Top

“Nới tay” với cổ phiếu ngành xây dựng

Cập nhật 20/07/2015 15:29

Các cổ phiếu CII, CTD, HBC, FCN… được chuyên viên ngành đưa ra khuyến nghị tích lũy trong trung hạn.

Ngành xây dựng được kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong năm 2015 nhờ vào các chính sách hỗ trợ đặc biệt cũng như sự “ấm lên” của thị trường BĐS. Tuy nhiên, để có lựa chọn tốt nhất, giới chuyên môn khuyên NĐT nên nhìn lại tình hình hoạt động sản xuất của ngành xây dựng Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2015, cũng như đánh giá triển vọng của ngành này trong phần còn lại của năm 2015.


Số liệu cho thấy, 6 tháng đầu năm 2015, của ngành xây dựng đã đạt được những con số khá khả quan. Tổng giá trị sản xuất xây dựng toàn ngành tăng 8,1% so với cùng kỳ, đạt 393,8 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ đô thị hóa trong nước ước tính đạt 35,3%, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2014 và tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%.

Về lĩnh vực xây dựng nhà ở, 6 tháng đầu năm 2015, cả nước có gần 52 triệu m2 sàn được xây dựng, trong đó tổng diện tích sàn nhà ở xã hội là khoảng 0,6 triệu m2. Các DN xây dựng thuộc Bộ Xây dựng cũng báo cáo những kết quả đạt được khá tích cực với tổng giá trị sản xuất xây dựng tăng 16,2% so với cùng kỳ, đạt 76,46 nghìn tỷ đồng (tương đương 50,7% kế hoạch năm đặt ra).

Nhìn chung, các kết quả đạt được trên của ngành xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2015 đã và đang phản ánh rất sát tác động tích cực từ tình hình vĩ mô ổn định và các chính sách hỗ trợ riêng cho ngành mà NĐT kỳ vọng trong năm nay. Điển hình nhất là nguồn cung tín dụng với lãi suất thấp tiếp tục được NHNN duy trì. Thực tế cho thấy tín dụng 6 tháng đầu năm nay ghi nhận mức tăng trưởng khá tốt 6,09% so với cuối năm 2014.

Lĩnh vực xây dựng nhà ở tiếp tục hưởng lợi trực tiếp từ các gói tín dụng hỗ trợ người mua nhà và chính sách nới lỏng quy định sở hữu nhà ở cho người nước ngoài có hiệu lực vào tháng 7/2015. Số liệu tín dụng cấp cho BĐS tăng trưởng khá mạnh gần 10,89% tính đến cuối tháng 5/2015 cho thấy niềm tin của người mua nhà cũng như NĐT trong lĩnh vực BĐS đã được củng cố đáng kể.

Bên cạnh đó, Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) ban hành 14/2/2015 sẽ là động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự tham gia nguồn lực tư nhân vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam trong năm nay và trong tương lai.

Ở chiều ngược lại, lượng tiền đổ vào lĩnh vực BĐS tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua cũng dấy lên quan ngại về sự hình thành của bong bóng BĐS. Về vấn đề này, chuyên viên ngành BĐS của CTCK VDSC cho rằng, mặc dù nguồn cung BĐS tăng mạnh nhưng sức mua trên thị trường vẫn duy trì khá tốt đảm bảo sức hấp thụ, tuy nhiên, sức hấp thụ này sẽ được cân đo tốt hơn nếu chúng ta có được tỷ lệ chính xác người tiêu dùng cuối cùng trong số những người mua nhà.

Trong khi đó, với kinh nghiệm rút ra từ cuộc khủng hoảng vừa qua, chuyên viên ngành kỳ vọng, công tác giám sát nguồn cung tín dụng cho lĩnh vực BĐS sẽ hiệu quả và điều hòa nguồn lực tốt hơn.

Với các yếu tố được nêu ở trên, ngành xây dựng sẽ tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, giới phân tích cũng kết hợp cân nhắc các yếu tố về sức khỏe tài chính như tỷ lệ vay nợ và chất lượng các khoản phải thu của DN. Chưa kể các chính sách pháp lý không được thực hiện hoặc tiến triển như đã kỳ vọng (luật đầu tư công và khung pháp lý cho công tư PPP). Mức độ ảnh hưởng từ sự hồi phục của ngành BĐS không như mong đợi…

Theo một chuyên viên phân tích, lúc này, để đầu tư vào ngành xây dựng, điểm trọng yếu mà NĐT phải xét kỹ là yếu tố nợ vay. Ví dụ, trong số các cổ phiếu, LCG của CTCP Licogi 16 có thể đầu tư được vì tình hình tài chính của Licogi 16 đang cải thiện đáng kể với các khoản nợ vay được cơ cấu lại.

Bên cạnh đó, việc dùng vốn thặng dư để xóa lỗ lũy kế sẽ giúp rút ngắn khoảng thời gian công ty có thể trả cổ tức từ năm 2017 xuống năm 2016 cũng là một điểm đáng lưu ý. Các cổ phiếu CII, CTD, HBC, FCN… cũng được chuyên viên ngành đưa ra khuyến nghị tích lũy trong trung hạn.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng