Top

TP.HCM đánh giá tiến độ nhiều dự án bất động sản

Cập nhật 30/03/2020 09:30

UBND TP.HCM vừa giao các quận huyện làm việc với chủ đầu tư của nhiều dự án bất động sản để tiến hành rà soát, đánh giá tiến độ thực hiện.

Nhiều dự án bất động sản đang dừng triển khai do dính đất nông nghiệp, đất kênh rạch

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan vừa chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các quận, huyện báo cáo về tình hình thực hiện cũng như xử lý các dự án nằm trong kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2015 - 2019.

Trong số 2.326 dự án trên địa bàn TP.HCM thì có 608 dự án (tổng diện tích 1.094,49ha) đã thực hiện theo kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2015 - 2019 và 1.718 dự án (12.389,58ha) đang thực hiện. Ngoài ra, có 180 dự án (1.094,69ha) không tiếp tục thực hiện theo kế hoạch sử dụng đất.

Đối với 1.718 dự án đang thực hiện theo kế hoạch sử dụng đất, UBND TP.HCM giao các quận, huyện làm việc với chủ đầu tư để rà soát, đánh giá tiến độ triển khai dự án.

Những thông tin phải rà soát gồm kết quả, thủ tục chưa thực hiện, việc lập và phê duyệt dự án đầu tư, tiến độ thu hồi đất, tình hình bồi thường giải phóng mặt bằng và các thủ tục liên quan.

Trên cơ sở này, các quận, huyện báo cáo đánh giá tình hình thực hiện, đề xuất gia hạn hoặc không gia hạn triển khai dự án cũng như các căn cứ pháp lý đề xuất. Sau đó gửi về Sở TN&MT để phối hợp với các sở ngành tham mưu, trình UBND TP.HCM giải quyết trước ngày 30/4/2020.

Còn với 608 dự án đã thực hiện theo kế hoạch sử dụng đất, các địa phương phải theo dõi, kiểm tra tổ chức sử dụng đất đúng mục đích, đảm bảo hiệu quả, chống lãng phí sử dụng đất và đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện có 63 dự án nhà ở thương mại có nguồn gốc đất do đền bù đất nông nghiệp hoặc đất chuyên dùng. Các dự án đã được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư.

Thế nhưng, do vướng mắc quy định pháp luật nên 45 dự án hết hiệu lực thi hành văn bản công nhận chủ đầu tư, chỉ có 1 dự án được cấp GCNQSDĐ đất ở, 1 dự án thực hiện nghĩa vụ tài chính, 3 dự án có quyết định thu hồi đất, giao đất…

Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã gửi UBND TP.HCM một bản kiến nghị, đề xuất dày 30 trang giải quyết các vướng mắc liên quan đến quy trình triển khai một dự án bất động sản, quy trình xác định tiền sử dụng đất, xử lý phần đất công (đường giao thông, mương, kênh rạch...) trong dự án tư nhân.

Những nhóm vấn đề vướng mắc này hiện đang làm cho các doanh nghiệp bất động sản gặp rất nhiều khó khăn, bế tắc.

Trong đó, Hiệp hội đề nghị TP.HCM cho phép giao phần đất rạch, bờ đất, đường do Nhà nước quản lý có hình dạng bất định hình (không thể xác định chỉ tiêu quy hoạch thành một dự án độc lập), nằm xen cài rải rác trong dự án nhà ở cho chủ đầu tư mà không phải thực hiện đấu giá.

Giá trị phần đất này được xác định theo "giá đất cụ thể" phù hợp giá thị trường theo quy định của pháp luật đất đai, khi tính tiền sử dụng đất dự án để nộp ngân sách nhà nước, như cách làm hiện nay.

TP.HCM cũng có thể thực hiện chuyển đổi quyền sử dụng đất rạch, bờ đất, đường thuộc Nhà nước quản lý theo cơ chế "chuyển đổi quyền sử dụng đất" và "dồn điền đổi thửa". Cơ chế chuyển đổi được áp dụng là đổi ngang "đất thô", các thửa đất (cũ) thuộc Nhà nước quản lý nằm rải rác trong khu vực đất dự kiến đầu tư, được dồn lại thành một thửa đất (mới) ở ranh khu vực đất để Nhà nước sử dụng hoặc bán đấu giá.

Sau khi "dồn điền đổi thửa", doanh nghiệp sẽ chỉ lập dự án nhà ở thương mại trên phần đất còn lại. Nếu tổ chức đấu giá thì doanh nghiệp đã có quỹ đất liền kề sẽ tham gia và chấp nhận cả mức giá cao nhất để sau đó hợp thửa vào dự án.

Đối với trường hợp diện tích các phần đất rạch, bờ đất, đường nằm trong dự án nhà ở, do Nhà nước quản lý, có hình dạng xác định, Hiệp hội kiến nghị thực hiện đấu giá đất hoặc đấu thầu dự án để lựa chọn chủ đầu tư.

DiaOcOnline.vn – Theo DĐDN