Top

TP.HCM: Đẩy dân ra khỏi khu tái định cư của Chính phủ

Cập nhật 11/09/2007 11:00

Sau gần 6 năm “án binh bất động”, ngày 4/1/2002, UBND TP.HCM ra Công văn số 70 do ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND TP.HCM ký, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất của Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo Quyết định số 367 ngày 4/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ là 930 ha; trong đó dành cho Khu đô thị mới là 770 ha, khu tái định cư là 160 ha, giao UBND TP.HCM quản lý để có cơ sở pháp lý tiến hành đền bù giải toả, GPMB và triển khai thực hiện đầu tư, xây dựng theo quy hoạch.

Theo Công văn này, trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư khu ĐTMTT đã có nhiều tổ chức và cá nhân trực tiếp hoặc môi giới thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất, san lấp mặt bằng, xây dựng mua bán, chuyển nhượng nhà, đất bất hợp pháp. Những hành vi phạm pháp này ngày càng diễn biến khá phức tạp, tạo nên việc tăng giá đất giả tạo nhất là khi triển khai dự án đại lộ Đông Tây và hầm Thủ Thiêm, làm thiệt hại lợi ích của nhân dân sinh sống lâu đời trên địa bàn. ..

UBND TP.HCM cam kết sẽ chiu trách nhiệm về chính sách đền bù, giải tỏa, tái định cư theo Nghị định 22 và thực hiện tái định cư cho dân theo đúng chủ trương đã được phê duyệt của Chính phủ tại Quyết định số 367. Có lẽ xét thấy các điều kiện để có thể ra Quyết định thu hồi đất chưa được thành phố chuẩn bị đầy đủ theo quy định nên ngày 22/2/2002, Chính phủ không ra quyết định thu hồi đất như UBND TP.HCM đề xuất. Thay vào đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn chỉ ký một Công văn hỏa tốc số 190 cho phép UBND TP.HCM căn cứ Quyết định 367 ngày 4/6/1996 của Chính phủ để thu hồi 930 ha đất, bao gồm 770 ha đất xây dựng khu ĐTMTT và 160 ha đất để xây dựng khu tái định cư.

Đặc biệt, Công văn nhấn mạnh và chỉ rõ 160 đất tái định cư của dân phải nằm trong 5 phường là An Khánh, Bình An, Bình Khánh, An Lợi Đông và Thủ Thiêm. Ban quản lý đầu tư xây dựng khu ĐTMTT sớm tổ chức việc bồi thường, GPMB, xây dựng khu tái định cư cho dân; đồng thời phải quản lý chặt chẽ khu đất 160 ha chống lấn chiếm, mua bán trái pháp luật đang diễn ra tại đây.

Sau khi có được Công văn 190 ngày 22/2/2002 của Chính phủ, TP.HCM không hiểu vô tình hay cố ý đã “quên” ngay những điều vừa cam kết trong Công văn 70 ngày 4/1/2002.

Ngày 23/3/2002, UBND TP.HCM ra Thông báo số 77 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM “giao Kiến trúc sư trưởng thành phố, Giám đốc Sở Địa chính- Nhà đất có trách nhiệm cắm mốc giao đầy đủ 770 ha đất của khu trung tâm, theo giải pháp bổ sung diện tích khu tái định cư Bình Khánh vào khu trung tâm ĐTMTT; đồng thời rà soát lại trên địa bàn quận 2 đề xuất phạm vi giao đủ 160 ha đất để xây dựng các khu tái định cư thuộc khu ĐTMTT…”. Cùng ngày, một thông báo khác có đóng dấu “hỏa tốc” số 78 cũng được ban hành tiếp tục truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBNDTP.HCM: “Xác định diện tích đất dành cho khu tái định cư phục vụ đền bù giải tỏa cho khu ĐTMTT phải đảm bảo 160 ha theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, không nhất thiết một địa điểm, có thể bố trí từ 3 đến 4 địa điểm trên địa bàn quận 2”.

Xem xét Tờ trình1861 ngày 27/5/1996 của UBND TP.HCM xin phê duyệt quy hoạch khu ĐTMTT và Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ thì phần diện tích đất của khu trung tâm ĐTMTT chỉ có 640 ha. Vậy, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM trong hai Thông báo trên muốn có đủ 770 ha đất cho trung tâm thì phải cắt ít nhất 130 ha đất của khu tái định cư dành cho dân tại phường Bình Khánh, nơi giáp ranh với khu trung tâm để đền bù nào.

Như vậy, dân trong vùng quy hoạch sẽ bị đẩy ra khỏi khu vực tái định cư được Chính phủ phê duyệt là “giáp ranh, liền kề với khu trung tâm” và phải “rớt” ra ngoài khu quy hoạch ĐTMTT. Cụ thể sau này, UBND TP.HCM tìm kiếm được tất cả là 6 khu tái định cư “không liền kề” với khu ĐTMTT nằm loanh quanh ở các vùng sâu, vùng xa của quận 2, có khu giáp ranh với tỉnh Đồng Nai chưa có hạ tầng, chưa có đường đi lối lại. Hầu hết các khu tái định cư không liền kề theo tinh thần Thông báo số 77 và 78 của UBND TP.HCM hiện nay vẫn còn đang là bãi đất hoang và đất trống, thậm chí có nơi còn chưa san ủi mặt bằng.

Theo BTN & MT