Trong cuộc giám sát mới đây của Quốc hội tại TP. HCM về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi, nhiều ý kiến cho rằng việc tính giá đền bù sát giá thị trường theo quy định của Chính phủ không riêng chỉ ở TP. HCM mà ở ở nhiều địa phương khác hiện đang rất khó khăn và lúng túng.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Nguyễn Hữu Tín cho biết, TP. HCM đã rất chủ động và cố gắng hỗ trợ cho người bị thu hồi đất, tránh để người dân chịu thiệt. Có nơi mức hỗ trợ là 200.000 đồng/m2 đất nông nghiệp, trong khi quy định chỉ đến mức 150.000 đồng/m2 là tối đa. Bà Trần Thị Ánh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP. HCM còn cho biết thêm: Sở đang chuẩn bị trình UBND TP. HCM giá đền bù mới áp dụng cho một số tuyến đường thuộc khu vực trung tâm quận 1 theo mức sát giá thị trường. Ví dụ như đất ở khu vực đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa có thể đền với mức giá 125 triệu đồng/m2, nếu được chấp thuận thì đây có thể coi là mức giá đền bù cao nhất ở TP. HCM từ trước đến nay, bởi hiện tại mức đền cao nhất là 81 triệu đồng/m2 cho khu vực đường Lê Lợi. Cũng theo bà Nguyệt, việc quy định cho phép đền bù theo giá thị trường và đặt vấn đề hồi tố đối với những trường hợp chưa nhận đền bù hoặc các dự án dở dang (hiện TP. HCM có khoảng 150 dự án) đã gây ra sự so bì đối với những trường hợp trước đây đã chấp hành chủ trương của Nhà nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng việc TP. HCM chủ động vận dụng các cơ chế chính sách của Nhà nước để có những chính sách riêng phù hợp với thực tế địa phương là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, tại sao người dân vẫn chưa hài lòng? Sau khi giám sát một số địa điểm tại TP. HCM, ông Kiên nêu một ví dụ: Tại huyện Bình Chánh có 2 dự án liền kề nhau nhưng dự án do doanh nghiệp tư nhân đền bù cho dân giá cao gấp đôi so với dự án của Nhà nước nên dân đã so bì. Vì vậy, ông Kiên lưu ý TP. HCM cần phải nghiên cứu kỹ khi ban hành các chính sách đặc thù, chú ý tới mối tương quan với các vùng lân cận và sự phát triển chung của cả khu vực, tránh để tình trạng "được mình nhưng khó người".
Trước một số ý kiến cho rằng việc đền bù sát giá thị trường còn là một khái niệm khá mơ hồ, ông Nguyễn Đức Kiên phân tích: Giá thị trường ở đây là trong điều kiện bình thường: Không phát triển thêm không gian đô thị, không xuất hiện nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh. Trong điều kiện này, giá đất nông nghiệp ven đô thậm chí chỉ là mấy chục ngàn đồng/m2 cũng không ai hỏi mua. Nhưng từ sức ép của làn sóng đô thị hóa, công nghiệp hóa, người dân tự thấy khu vực đất của họ sẽ rơi vào làn sóng đó, họ biết thế nào Nhà nước và doanh nghiệp cũng lấy đất của mình nên họ cứ mặc cả giá đất sẽ lấy với đất đã có cơ sở hạ tầng, từ đó hình thành giá ảo. Mặt khác, một số nhà đầu tư nhìn thấy trước xu thế nhu cầu về đất đai tăng mạnh, nên khi có cơ hội thì đôn giá đất lên. Hoặc trong thời gian qua nhiều người chơi chứng khoán có tiền đổ xô đi mua đất, đẩy giá đất lên cao.
Vì thế, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, có nhiều cách tiếp cận về giá thị trường, nhưng đưa ra một giá nhất định ở TP. HCM cho chuẩn xác thì các nhà khoa học và các nhà quản lý phải phân tích nhiều chiều và cần phải nghiên cứu thêm.
Theo Bộ Tài Nguyên & Môi Trường
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: