Theo đề án, 900 căn nhà được xây dựng để cho thuê và thuê mua ở Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 1/6 nhu cầu. Khi đó sẽ xảy ra tình trạng có rất nhiều người thuộc diện đủ tiêu chuẩn được xét duyệt và nảy sinh chuyện xin - cho, tiêu cực.
Xung quanh vấn đề này, Tiến sỹ Hoàng Xuân Nghĩa, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu: “Thực trạng và giải pháp Giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp ở Hà Nội” đã có cuộc trao đổi với PV báo Dân trí.
* Từ trước đến nay, vấn đề giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp luôn trong tình trạng bế tắc. Bây giờ lại có thêm đề án thí điểm xây nhà ở xã hội khiến dư luận nghi ngờ?
Đề án phát triển loại hình căn hộ thuê và thuê mua rất tốt về mặt ý tưởng. Đây là loại hình tuy mới ở Việt Nam nhưng đã rất phổ biến ở nước ngoài và nó cũng phù hợp với khả năng tài chính của những người thu nhập thấp.
Quy mô nhà theo đề án lựa chọn từ 35 - 60 m2 cũng khá hợp lý. Với quy mô này giá thuê, thuê mua sẽ rẻ, phù hợp với khả năng chi trả của người thu nhập thấp.
* Một ý tưởng tốt như vậy chắc chắn sẽ khiến người dân cảm thấy lạc quan hơn vì mình có cơ hội được thuê và thuê mua nhà?
Cũng chưa hẳn như vậy. Đề án thí điểm này có quy mô quá nhỏ và cũng còn một số điểm gây tranh cãi. Theo nghiên cứu của chúng tôi, giá thuê nhà cho người thu nhập thấp ở nước ngoài chỉ dao động trong khoảng 10 - 20% thu nhập. Đề án đã lấy mức 20% thu nhập tức là đã lấy ngưỡng cao nhất, như vậy là cao.
Hơn nữa, ở nước ngoài, với mức thu nhập hiện tại của người dân, thì trong vòng 10 - 15 năm, họ sẽ trả góp đủ số tiền một căn nhà. Nhưng với mức thu nhập hiện nay của cán bộ, công chức nước ta, so với giá nhà rất cao ở thành phố, các khu đô thị thì việc sở hữu một ngôi nhà là cực khó, có khi làm cả đời cũng không mua được nhà.
* Đó có phải là lý do khiến thị trường nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn bị bỏ ngỏ do các doanh nghiệp đều tập trung vào phân khúc thị trường nhà trung và cao cấp?
Hiện nay, nhu cầu nhà ở dành cho người thu nhập thấp và trung bình rất lớn trong khi nguồn cung hạn chế. Bởi vậy, nhà nước cần phải có những cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở dành cho đối tượng này.
Nhưng để làm được việc đó, nhà nước cần có những ưu đãi cụ thể cho những doanh nghiệp tham gia. Quy hoạch những khu đất riêng để phát triển nhà ở xã hội với những ưu đãi cụ thể và cho đấu thấu công khai. Thậm chí có thể phải xác định nguồn tín dụng ưu đãi riêng cho các nhà đầu tư này vay.
* Trong đề án có đề cập đến một trong những vị trí khu đất xây dựng thí điểm quỹ nhà ở xã hội được Thành phố thống nhất lựa chọn tại quỹ đất 20% khu đô thị mới Việt Hưng - Hà Nội. Ông nghĩ sao về việc các khu nhà ở xã hội được xây xen kẽ với các khu đô thị thương mại?
Việc này cần phải cân nhắc thêm. Đề án lấy quỹ đất 20% ở các khu đô thị thương mại, với ý tưởng sẽ tận dụng cơ sở hạ tầng ở đó có thể sẽ nảy sinh những bất cập như nảy sinh mâu thuẫn do lối sống, mức sinh hoạt quá chênh lệch giữa người giầu và người nghèo. Bên cạnh đó là nguy cơ xảy ra tình trạng biến nhà ở xã hội thành nhà ở thương mại.
* Đúng vậy, điều đó cũng đồng nghĩa với việc chưa hẳn đối tượng thụ hưởng từ đề àn nhà ở này sẽ là những cán bộ, công chức có thu nhập thấp?
Con số 900 căn nhà dành cho thuê và thuê mua chiếm tỷ lệ quá nhỏ so với nhu cầu thực. Và khi đó sẽ xảy ra tình trạng có rất nhiều người thuộc diện đủ tiêu chuẩn được xét duyệt và nảy sinh chuyện xin-cho, tiêu cực. Điều này trước đây đã từng xảy ra.
Theo tôi điểm mấu chốt vẫn là sự chênh lệch cung cầu. Tôi cho rằng để giải quyết tận gốc vấn đề, cần tạo ra được một lượng cung nhà lớn, đa dạng hoá sản phẩm và phải có sự tham gia của thị trường vào phân khúc này.
Hãy để cho thị trường tự điều chỉnh, chứ không nên đề nhà nước gánh hết. Nhà nước chỉ nên tham gia vào giai đoạn đầu, với vai trò kích thích thị trường đi đầu.
* Xin cám ơn ông!
>>Đề án cho thuê mua nhà ở có khả thi?
Theo Dân Trí
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: