Top

Xem xét gỡ khó dự án Khu phức hợp Quan sát Thủ Thiêm

Cập nhật 01/04/2020 10:22

Hôm nay 1-4, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chủ trì làm việc với Tổ công tác về đầu tư trên địa bàn TP, trong đó có việc xem xét các kiến nghị của chủ đầu tư dự án Khu phức hợp Quan sát Thủ Thiêm.

Dự án Khu phức hợp Quan sát Thủ Thiêm

Dự án Khu phức hợp Quan sát Thủ Thiêm do Công ty TNHH Liên doanh Thành Phố Đế Vương làm chủ đầu tư (do các nhà đầu tư: CTCP BĐS Tiến Phước, Công ty TNHH BĐS Trần Thái, Corredance Pte. LTD (Singapore) và Denver Power LTD (Brish Virgin Islands góp vốn). Dự án có quy mô 14,56ha thuộc chức năng số 2 (2b) nằm phía Nam khu lõi Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dự án có mục đích là kinh doanh BĐS, xây dựng thiết kế một khu phức hợp bao gồm căn hộ, trung tâm thương mại, khách sạn…. theo quy hoạch của Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo kế hoạch, toàn bộ dự án sẽ được xây dựng và đưa vào hoạt động trong giai đoạn từ năm 2016-2022. Về điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư liên quan đến việc tăng vốn góp thực hiện dự án, ngày 16-7-2018, Sở KH-ĐT nhận đề nghị của chủ đầu tư tăng vốn góp từ 76 triệu USD (tương đương 1.649 tỷ đồng) lên 240 triệu USD ( tương đương 5.422 tỷ đồng). Tổng mức đầu tư của dự án 26.040 tỷ, (tương đương 1,2 tỷ USD), trong đó tổng vốn góp để thực hiện dự án 5.422 tỷ đồng (theo tỷ lệ Trần Thái 15%, Tiến Phước 15%, Denver Power LTD 30%, Corredance Pte 40%). Cho đến nay các nhà đầu tư đã hoàn tất việc góp vốn theo tỷ lệ và vốn đăng ký.

Theo quy định, trong giai đoạn 1 (2016-2018) nhà đầu tư phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính thanh toán tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thi công hạ tầng kỹ thuật toàn bộ khu đất; giai đoạn 2 (2017-2019) thi công các công trình trên một số lô đất, giai đoạn 3 (2019-2021) thi công khối tháp 86 tầng, giai đoạn 4 ( 2019-2022) thi công một số công trình còn lại.

Sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính, mới đây chủ đầu tư kiến nghị các sở ngành và UBND TP đề nghị được thực hiện giai đoạn 2 của dự án trong đó có Sở Xây dựng. Ngày 22-1-2020 Sở Xây dựng có công văn số 1091 nêu "Sau khi Sở TN-MT cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng lô đất cụ thể và bàn giao khu đất thực hiện dự án cho công ty, đảm bảo pháp lý về sử dụng đất…". Tuy nhiên phía chủ đầu tư cho rằng "Theo điều 2, Quyết định 4629ngày 5-9-2016 về giao đất cho công ty thực hiện dự án, UBND TP yêu cầu công ty có trách nhiệm hoàn thành thủ tục chấp nhận đầu tư trước khi xin giấy cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các lô đất thuộc Khu tháp quan sát…

Theo chủ đầu tư, 3 năm sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính với TP nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó công ty kiến nghị TP thực hiện phương án 3 theo đề xuất của Sở TN-MT về việc cấp giấy chứng nhận. Trường hợp công ty có nhu cầu và vẫn kiến nghị cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất đối với lô 2-13 và 2-18 để thực hiện triển khai dự án theo kế hoạch, cho phép cấp giấy chứng nhận cho công ty và giao Sở Xây dựng khẩn trương thẩm định, trình UBND TP Quyết định chấp thuận đầu tư dự án nhà ở.

Hiện tại công ty đã hoàn thành xây dựng phần thô cụm công trình nhà ở chung cư, phức hợp 30 tầng và đang hoàn thiện. Công ty dự kiến hành thành và bàn giao căn hộ cho khách vào Quý I-2021. Việc chưa có thông báo đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai khiến công ty chưa chưa thể ký hợp đồng mua bán nhà với khách hàng.

Trước đó, các thành viên của Tổ Công tác về đầu tư trên địa bàn TP đã thống nhất phương án kêu gọi đầu tư theo hình thức đấu thầu dự án Khu phức hợp Đầm Sen (phường 3, quận 11) sau khi Văn bản của UBND TP công nhận chủ đầu tư cho CTCP Quốc tế C&T hết hiệu lực. Trước đó UBND quận 11 có văn bản kiến nghị các sở ngành xem xét, báo cáo UBND TP có phương án bố trí nguồn vốn ngân sách TP để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thu hồi đất sạch, sau đó tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án theo quy hoạch đã được duyệt.

Ngoài ra, UBND phường 3 cũng báo cáo hiện nay cơ sở hạ tầng khu vực dự án xuống cấp, các hộ dân khu vực này đều có nguyện vọng TP xóa quy hoạch để người dân được phép xây dựng nhà cửa, nên việc lấy ý kiến đồng thuận của người dân khi điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch để kêu gọi thu hút đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa việc đều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/2000 sẽ mất nhiều thời gian dẫn đến dự án tiếp tục bị kéo dài.

Tuy nhiên qua thảo luận lấy ý kiến từ các sở ngành, đã thống nhất đề xuất vẫn giữ nguyên các chỉ tiêu quy hoạch đã có để tiếp tục kêu gọi đầu tư theo hình thức đấu thầu dự án, không sử dụng vốn ngân sách. Nhà đầu tư trúng thầu có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác bồi thường, tạm cư, tái định cư tại chỗ cho các hộ dân bị ảnh hưởng không sử dụng ngân sách nhà nước.

Được biết chỉ tiêu quy hoạch toàn bộ khu đất có quy mô 54.568,3m2, trong đó đất ở - dịch vụ 34.405m2, bao gồm chung cư 23.566m2, khách sạn 5.554m2, văn phòng 5.285m2, đất công trình công cộng 10.000m2… Dự án được Sở Xây dựng mời gọi đầu tư theo Nghị định 71 của Chính phủ, đến ngày 9-8-2014 được UBND TPHCM công nhận chủ đầu tư cho CTCP Quốc tế C&T và được gia hạn tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng đến ngày 9-8-2018.

Tuy nhiên công tác đền bù giải tỏa gặp nhiều khó khăn, không đảm bảo tiến độ về phía chủ đầu tư cũng đã kiến nghị thay đổi chỉ tiêu quy hoạch như chuyển chức năng khách sạn thành đất ở, chỉ giao 3000m2 thay vì 10.000m2 cho Nhà nước để thực hiện các công trình công cộng, phần diện tích đất 7000m2 còn lại chuyển sang đất ở thương mại để kinh doanh…

DiaOcOnline.vn – Theo SGGP