Top

TP.HCM đề xuất sáp nhập 3 quận để thành lập TP phía đông

Cập nhật 02/04/2020 09:20

Để hình thành thành phố phía đông, UBND TP.HCM vừa có văn bản xin ý kiến của Bộ Xây dựng về việc sáp nhập ba quận 2, 9, Thủ Đức.

Một góc quận 2, TP.HCM nhìn từ trên cao. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nhằm hình thành và phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông, TP đã xây dựng đề án TP phía đông (thuộc TP.HCM) trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Tuy nhiên, việc sáp nhập cùng lúc ba quận 2, 9 và Thủ Đức để thành lập TP thuộc TP là chưa có tiền lệ. Nếu thực hiện được TP phía đông, TP.HCM sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước có mô hình TP thuộc TP trực thuộc trung ương.

Về vấn đề này, TP đã xin ý kiến và nhận được phúc đáp của Bộ Nội vụ, trong đó bộ đề nghị TP xin ý kiến Bộ Xây dựng nội dung liên quan đến hồ sơ, đề án phân loại và chương trình phát triển đô thị. Trên cơ sở đó, TP đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, có ý kiến về thành phần hồ sơ, đề án phân loại và chương trình phát triển đô thị đối với trường hợp TP.HCM sáp nhập ba quận để thành lập TP trực thuộc TP.

TP cũng kiến nghị Bộ Xây dựng chấp thuận việc TP phía đông dự kiến được thành lập sẽ không xem xét điều kiện về sự phù hợp với định hướng quy hoạch, chương trình phát triển đô thị và tiêu chuẩn về đơn vị hành chính trực thuộc đối với đơn vị hành chính dự kiến hình thành sau khi sắp xếp. Điều này tương tự như một số trường hợp đặc biệt khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã…

Vừa qua, Sở Nội vụ TP.HCM cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn quy trình thực hiện hồ sơ thành lập TP phía đông theo chủ trương của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM.

Theo dự kiến, sau khi được thành lập, TP phía đông của TP.HCM sẽ có quy mô hơn 1,1 triệu dân, được bố trí trên tổng diện tích tự nhiên hơn 211 km2. Theo tiêu chuẩn quy định, quy mô dân số của TP phía đông sẽ đạt hơn 779,98% và diện tích tự nhiên cũng đạt hơn 141%.

Trước đó, theo ý tưởng đạt giải nhất cuộc thi tìm kiếm ý tưởng quy hoạch khu đô thị sáng tạo phía đông TP, khu này sẽ có sáu chức năng.

Đó là việc xây dựng Thủ Thiêm trở thành trung tâm công nghệ - tài chính quốc tế; hình thành trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; phát triển trung tâm công nghệ cao Sài Gòn; hình thành trung tâm công nghệ giáo dục ĐH Quốc gia TP.HCM; hình thành trung tâm công nghệ sinh thái Tam Đa; xây dựng khu đô thị tương lai Trường Thọ (biến khu cảng hiện hữu thành một khu đô thị mới).

Để triển khai ý tưởng này, Công ty Sasaki (đơn vị đạt giải nhất) đề xuất thành lập cơ quan quản lý phát triển đô thị sáng tạo dưới mô hình công ty chịu trách nhiệm phát triển dự án. Ngoài ra, ba quận trong khu vực (quận 2, 9 và Thủ Đức) cần được tổ chức thống nhất thành một cơ quan hành chính duy nhất, theo mô hình chính quyền đô thị để điều phối phát triển.

Thủ Thiêm là trung tâm thương mại, tài chính mới

Quận 2 có diện tích khoảng 50 km2, là quận mới được đô thị hóa, nơi có khu đô thị mới Thủ Thiêm trong tương lai gần được xem là trung tâm thương mại, tài chính mới của TP.HCM.

Quận 9 có diện tích khoảng 114 km2, nằm về phía đông TP, cách trung tâm TP khoảng 7 km theo đường xa lộ Hà Nội, phía đông giáp huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai, phía tây giáp quận Thủ Đức, phía nam giáp quận 2 và sông Đồng Nai, phía bắc giáp TP Biên Hòa, Đồng Nai.

Quận Thủ Đức có diện tích gần 48 km2, trên địa bàn quận có ga Bình Triệu, làng ĐH Thủ Đức, làng thiếu niên Thủ Đức, Khu chế xuất Linh Trung 1 và 2, ĐH Quốc gia TP.HCM, nhiều cảng sông, cảng đường bộ... Một phần phía tây nam quận Thủ Đức được bao bọc bởi sông Sài Gòn.
 

DiaOcOnline.vn – Theo PLO