Hàng loạt thông tin về các vụ M&A trong thời gian gần đây cùng thông tư 07 dự kiến sẽ có hiệu lực trong vài ngày tới được dự đoán sẽ có tác động tích cực lên cổ phiếu bất động sản.
Một số thương vụ M&A trong thời gian gần đây. Nguồn: VDSC
|
Thị trường "ngập" trong thông tin M&A
Trong nửa cuối tháng Bảy và đầu tháng Tám ngành bất động sản đã nổi lên với hàng loạt thông tin về hoạt động M&A cùng làn sóng đầu tư nước ngoài trên thị trường nhà đất Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là khả năng kết hợp giữa hai đối tác lâu năm là CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM (mã CII) và CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã NBB) sau khi HĐQT của CII có văn bản thông qua việc nâng tỷ lệ sở hữu tại NBB lên 45% cuối năm 2015 và 51% năm 2016.
Trước đó, quỹ đầu tư bất động sản Nhật Bản Creed Group đã giảm sở hữu tại NBB nhưng lại đồng thời đầu tư 200 triệu USD để mua lại 20% cổ phần của CTCP Bất động sản An Gia. An Gia là một nhà phát triển bất động sản mới nổi ở TP.HCM nhưng đã gây dấu ấn trên thị trường khi liên tiếp mua lại Block 5 và Block 2 thuộc dự án Khu phức hợp La Casa của VPH.
Gần cuối tháng Bảy, Tập đoàn bất động sản Nam Long (NLG) cũng công bố việc Ibeworth Pte. Ltd., công ty con của tập đoàn Keppel Land (Singapore) mua hơn 7 triệu cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn của công ty này.
Trong một diễn biến khác, Red River Holdings và CTCP Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) lần lượt công bố thoái vốn khỏi Công ty Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCI) trong khi nhóm cổ đông liên quan đến Dragon Capital gia tăng sở hữu tại đây lên 17,02%.
Vietnam Azalea Fund cũng đã chuyển nhượng 6,7 triệu cổ phiếu ITC cho đối tác khác trong khi Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco) lại có lộ trình thoái vốn tại doanh nghiệp bất động sản này.
BCI, NBB, ITC và NLG có điểm chung là quỹ đất dồi dào ở TP.HCM và khu vực lân cận. Trong đó trừ NLG, các cổ phiếu còn lại đều đang giao dịch ở mức giá thấp hơn, hoặc không quá xa giá trị so sánh (PB của NBB, BCI và ITC lần lượt là 1,08x, 0,97x và 0,4x).
Với khả năng nới room cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) lên 100% theo Nghị định 60/NĐ-CP, quỹ đất của các công ty bất động sản Việt Nam đang thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của dòng vốn ngoại. Mới đây, NLG đã xin UBCKNN cho phép điều chỉnh “room” cho NĐTNN từ 45% lên 49%, nhiều khả năng để Keppel Land có thể tiếp tục gia tăng sở hữu.
Thông tư 07 hỗ trợ các dự án bất động sản
Trên tinh thần của luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Thông tư 07 quy định liên quan đến việc bảo lãnh ngân hàng đối với bất động sản hình thành trong tương lai vừa được NHNN ban hành trong tháng Bảy (hiệu lực từ ngày 09/08/2015).
Theo hợp đồng bảo lãnh, các ngân hàng cam kết hoàn tiền cho bên mua khi chủ đầu tư không thể bàn giao BĐS theo tiến độ đã cam kết. Thông tư 07 ra đời như một hỗ trợ về pháp lý cho thị trường BĐS. Việc các ngân hàng bảo lãnh dự án có thanh khoản kém không hẳn là xấu, ngược lại còn làm tăng khả năng kinh doanh của dự án và tạo điều kiện trong việc thu hồi được các khoản nợ cũ.
Thời gian gần đây, có nhiều hợp đồng bảo lãnh được ký kết giữa chủ đầu tư bất động và ngân hàng, đơn cử như việc Techcombank bảo lãnh cho The Masteri Thảo Điền, OCB, ACB, HDBank bảo lãnh các dự án của Sacomreal, hay hợp đồng hợp tác bảo lãnh giữa Eximbank với KDH, VPBank với Novaland, hợp đồng giữa DongA Bank với PDR để bảo lãnh và tài trợ vốn cho người mua nhà tại The EverRich 2 và 3.
Cổ phiếu bất động sản hưởng lợi?
Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), về dài hạn, làn sóng M&A và khuôn khổ pháp lý mới sẽ giúp thị trường nhà đất Việt Nam phát triển lành mạnh và minh bạch hơn đồng thời cải thiện hiệu quả của các doanh nghiệp bất động sản trước nay chủ yếu kinh doanh nhờ quan hệ và quỹ đất giá rẻ nhưng thiếu tầm nhìn dài hạn.
Theo đó, bên cạnh yếu tố kết quả kinh doanh, VDSC kỳ vọng các yếu tố này có thể sẽ tiếp tục tao sự hứng khởi cho nhóm cổ phiếu bất động sản trong 6 tháng cuối năm.
DiaOcOnline.vn - Theo BizLIVE
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: