Bộ Xây dựng vừa có văn bản thống nhất với nội dung của Đề án Quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020.
Theo Bộ Xây dựng, Hòa Bình là một tỉnh miền núi phía Tây Bắc, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, các ngành kinh tế phát triển chưa ổn định và cơ cấu nông nghiệp vấn chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế.
Hòa Bình có vị trí nằm trên tuyến hành lang kinh tế Tây Bắc (Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu) là một trong những hành lang được Chính phủ có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư phát triển.
Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hòa Bình từ nông, lâm nghiệp sang phát triển công nghiệp có chọn lọc, phù hợp với điều kiện địa phương để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là hợp lý.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng chỉ ra rằng, cần điều chỉnh chính xác ranh giới của tỉnh Hòa Bình và các số liệu liên quan tới 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn do 4 xã này đã sáp nhập vào địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội mở rộng.
Việc lập Quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020 phải gắn kết với những định hướng lớn của Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, tuyến Quốc lộ 6, Quốc lộ 12B và tuyến đường Hồ Chí Minh (QL 21 hiện có) là hệ thống giao thông quan trọng và là động lực cho tỉnh Hòa Bình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công nghiệp nói riêng.
Đồng thời do điều kiện địa hình tự nhiên của tỉnh cơ bản là khó khăn, ít thuận lợi cho việc xây dựng các khu công nghiệp có qui mô lớn.
Vì vậy, tỉnh Hòa Bình cần cân nhắc lựa chọn địa điểm, loại hình và quy mô các khu công nghiệp đảm bảo tính khả thi về thu hút nhà đầu tư vào sản xuất kinh doanh nhưng đồng thời phải lưu ý tới vấn đề môi trường, giảm thiểu tác động xấu tới cảnh quan, sinh thái khu vực, có giải pháp cụ thể đảm bảo ổn định đời sống của đồng bào dân tộc trong việc thu hồi đất xây dựng khu công nghiệp.
Ngoài ra, Hòa Bình là một tỉnh thuộc phía Nam của Vùng Tây Bắc có tính thuần nông, lâm nghiệp với nhiều khu vực có cảnh đẹp tự nhiên, có điều kiện phát triển các loại hình du lịch như Du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng tại Kim Bôi, Du lịch văn hoá dân tộc Thái tại Mai Châu...
Với điều kiện tự nhiên hiện có, Hoà Bình nên cân nhắc hướng cơ cấu phát triển kinh tế cân bằng giữa công nghiệp hóa - phát triển du lịch, dịch vụ - trồng rừng sinh thái nhằm đảm bảo phát triển bền vững.
Theo Báo Xây Dựng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: