Top

Diện mạo Tp.HCM còn là ẩn số

Cập nhật 23/09/2008 13:00

Phân cấp quy hoạch cho các quận, huyện không phải suôn sẻ như mong đợi, diện mạo đồ án quy hoạch tổng thể của Tp.HCM còn là ẩn số, khi mới chỉ đạt khoảng 50% kế hoạch.

Ba năm trước, Tp.HCM cam kết năm 2007 sẽ hoàn thành quy hoạch 1/2000, sau đó lời hứa này được gia hạn đến cuối năm 2008.

Thế nhưng, với một hiện trạng quy hoạch ngổn ngang cộng thêm khoảng 50% quy hoạch 1/2000 còn phải thẩm định, thì việc hoàn thành quy hoạch 1/2000 của toàn Tp.HCM trong năm nay trở thành bất khả thi.

Năm 2007, nhiều người đã lạc quan, sau khi nghe những lời hứa giải quyết quy hoạch treo, xoá bỏ quy hoạch không khả thi tại Tp.HCM, thế nhưng trở lại với thực tế của năm 2008 này, người ta nhận ra mọi chuyện không đơn giản, các quy hoạch không thể hoặc chưa thể thực hiện vẫn tồn tại với nhiều dạng khác nhau.

Tại quận Thủ Đức, quy hoạch ga hành khách Bình Triệu, phường Hiệp Bình Chánh và Hiệp Bình Phước treo từ năm 2002, phần lớn đất nông nghiệp ở đây không được chuyển mục đích sử dụng và hệ quả sau hơn 5 năm treo quy hoạch là hàng trăm căn nhà lụp xụp, xây dựng không phép trong khu vực 50 ha, người dân khổ sở đã đành, chính quyền địa phương không biết tỏ cùng ai, vì vốn quy hoạch từ cấp cao hơn.

Ông Lê Văn Lộc, Phó chủ tịch UBND huyện Thủ Đức cho biết: "Theo quy hoạch của Trung ương là ga hành khách, đường sắt khoảng 42 ha, bây giờ muốn thay đổi như thế nào, phải có ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải, còn nếu không thì bây giờ UBND quận Thủ Đức phải tôn trọng theo quy hoạch đó".

Quy hoạch thay đổi liên tục


Quận 12 có đến 92% diện tích đất tự nhiên, đã lập quy hoạch chi tiết từ 3, 4 năm trước, nhưng nay lại tiếp tục điều chỉnh, do không còn hợp với quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết của quận vì vậy cũng phải neo lại.

Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Chủ tịch UBND quận 12 cho biết: "Vừa đồng thời điều chỉnh quy hoạch chung 1/5000, đồng thời chúng ta cũng tiến hành là điều chỉnh quy hoạch 1/2000, do vậy phải chờ cái quy hoạch chung, thì quy hoạch chi tiết mới phù hợp".

Còn theo ông Hổ, nếu có điều chỉnh thì cũng không thể xoá hết những quy hoạch đã kéo dài và chưa triển khai: "Không thể xóa quy hoạch các tuyến đường giao thông, nếu xóa thì mai sau chúng ta không có đường giao thông".

Quận Tân Phú tuy là quận mới, nhưng bài toán quy hoạch cũng không dễ thở chút nào, quy hoạch ở đường Lũy Bán Bích vẫn án binh bất động nhiều năm qua, nỗi khổ của hàng ngàn hộ dân, đi cùng với bài toán kinh phí thực hiện của quận Tân Phú.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê, Trưởng phòng Quản lý đô thị UBND quận Tân Phú, cho biết: "Quy hoạch điện không có nằm trong kế hoạch của mình và hiện nay đường dây, đường ống của điện, cáp ngầm ở đâu mình không biết. Qui hoạch vùng miền, quy hoạch ngành cũng làm chồng chéo với nhau, ví dụ như y tế cũng có quy hoạch ngành, trung tâm thể thao cũng có quy hoạch ngành... thay vì cái việc ấy, mình đưa hết vào các mục quy hoạch xong rồi, thì bên y tế chẳng hạn đề nghị mỗi khu vực phải có một trung tâm y tế thì lúc đó mình quay ngược lại để làm quy hoạch".

Tp.HCM quy hoạch 8 bãi đậu xe ngầm, nhưng đến nay, chưa dự án nào khởi động, đã vậy quy hoạch bãi đậu xe ngầm Công trường Lam Sơn còn bị khai tử, bởi lý do không bảm đảm an toàn cho Nhà hát Tp.HCM và hệ thống Metro.

Trước đó, chính UBND Tp.HCM đã phê duyệt dự án này và phía Công ty TNHH Đông Dương cũng đã có giấy phép đầu tư, bỏ công sức theo đuổi một dự án ròng rã 4 năm, cuối cùng có thể không thực hiện được do vướng quy hoạch.

Bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh, Phó tổng giám đốc Công ty Đông Dương, Chủ đầu tư Dự án bãi đậu xe ngầm Công trường Lam Sơn, cho biết: "Lợi ích của một cộng đồng là lớn, kế hoạch phục vụ cho cộng đồng là cả thành phố này, còn bãi đậu xe chỉ phục vụ cộng đồng của cư dân quận 1 trung tâm thôi, nếu vi mô phải phục vụ, phải đi theo vĩ mô là đúng, nhưng mà ở Tp.HCM thì làm ngược lại, vi mô đi trước rồi mới áp vĩ mô lên, quy hoạch kéo từ 2005 đến 2008 mới làm, nếu không tôi đã khởi công từ 2005 rồi, cho nên quy hoạch đó gây ra tốn kém cực kỳ. Một là tốn kém cho các nhà đầu tư. Hai là UBND Tp.HCM cũng phải tốn bộ máy và thời giờ, thay vì giờ đó để phục vụ rất nhiều việc lợi ích cộng đồng".

Cũng theo Công ty TNHH Đông Dương, nếu dự án không thực hiện, UBND Tp.HCM có thể phải bồi thường cho đơn vị này 30 tỷ đồng, một con số không nhỏ cho những sai lầm và thiếu đồng bộ trong quy hoạch.

Phân cấp quy hoạch tỏ ra bất lực

Phân cấp quy hoạch cho các quận, huyện không phải suôn sẻ như mong đợi, diện mạo đồ án quy hoạch tổng thể của Tp.HCM còn là ẩn số, khi mới chỉ đạt khoảng 50% kế hoạch.

Ông Trần Trí Dũng, Phó giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Tp.HCM, cho biết: "Hơn 90% dự án quy hoạch chi tiết 1/2000 từ các quận huyện bị trả về vì chưa hoàn chỉnh".

Việc phân cấp quy hoạch là có vấn đề, tìm hiểu thực tế như ở quận Thủ Đức, cả người dân và chính quyền đều than trời với 2 dự án vướng quy hoạch của Tp.HCM và 5 dự án vướng quy hoạch giao thông từ Trung ương.

Ông Lê Văn Lộc - Phó chủ tịch UBND quận Thủ Đức, cho biết: "Vướng quy hoạch giao thông theo Quyết định 101 của Thủ tướng Chính phủ vì trong đó chỉ định hướng thôi, còn phải chờ các ngành chức năng Tp.HCM xác định con đường đó cụ thể chỗ nào, sau đó mới vô các quy hoạch. Mặt khác, một số chỉ tiêu về cây xanh, về các công trình công cộng có thay đổi, trước đây thực hiện theo quy hoạch cũ thì nay phải thực hiện chỉnh sửa lại".

Tại phường 16, quận 8, hiện có 40 dự án treo, trong đó có những dự án đã treo từ những năm 1999, theo quy định, dự án treo 3 năm sẽ bị thu hồi, thế nhưng sau 8 năm, nhiều dự án ở đây vẫn bình an vô sự.

Ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng ban Kinh tế ngân sách Hội đồng Nhân dân Tp.HCM cho biết: các dự án này bồi thường không liền mạch, thành ra chuyện điều chỉnh thu hồi cũng phải kiểm kê đánh giá lại, phải có một chính sách thế nào, cho nên bây giờ vẫn còn dang dở vậy.

Theo nguyên tắc, có quy hoạch chung thì mới có các đồ án quy hoạch chi tiết 1/2.000 và 1/500, vậy mà quy hoạch chung của toàn Tp.HCM, giờ còn đang chỉnh sửa, quy hoạch giao thông, các công trình ngầm thì chưa có, quy hoạch ngành thì thay đổi liên tục và tình trạng này khiến cho quy hoạch của các quận, huyện tiến thoái lưỡng nan.

Đó là chuyện của quy hoạch, vốn quy hoạch, còn quá trình duyệt một dự án quy hoạch của cấp cơ sở mới là một hành trình nhiêu kê, làm đau đầu những người trong và ngoài cuộc.

Thực hiện một đồ án quy hoạch, UBND quận, huyện phải tổ chức lấy ý kiến, rồi thông qua hội đồng nhân dân xã, phường, thông qua hội đồng nhân dân rồi UBND quận, huyện, sau đó trình Sở Quy hoạch kiến trúc Tp.HCM, Sở thẩm định thấy tốt thì lại trả về, từ đồ án đã phê duyệt, quận tiếp tục triển khai quy hoạch, sau đó lại trình Sở một lần nữa để được tiếp tục thông qua.

Thuận ra thì phải tốn thời gian từ 3 tháng đến 1 năm, chưa kể đến việc đồ án bị Sở Quy hoạch kiến trúc trả lại, yêu cầu chỉnh sửa.

Hàng chục dự án và hàng trăm dự án của các quận huyện thì người dân và cả thành phố này phải chờ đến bao giờ, câu hỏi này sẽ càng khó trả lời hơn khi nhân lực thực hiện quy hoạch ở các quận, huyện vừa thiếu lại vừa yếu.

Với chức năng chủ yếu là quản lý hành chính, nay gánh theo quy hoạch chi tiết 1/2000, nên hầu hết quận, huyện đều giao cho các đơn vị tư vấn, thì một đơn vị tư vấn cùng một lúc tư vấn cho 2, 3 quận, huyện là tình trạng phổ biến, khiến cho công tác quy hoạch vừa chậm lại không đảm bảo chất lượng.

www.DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy