Top

Quy định chặt để tránh tác động xấu

Cập nhật 03/06/2009 11:05

Ngày 2-6, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và sửa đổi, bổ sung Điều 121 của Luật Đất đai, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình về việc mở rộng đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam. Tuy nhiên, một số ĐBQH lo lắng nếu không quản lý tốt, quy định này sẽ gây tác động đến tình hình chính trị – xã hội và thị trường bất động sản.

Nguồn tiền hợp pháp mới được mua nhà

Hiện nay có khoảng 3 triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Trong đó có rất nhiều người muốn mua nhà ở Việt Nam như người về đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, người có công đóng góp cho đất nước, nhà văn hóa, nhà khoa học… Đây là nhóm đối tượng thuộc diện được ưu tiên, khuyến khích về đầu tư, đóng góp cho quê hương. Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét kỹ lưỡng những người được phép mua nhà ngoài nhóm đối tượng trên. Đó là ý kiến của ĐB Nguyễn Hồng Nhị (Nghệ An).

ĐB này cho rằng, cần quy định rõ người Việt Nam ở nước ngoài phải đủ 18 tuổi, có quốc tịch Việt Nam thì mới được sở hữu 1 nhà ở. Điều này sẽ tránh được trường hợp những người có quốc tịch Việt Nam nhưng lại mang theo con, cháu mang quốc tịch nước ngoài trở về nước mua nhà để đầu cơ BĐS.

Còn ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) kiến nghị, đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài muốn mua nhà phải được xác nhận cư trú tại Việt Nam từ 3 - 6 tháng, mua nhà vì mục đích gì, nguồn tiền mua nhà có hợp pháp không, tránh trường hợp “rửa tiền”, dùng đồng tiền không hợp pháp để mua nhà.

Cụ thể hơn, ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đề xuất, trước khi Việt kiều muốn mua nhà ở Việt Nam thì các bộ, ngành về đất đai ở Việt Nam phải xác minh rõ tài sản cũng như nguồn tiền mà Việt kiều mua nhà. Việt kiều được chứng thực có tài sản chính đáng thì mới được mua nhà.

Theo dự thảo luật, sẽ bổ sung thêm ba nhóm đối tượng Việt kiều được mua nhà so với quy định hiện hành, đó là: “người có quốc tịch Việt Nam”, “người gốc Việt Nam có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt” và “người gốc Việt Nam có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam đang sinh sống ở trong nước”.

Tuy nhiên, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) lo lắng: “Như vậy có mở rộng quá không, khi mà chính sách pháp luật của ta còn chưa đồng bộ, trình độ quản lý còn bất cập. Mặt khác, chúng ta cũng chưa lường hết được những tác động xấu về mặt xã hội của chính sách này”.

Chia sẻ những băn khoăn này, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) trấn an: “Chúng ta đã giới hạn là mua nhà để ở cho bản thân và gia đình, loại hoàn toàn kinh doanh. Vì thế, sẽ không có chuyện lợi dụng để rửa tiền hay đầu cơ trục lợi ở đây”. Hơn nữa, luật này ra đời có thể hợp thức hóa rất nhiều trường hợp mua nhà không hợp pháp.

Băn khoăn quyền sử dụng đất của Việt kiều

Liên quan đến quyền của Việt kiều được phép mua nhà, ĐB Trần Du Lịch đề nghị: “Họ mua nhà ở hợp pháp, mà không được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất là quá vô lý. Cần phải bổ sung thêm quyền này cho Việt kiều”.

Còn ĐB Ngô Đức Mạnh (Bình Phước) cho rằng, cần phải cân nhắc thêm về quy định Việt kiều được sở hữu nhà ở, nhưng không có quyền góp vốn để đầu tư phát triển kinh doanh: “Một khi người ta có quyền, có sở hữu nhà ở thì người ta có quyền định đoạt tài sản của mình, vấn đề là sử dụng cho đúng mục đích ban đầu, tức là đầu tư để làm ăn sinh sống, để đóng góp cho đất nước, không phải là mục đích khác”.

Ở góc độ khác, ĐB Trần Thế Vượng (Hải Dương) đề nghị có sự phân biệt cho từng đối tượng cụ thể đối với “quyền thế chấp nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam”.

Theo ông Vượng, ví dụ nhà khoa học 1 năm vào Việt Nam giảng dạy một vài ngày rồi lại về, tháng sau, quý sau lại vào giảng dạy một vài giờ thì căn cứ gì để họ đi thế chấp nhà mà họ được mua ở Việt Nam? Nhưng vấn đề này đặt ra đối với người về đầu tư trực tiếp ở Việt Nam là cần thiết.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng