Top

Thủ tục nhà, đất: dân bị hành... nhiều tập

Cập nhật 11/09/2007 08:00

Bài 2: Nhọc nhằn bởi cái... bản vẽ

Bản vẽ là một trong những thủ tục buộc phải có trong bộ hồ sơ cấp giấy tờ nhà đất. Đây cũng là một trong những "cửa ải" mà ai muốn qua cũng đều hết sức trầy trật.


Lãnh đạo một quận ở TP.HCM cho rằng theo nghị định 90 (hướng dẫn Luật nhà ở), các đơn vị có tư cách pháp nhân đều được phép đo vẽ nhà đất, kể cả cơ quan nhà nước. Nhưng TP chỉ cho phép các công ty bên ngoài đo vẽ, vì sợ nảy sinh tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi". Trong khi đó, hầu hết các công ty đo vẽ không nắm thông tin qui hoạch nên buộc các quận huyện phải kiểm tra, dẫn đến thời gian thụ lý hồ sơ kéo dài. Chưa biết ý kiến này đúng sai thế nào, chỉ thấy người dân đang khổ sở vì bị "hành" đủ kiểu xung quanh cái... bản vẽ.

Kiểm tra bản vẽ: 5 tháng


Những ngày gần đây, anh M.H. - một người dân ở đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 4, quận 3 - như đang ngồi trên lửa vì không biết làm thế nào để có được giấy chủ quyền hồng. Anh H. cho biết nhà anh đã có giấy tờ hợp lệ (giấy trắng), nhưng cuối năm nay sẽ hết hạn giao dịch nên phải đổi sang giấy hồng mới. Trước khi nộp hồ sơ, anh đã đến UBND quận 3 nhờ hướng dẫn thủ tục. Cán bộ tại đây yêu cầu anh phải vẽ nhà đất nộp để kiểm tra nội nghiệp trước. Sau khi kiểm tra xong sẽ kèm bản vẽ này vào hồ sơ xin cấp chủ quyền và nộp tại quận. Thời gian cấp giấy trong vòng 30 ngày.

Anh H. an tâm về thuê Công ty S đo vẽ nhà đất. Bản vẽ nộp cho quận giữa tháng ba năm nay nhưng đến tháng tám (tức năm tháng sau) vẫn chưa thấy kiểm tra xong. Nóng lòng, anh H. trực tiếp đến quận tìm hiểu và gặp được cán bộ phụ trách kiểm tra nội nghiệp. Sau một hồi lục lọi tìm hồ sơ, cán bộ này thông báo: quận có nhận hồ sơ nhưng chưa kiểm tra xong.

Cán bộ này cũng giải thích thêm: do quá nhiều hồ sơ trong khi người làm không đủ nên phải chờ đợi lâu. Anh H. tìm đến các công ty đo vẽ khác với hi vọng có "mối quan hệ" thì hồ sơ sẽ được kiểm tra nhanh hơn nhưng đều nhận được cái lắc đầu từ chối. Lý do: quận 3 kiểm tra bản vẽ rất lâu nên không dám nhận vẽ.

Phó chủ tịch một quận cho biết thời gian thụ lý hồ sơ cấp giấy hồng là 30 ngày nhưng việc kiểm tra nội nghiệp bản vẽ chiếm hết phân nửa thời gian. Trưởng phòng quản lý đô thị một quận khác cho hay trước đây chỉ có một phòng quản lý đô thị nên việc kiểm tra bản vẽ do một bộ phận thực hiện. Từ khi tách phòng trở thành hai bộ phận riêng biệt: cùng một bản vẽ nhưng "anh" quản lý nhà (phòng quản lý đô thị) kiểm tra phần nhà, còn "anh" quản lý đất kiểm tra phần đất. Do hồ sơ phải luân chuyển giữa hai bộ phận này cũng góp phần làm thời gian thụ lý hồ sơ cũng dài ra.

Vẽ đi vẽ lại vì... 10cm!

Cách nay hai năm, anh V.M. ở đường số 15, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức cùng nhiều hộ dân khác trong khu vực được UBND phường thông báo đo vẽ nhà đất để cấp chủ quyền theo kế hoạch. Anh V.M. đóng hơn 300.000 đồng để được nhận bản vẽ và chờ đợi nhưng không thấy UBND phường kêu nộp hồ sơ.

Gần đây, anh mang hồ sơ lên UBND quận Thủ Đức xin cấp giấy hồng thì được yêu cầu phải đo vẽ lại, dù hiện trạng nhà đất của anh không thay đổi. Giải thích điều này, cán bộ cho biết bản vẽ trước đây là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy đỏ) và nay cấp giấy hồng theo qui định khác nên không còn phù hợp. Bấm bụng, anh V.M. phải tốn thêm 780.000 đồng nữa để thuê công ty khác đo vẽ nhà đất lại.

Anh Đỗ Văn Hậu - nhà ở đường Bành Văn Trân, phường 7, quận Tân Bình - kể căn nhà của anh mua lại từ một người trước đó đã có giấy tờ hợp lệ, sau này anh cơi nới, xây dựng thêm mà không xin phép. Theo qui định, nhà xây dựng không phép, sai phép trước ngày 1-7-2004 phù hợp qui hoạch thì được phép tồn tại.

Do có nhu cầu thế chấp căn nhà nên anh làm thủ tục hợp thức hóa. Trước khi làm thủ tục anh hỏi thăm các văn phòng luật sư và được ra giá 5-12 triệu đồng/hồ sơ, thời gian giải quyết trong vòng một tháng. Nghĩ qui định cấp chủ quyền khá dễ, thời gian rút ngắn hơn trước đây nên quyết định tự đi làm thủ tục. Không ngờ đó là một hành trình dài và phải qua nhiều "cửa ải".

Anh Hậu nói điều bức xúc nhất trong hành trình cấp chủ quyền vẫn là khâu bản vẽ. Để chắc ăn, anh đã nhờ một cán bộ đội quản lý trật tự đô thị quận giới thiệu đo vẽ nhà với giá 2 triệu đồng. Nhưng khi kiểm tra, một cán bộ khác của phòng quản lý đô thị quận yêu cầu phải sửa lại vì phòng thờ ở sân thượng sai...10cm (thực tế là 3,3m trong khi bản vẽ thể hiện là 3,4m). Chờ đợi hơn 10 ngày mới sửa xong, anh lấy bản vẽ nộp lại phòng quản lý đô thị. Thế nhưng khi nộp lại thì cán bộ này vẫn không đồng ý và yêu cầu sửa lại... 3,4m!

Anh Hậu thống kê để có giấy hồng, anh phải mất gần một năm trời (từ tháng 4-2006 đến tháng 3-2007) với tổng cộng 24 lần đi lại các cơ quan chức năng, trong đó có UBND phường, đội quản lý trật tự đô thị và phòng quản lý đô thị quận... Mỗi cơ quan anh đều bị "hành" với lý do khác nhau. Khi thì bổ sung bản vẽ phân lô nền, khi thì bổ túc bản vẽ hiện trạng, lúc thì yêu cầu tường trình nguồn gốc nhà đất sử dụng (dù tất cả giấy tờ nhà đất đã thể hiện điều này)... Đáng nói tại một số cơ quan, ngay lúc đầu nộp hồ sơ anh không được yêu cầu phải bổ sung hoặc cán bộ trả lời hồ sơ đã đầy đủ, khi đến hẹn thì lại bị yêu cầu phải bổ sung.

Trên chỉ đạo, dưới không nghe

Tại TP.HCM có hàng ngàn hộ dân có nhà xây dựng trái phép, sai phép trước ngày 1-7-2004 đã có đo vẽ để xin tồn tại công trình, nên UBND TP chỉ đạo các quận huyện phải cho người dân sử dụng lại bản vẽ trước đây khi xin cấp giấy chủ quyền.

Tuy nhiên, nhiều người cho biết đã bị làm khó dễ khi nộp bản vẽ cũ vì cán bộ tiếp nhận hồ sơ có thể chỉ ra hàng chục điểm không phù hợp, phải chỉnh sửa bản vẽ. Chị Nguyễn Thanh Huyền, ngụ phường 13, quận Tân Bình, bức xúc: "Năm 2006, tôi thuê đo vẽ mất hơn 3 triệu đồng để xin tồn tại công trình. Thế nhưng khi nộp hồ sơ, cán bộ tiếp nói điểm này không phù hợp, điểm khác của bản vẽ cần bổ sung. Tôi đành phải thuê đo vẽ lại mất hơn 2 triệu đồng thì mới được tiếp nhận hồ sơ”. Chi Mai


>> Bài 1: Quá tải + thủ tục rườm rà = thất hẹn


Theo Phúc Huy - Tuổi Trẻ