gom hết các nhóm đối tượng khách hàng vào một giỏ để siết thì có vẻ chưa hợp lý.
Thực tế, trong quá trình thẩm định để cấp tín dụng, các NH hoàn toàn đủ khả năng phát hiện đối tượng vay vốn có sử dụng đúng mục đích hay không. Còn nếu người của NH cố tình “đi đêm” hoặc “bắt tay” với khách hàng, dù quy định trên được áp dụng vẫn rất khó kiểm soát dòng tiền.
Có người cho rằng dự thảo trên đang theo tư duy lối mòn, quản không được thì cấm (?!).